Cách đây 90 năm, cuộc cách mạng XHCN Tháng Mười Nga đã giành thắng lợi. Ðó là cuộc cách mạng mở đầu sự nghiệp "giải phóng nhân loại khỏi ách tư bản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa" để xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN.
Cách mạng Tháng Mười nổ ra cách đây 90 năm và nhân loại từng chứng kiến những biến động dữ dội trong đời sống chính trị, xã hội thế giới. Cuối thế kỷ 20, sự tan rã của Liên Xô và các nước XHCN ở Ðông Âu tác động lớn đến phong trào cộng sản quốc tế và sự nghiệp cách mạng của nhân dân lao động, các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Không ít người hoang mang, dao động, suy giảm lòng tin vào CNXH.
Các thế lực đế quốc và phản động quốc tế càng ráo riết tiến công chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phủ định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười. Chúng dùng mọi thủ đoạn thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin rêu rao về cái gọi là sự "vĩnh hằng" của chủ nghĩa tư bản.Một số kẻ cơ hội chính trị lại ra sức xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Ðông và Trung Âu.
Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu tan vỡ không phải do chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà nguyên nhân là do các đảng cộng sản cầm quyền ở đó lúc bấy giờ xa rời các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về tổ chức và sinh hoạt đảng, không thường xuyên tự đổi mới đã làm cho đảng trở thành quan liêu, xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng. Bệnh giáo điều về lý luận đã làm cho tư duy lý luận bị xơ cứng, mất sức chiến đấu, đánh mất bản lĩnh chính trị và xuất hiện nhiều kẻ cơ hội chủ nghĩa.
Song, như Mác từng khẳng định: Các cuộc cách mạng đều là những đầu tàu của lịch sử. Cách mạng XHCN mà cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là mở đường không phải là bước "đi chệch" ra ngoài con đường phát triển của xã hội, càng không phải là "kết quả tai hại" của các hành động "thái quá và sai lầm" như các lực lượng thù địch chủ nghĩa Mác - Lê-nin rêu rao. Cách mạng Tháng Mười Nga là kết quả tất yếu khách quan của tiến trình lịch sử. Nó đã chặt đứt "khâu yếu nhất của sợi dây chuyền tư bản chủ nghĩa" và là cuộc cách mạng mở đường đi tới CNXH. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã chứng tỏ chủ nghĩa tư bản sớm muộn sẽ phải thay thế bởi một chế độ xã hội tốt đẹp hơn là chế độ XHCN. Ðiều này cắt nghĩa vì sao các thế lực đế quốc không từ một âm mưu, thủ đoạn nào nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp ý nghĩa, vai trò lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lê-nin và CNXH, chống phá các Ðảng Cộng sản và phong trào cách mạng.
Sự thật lịch sử của CNXH hiện thực với những thành tựu vĩ đại đưa Liên Xô trở thành cường quốc và cứu nhân loại khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát-xít trong thế chiến thứ 2; sự sáng tạo của các Ðảng Cộng sản cầm quyền và của nhân dân các nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam trong cải cách, đổi mới đã bác bỏ các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và ý nghĩa của cách mạng XHCN Tháng Mười Nga.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, CNXH khoa học do Mác- Ăng-ghen sáng lập đã được triển khai xây dựng ở Liên bang Xô-viết. Thực tế và kinh nghiệm của công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước XHCN cho thấy con đường đi tới CNXH ở thời đại quá độ lên CNXH là một cuộc cách mạng không ngừng. Lê-nin từng chỉ rõ: Không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng XHCN quốc tế. Các nước tiểu nông không qua chế độ tư bản chủ nghĩa thì phải trải qua rất nhiều bước quá độ gián tiếp. Vị lãnh tụ vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, cũng là người sáng lập Nhà nước Xô-viết, người kiến tạo đường lối xây dựng CNXH đầu tiên trên thế giới, trong tư duy của Người thể hiện ở những chiến lược, nhất là chính sách kinh tế mới (NEP) đã cho thấy trong công cuộc xây dựng CNXH phải thường xuyên đổi mới nhận thức về CNXH và cách thức tiến hành công cuộc xây dựng xã hội mới.
Chính sách kinh tế mới (NEP) của Lê-nin đã gợi mở con đường và mô hình xây dựng CNXH ở các nước lạc hậu, kém phát triển sau khi các dân tộc ở những quốc gia này giành được quyền dân tộc độc lập, lựa chọn con đường phát triển không kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Theo quan điểm của Lê-nin, đối với những nước điểm xuất phát thấp không kinh qua chế độ tư bản chủ nghĩa thực hiện bước quá độ lên CNXH phải kiên nhẫn đi con đường qua những khâu trung gian, áp dụng những giải pháp quá độ thích hợp với trình độ để đi tới CNXH. Ðây là bài học lịch sử có giá trị lâu dài đối với bước đường phát triển của các dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng lựa chọn con đường phát triển đi lên xây dựng đất nước theo định hướng XHCN.
Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười và CNXH hiện thực, lần đầu tiên trong lịch sử, Ðảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền. Lê-nin trong những năm cuối đời đã đề cập tới vấn đề đảng cầm quyền, quan hệ giữa Ðảng và Nhà nước, giữa Ðảng và nhân dân, Ðảng và xã hội. Lê-nin khẳng định, đây là những vấn đề trọng yếu của hệ thống chính trị XHCN, của các nước có chế độ dân chủ nhân dân lựa chọn con đường quá độ lên CNXH. Bởi vì, khi đã cầm quyền, Ðảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo, xây dựng chính quyền, tiến hành công cuộc xây dựng CNXH thì Ðảng gánh vác sứ mệnh lịch sử trọng đại đối với sự nghiệp xây dựng xã hội mới, xã hội XHCN. Thực tế lịch sử cho thấy, vai trò và năng lực lãnh đạo của Ðảng Cộng sản cầm quyền là nhân tố quyết định con đường phát triển của CNXH, bảo đảm để đổi mới, cải cách thắng lợi. Ðó là điều lý giải vì sao các thế lực thù địch tìm mọi mưu toan, thủ đoạn phá hoại CNXH, đều tập trung phủ định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản cầm quyền.
Với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn cổ vũ lớn lao và sâu sắc. Cùng với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Mười được kiểm chứng bằng một thực tiễn sinh động. Bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga và công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô trước đây, bài học về xây dựng đảng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam.
Ði theo con đường và thực hiện lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, Ðảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay khi ra đời đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, lãnh đạo toàn dân làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, đưa cả nước đi lên CNXH và tiến hành sự nghiệp đổi mới. Với lòng biết ơn và niềm tự hào, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: Nhân dân Việt Nam tiếp tục giương cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của Cách mạng Tháng Mười. Nắm vững linh hồn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðại hội VI của Ðảng với tinh thần phê phán đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu bật những yếu kém, khó khăn do kéo dài cơ chế quan liêu bao cấp và đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Ðường lối đổi mới của Ðảng là sự vận dụng sáng tạo, phù hợp thực tiễn nước ta những tư tưởng thiên tài của Lê-nin, những lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười.
Hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, qua mỗi chặng đường, xuất phát từ thực tiễn, Ðảng và nhân dân ta kịp thời sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, xác định bước đi phù hợp nhằm tăng cường năng lực nội sinh, tranh thủ sức mạnh bên ngoài, tiến từng bước vững chắc, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhờ tiến hành công cuộc đổi mới trên cơ sở giữ vững định hướng XHCN, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động, Ðảng đã lãnh đạo toàn dân phấn đấu sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển. Ðổi mới toàn diện, thực hiện dân chủ từ cơ sở, xã hội ta đã xây dựng được bầu không khí dân chủ, tự do lành mạnh. Mọi tìm tòi sáng tạo được đề cao; mọi tiềm năng được phát huy để đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.
Ðúng như Ðảng ta khẳng định, sự nghiệp đổi mới, CNH, HÐH là sự nghiệp của toàn dân, vì nhân dân và do nhân dân. Ðây là sự đổi mới toàn diện và sâu sắc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Ði theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo chính là một sự nghiệp cách mạng sáng tạo của toàn dân. Xuất phát từ quan điểm giải phóng để phát triển, công cuộc xây dựng CNXH luôn đòi hỏi phải thường xuyên tự đổi mới, tự vận động. Ðổi mới là sự nghiệp giải phóng, mà sâu xa nhất, căn bản nhất là giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy năng lực trí tuệ của con người, mọi tiềm năng xã hội, để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người. Ðó cũng là mục tiêu lý tưởng cao đẹp, nhân văn của Cách mạng Tháng Mười mà công cuộc đổi mới ở nước ta vươn tới. Lý tưởng và bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười tiếp tục soi đường cho sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta đi lên trong thời kỳ mới.