Ðến ngày 1-11, đã có hơn 130 người mắc bệnh. Bộ Y tế cũng chính thức ban hành phác đồ điều trị dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Theo đó, nguyên tắc điều trị phải cách ly người bệnh, bồi phụ nước và điện giải nhanh chóng và đầy đủ, dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn, điều trị kháng sinh, cho ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
Sau khi nghe các bộ và địa phương báo cáo tình hình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dịch bệnh tiêu chảy cấp là căn bệnh hết sức nguy hiểm, nguyên nhân chính là do vi khuẩn truyền qua con đường ăn uống. Do vậy, các bộ, ngành và địa phương cần phải dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất, khoanh vùng xử lý dịch triệt để, kiên quyết không để dịch bùng phát và lan rộng, không để ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và tình hình phát triển sản xuất. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm các nội dung phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm với tinh thần quyết liệt ở mức cao nhất; đồng thời tổ chức tổng kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ truyền nhiễm bệnh cao tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại; đình chỉ sử dụng mắm tôm, mắm tép trong chế biến, kinh doanh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Thủ tướng cho rằng, để ngăn ngừa dịch bệnh, mọi người dân cần thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn những loại thực phẩm mà Bộ Y tế đã cảnh báo, đồng thời giữ sạch môi trường nước sinh hoạt. Tự mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phòng ngừa dịch bệnh. Nếu phát hiện triệu chứng bệnh, phải đến ngay bệnh viện, các cơ sở y tế để các bác sĩ theo dõi, khám chữa.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm phổ biến các phác đồ điều trị bệnh đến các bệnh viện và cơ sở y tế; đồng thời phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức tuyên truyền đến từng hộ gia đình "4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm" theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến ngày 1-11, có hơn 130 người mắc bệnh tiêu chảy ở các địa bàn: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Ða số người bị mắc bệnh do sử dụng thực phẩm không an toàn như mắm tôm, thịt chó, gỏi, hải sản sống... Ðến nay, các bệnh nhân này đã được cấp cứu kịp thời và không có trường hợp nào tử vong.
Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, có 116 trường hợp đang điều trị (ngày 1-11 có 50 người bệnh nhập viện). TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết, qua xác định các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, viện xác định 83 trường hợp dương tính với bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Ðáng chú ý, qua xét nghiệm hơn 50 mẫu bệnh phẩm của người bệnh nhập viện và một số tỉnh phía bắc gửi tới, Viện đã phân loại được khoảng 40 chủng gây bệnh, trong đó có nhiều loại đã biến đổi. Ðiều này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, phác đồ điều trị do Bộ Y tế ban hành ngày 1-11 hoàn toàn có khả năng điều trị hiệu quả tiêu chảy cấp nguy hiểm trong trường hợp chủng vi khuẩn gây bệnh biến đổi. Hiện nay, do số người bệnh vào viện tăng đột biến, dẫn tới tình trạng quá tải ở viện.
Ngày 1-11, Bộ Y tế đã chính thức ban hành phác đồ điều trị dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm. Theo đó, nguyên tắc điều trị phải cách ly người bệnh, bồi phụ nước và điện giải nhanh chóng và đầy đủ, dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn, điều trị kháng sinh, cho ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Khi phát hiện người bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, phải thông báo cho y tế cấp trên và hệ y học dự phòng. Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly người bệnh ở buồng riêng theo đường tiếp xúc, xử lý phân và chất thải bằng clo-ra-min B hoặc vôi bột. Khử khuẩn, quần áo, chăn màn, dụng cụ, phương tiện chuyên chở người bệnh bằng dung dịch clo-ra-min B, nước gia-ven hoặc nước sôi, ngâm tay bằng dung dịch clo-ra-min B hoặc rửa tay bằng các dung dịch khử khuẩn sau khi thăm khám, chăm sóc người bệnh. Phác đồ cũng nêu rõ, vi khuẩn gây dịch này đã kháng với các loại thuốc: doxycylin, tetraciline, Cotrimoxazol, ambicilin, nalidixcaide. Tuy nhiên, hai loại thuốc Ciprofloxacin, Norfloxacin đang có hiệu quả cao trong việc điều trị dịch này.
Trong số các địa phương ở phía bắc có dịch, thì Hà Nội có số người bệnh nhiều nhất. Chiều 1-11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã triệu tập cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan và lãnh đạo của 14 quận, huyện trên địa bàn. Ðồng chí Nguyễn Thế Thảo đề nghị ngành y tế Hà Nội, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tạm dừng các công việc không cần thiết để tập trung vào việc phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy, coi đây như nhiệm vụ trọng tâm. Theo TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố, đã có 12/14 quận, huyện xảy ra dịch bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm, đặc biệt gia tăng trên địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, đáng mừng là đến thời điểm này, người bệnh được điều trị kịp thời, không có ca nào tử vong, các ổ dịch đều biệt lập. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, tất cả những người mắc bệnh sẽ được điều trị miễn phí và những trường hợp tiếp xúc với người bệnh cũng sẽ được cấp phát thuốc dự phòng lây nhiễm. Thành phố đã chuẩn bị 200 giường bệnh để tiếp nhận điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp. Sắp tới, những người bệnh đã ổn định sẽ được đưa sang điều trị tiếp ở Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Ðống Ða. Còn các Bệnh viện Ðức Giang, Bắc Thăng Long, Xanh Pôn có thể chia sẻ việc tiếp nhận các ca mắc mới. Các bác sĩ cho biết, phần lớn những người bị tiêu chảy cấp nguy hiểm đều từng ăn mắm tôm, rau sống hay các thực phẩm chưa chín khác.
Thành ủy Hà Nội đã có công điện, UBND thành phố Hà Nội có kế hoạch số 77 về công tác phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp. Tất cả các quận, huyện, phường, xã của thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và tổ chức triển khai vận động, tuyên truyền, xử lý các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, mỗi quận thu hồi, tiêu hủy hàng trăm kg mắm tôm. Các quận, huyện đều phổ biến nhiệm vụ phòng, chống dịch tới từng cơ quan, đơn vị, trường học, hộ dân trên địa bàn. Loa đài các phường tăng thời lượng phát thanh, phổ biến các khuyến cáo vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh.
Liên tục trong những ngày gần đây, lãnh đạo TP Hà Nội cùng đại diện các ngành chức năng của thành phố đã đi kiểm tra đột xuất công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp của TP Hà Nội, đến Bệnh viện Bạch Mai, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, để nắm bắt diễn biến của bệnh dịch và thống nhất các phương án phối hợp để xử lý các tình huống xảy ra. Nhìn chung, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ đột xuất, trọng tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các quận, huyện bước đầu kiểm soát được tình hình, xây dựng phương án, phân công cán bộ trực, hằng ngày thông tin, báo cáo về thành phố.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến ngày 1-11, đã nhập sáu tấn thuốc diệt trùng chuyển xuống các quận, huyện. In 30.000 tờ gấp tuyên truyền phòng, chống tiêu chảy cấp, phát xuống địa phương. Ðề phòng trường hợp dịch lan rộng, các bệnh viện của Hà Nội đã chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc men, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh. Ngoài ra, Hà Nội cũng dự kiến huy động hơn 1.700 sinh viên cao đẳng, đại học y tế phối hợp với lực lượng cán bộ y tế hiện có tham gia chống dịch...
Mặc dù các cấp chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để phòng, chống dịch bệnh tiêu chảy cấp, các quy định của Sở Y tế về việc tạm đình chỉ một số loại thực phẩm như mắm tôm, mắm tép trong chế biến và kinh doanh thực phẩm, nhưng nhiều hộ kinh doanh và một bộ phận người dân vẫn không nghiêm chỉnh chấp hành. Nhiều nơi chỉ làm "chiếu lệ", nhìn bề ngoài cứ tưởng là chấp hành tốt, nhưng thực tế là chỉ dừng bán công khai, còn vẫn lén lút kinh doanh.
16 giờ chiều 31-10, tại cửa hàng bún đậu Bích Loan trong chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng), vẫn có năm, sáu khách đang ăn món bún đậu mắm tôm. Mặc dù trước đó, chúng tôi vừa được đồng chí Trưởng Ban quản lý chợ cho biết, 35 hộ kinh doanh mắm tôm, mắm tép và 15 hộ kinh doanh ăn uống có sử dụng mắm tôm chế biến thực phẩm đã ký cam kết không kinh doanh mặt hàng này. Chiều 1-11, tại chợ Hàng Bè, "lò" chuyên sản xuất "đặc sản" mắm tép chưng thịt, chúng tôi vẫn trông thấy một chậu mắm tép to tướng, chẳng che đậy gì, để ngay dưới gầm bàn bày bán các loại gia vị tại sạp hàng đối diện nhà số 1 ngõ Cầu Gỗ.
Tại các siêu thị, nơi từ trước đến nay vẫn được người tiêu dùng tin tưởng vì bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, liệu việc chấp hành quy định của thành phố có nghiêm túc? Khảo sát tại hai siêu thị lớn trên địa bàn thành phố là siêu thị Fivimart số 10 phố Trấn Vũ và Fivimart 210 Trần Quang Khải vào chiều 30-10 và 1-11, chúng tôi thấy hai cơ sở này vẫn bày bán khá công khai mặt hàng mắm tép chưng, với giá 11.000 đồng/túi 1 lạng. Cô nhân viên bán hàng còn "quảng cáo": "Chị yên tâm, mặt hàng này do cơ sở sản xuất mắm tép Quang Hoa ở khu chợ Hàng Bè mang đến. Hàng vừa làm hôm nay, bảo đảm chất lượng". Tôi cầm thử gói mắm tép lên xem, thấy ghi sản xuất ngày 1-11, nhưng tìm mãi không thấy dòng nào ghi địa chỉ của cơ sở sản xuất Quang Hoa...
Tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống có sử dụng mắm tôm trên hè phố, quyết định đình chỉ sử dụng các loại thực phẩm nêu trên chưa được thực hiện, việc kinh doanh vẫn nhộn nhịp như ngày thường. Trưa 1-11, cửa hàng bún đậu 21 Phạm Ðình Hồ, khách đến ăn vẫn nườm nượp, ngồi chật cả vỉa hè. Một số khách yêu cầu nhà hàng cho nước mắm thay vì mắm tôm như mọi khi, nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ món mắm tôm. Khu vực ngõ Phất Lộc có hai cửa hàng bún đậu ở số 49 và số 55 cũng đông không kém, xe máy xếp kín cả con ngõ nhỏ.
Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của các địa phương và TP Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, xử lý ngay những hộ kinh doanh vẫn cố tình kinh doanh các loại thực phẩm đã bị đình chỉ sử dụng như đã nêu ở trên. Mặt khác, để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và của toàn xã hội trước bệnh dịch nguy hiểm, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, thực hiện sáu biện pháp an toàn thực phẩm như không ăn các thực phẩm sống, thực hiện ăn chín, uống sôi, giữ gìn môi trường... Nguy cơ bùng phát bệnh dịch là rất cao, nếu chúng ta lơ là với công tác phòng, chống dịch.