"Nước Nga đối với tôi không phải là kỷ niệm mà là hiện tại"- ông Nguyễn Đình Khoan ở số nhà 144 đường Bến Tượng, Phường Trưng Vương (TP Thái Nguyên) khẳng định như vậy khi câu chuyện của chúng tôi gợi đến những ngày ông đảm nhiệm chức danh Thường trực Phân Hội Hữu nghị Việt -Xô của tỉnh Bắc Thái.
- Thày quý chúng tôi lắm nên mới lặn lội từ Nga về Việt Nam để tìm. Còn chúng tôi không bao giờ quên con người nhiệt tình cao độ, chân thật, tỉ mỉ, chu đáo đó. Trong quá trình giảng dạy thày luôn nhắc chúng tôi: Không bao giờ bỏ qua một chi tiết nào dù nhỏ nhất trong hệ thống điều khiển tên lửa hiện đại ấy, dù đó chỉ là cái cầu chì. Thày dạy quả không thừa, tôi nhớ nhất trận đánh tại sân bay Vinh năm 1966, khi bắt được mục tiêu, bộ phận chỉ huy ra lệnh phóng tên lửa nhưng bộ phận truyền lệnh của chúng tôi đột nhiên bị mất sóng cao thế do 1 chiếc cầu chì bị đứt. Chúng tôi báo ngay về Sở chỉ huy, lập tức Sở chỉ huy phát lệnh ngừng phóng. Do đã lường hết các sự cố theo lời thày, chỉ trong vài giây chúng tôi đã thay xong cầu chì điện. Tên lửa phóng đi đã bắn rơi máy bay, bảo đảm an toàn cho đơn vị.
Trong câu chuyện, ông Khoan luôn nhắc mình có mối quan hệ đặc biệt với đất nước Xô Viết (trước đây) và nước Nga hiện nay. Là học sinh giỏi tiếng Nga, tốt nghiệp cấp 3 ông theo học Trung cấp Nga văn tại Hà Nội. Ra trường, ông trở thành biên dịch viên tài liệu tiếng Nga của Trường Nghiệp vụ (Bộ Công nghiệp nhẹ). Sau 6 năm quân ngũ, ông về công tác tại Ban đối ngoại của Uỷ ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Năm 1974 ông là Chánh văn phòng Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Bắc Thái. Năm 1976 ông được giao nhiệm vụ Thường trực Phân hội hữu nghị Việt- Xô của tỉnh.
- Phân hội trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, do đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo làm Phân hội trưởng- Ông Khoan nhớ lại. Các thành viên gồm đại diện Ban Ngoại Vụ (UBND tỉnh), Sở Khoa học, đại diện một số đơn vị có nhiều chuyên gia công tác. Nhiệm vụ của Phân hội là đón tiếp, tổ chức gặp gỡ, động viên, giúp các chuyên gia Liên Xô hiểu hơn về con người Việt Nam, về lịch sử , văn hoá, danh thắng của Bắc Thái. Vì thế, ngoài tổ chức các chương trình nói chuyện nhân ngày lễ lớn của nhân dân Liên Xô, chúng tôi còn tổ chức các chuyến picnic, đi cắm trại, đốt lửa ở các cánh rừng đẹp của Phú Lương, Định Hoá, thăm suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng (Võ Nhai).
Những bản tình ca Nga nổi tiếng như Đôi bờ, Chiều Matxcova, Cachiusa... luôn vang lên ở các cuộc vui. Qua Phân hội, các bạn Liên Xô cũng có dịp giới thiệu về đất nước Xô Viết, về Cách mạng Tháng 10 Nga vĩ đại đến nhân dân Bắc Thái. Hồi đó phong trào học tiếng Nga rất mạnh, chúng tôi mở được 3 lớp, mỗi lớp học 3 tháng cho khoảng 150 cán bộ của tỉnh tự đóng tiền đi học. Năm 1982, lần đầu tiên tôi được đến nước Nga tham dự hội nghị các đại biểu làm tại Hội hữu nghị của các nước. Chúng tôi được đi thăm hệ thống đường sắt Matxcơva nối Xibêri, thăm con đường Baican- Amua, thăm các nhà máy thuỷ điện... Chuyến đi để lại trong tôi rất nhiều cảm nhận về một đất nước vĩ đại, rộng lớn, một tính cách Nga nồng ấm, nhân hậu.
Nhìn ông Khoan nâng niu những tấm ảnh ghi lại những ngày đáng nhớ bên các bạn Nga, bên thày Todorasko, tôi hiểu trong ông còn ăm ắp những kỷ niệm, những tình cảm với con người và đất nước xa xôi mà rất gần gũi ấy.