Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo lý tưởng cách mạng Tháng Mười Nga

15:33, 05/11/2007

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ra đời tính đến nay vừa tròn 90 tuổi. Sự ra đời và tồn tại chế độ xã hội mới, xã hội XHCN là một tất yếu lịch sử.

Ðó là kết quả của sự vận động và phát triển những mâu thuẫn đã chín muồi trong lòng chủ nghĩa tư bản. Sự ra đời và tồn tại chế độ xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cho đến ngày nay nói lên rằng, từ Cách mạng Tháng Mười Nga, nhân loại đã bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mặc dù sự quá độ diễn ra không đơn giản, hiện thời chủ nghĩa xã hội tạm thời bị thoái trào, nhưng từ những bài học thành công và thất bại, chủ nghĩa xã hội có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới.

Ðối với cách mạng nước ta, trung thành và vận dụng sáng tạo lý tưởng và những bài học lịch sử của Cách mạng Tháng Mười, đã giành được thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và các cuộc kháng chiến chống đế quốc, thực dân, thống nhất Tổ quốc và đưa cả nước đi lên xây dựng CNXH.

Hơn 20 năm qua tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thành công của công cuộc đổi mới trước hết là do kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng và bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới. Ðại hội VI (tháng 12-1986) của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từ đổi mới tư duy, đến đổi mới công tác tổ chức cán bộ, từ đổi mới phương pháp lãnh đạo đến phong cách hoạt động của Ðảng; từ đổi mới về kinh tế đến đổi mới các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, chính sách xã hội...

Thực hiện đường lối đổi mới sáng tạo, chúng ta từng bước loại bỏ những quan niệm sai lầm, khắc phục những quan niệm lạc hậu, lỗi thời, vận dụng sáng tạo và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện mới chứ không xa rời những nguyên lý ấy. Thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chứng minh một cách thuyết phục rằng, trước tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, thời cơ và thách thức đan xen, nếu tự ru ngủ mình và bằng lòng với những nguyên lý chung chung, lý luận sẵn có, xơ cứng, giáo điều, mà không đi sâu tìm tòi, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống sinh động, thì sẽ không tận dụng được thời cơ, vượt qua được khó khăn, thách thức để tiến lên. Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga được bổ sung bằng việc vận dụng sáng tạo các nguyên lý, bài học, kinh nghiệm vào các hoàn cảnh lịch sử cụ thể để giành thắng lợi.

Nhà nước "là một vấn đề rất cơ bản, rất mấu chốt trong toàn bộ chính trị" (1) là vấn đề cốt tử của mọi cuộc cách mạng, nhưng lại "là một trong những vấn đề "phức tạp nhất, khó khăn nhất" (2) như V.I.Lê-nin đã từng nhấn mạnh nhiều lần trong tác phẩm "Nhà nước và cách mạng" (Người viết trong những ngày sục sôi chuẩn bị Cách mạng Tháng Mười Nga) và trong "Bàn về nhà nước" - tập bài giảng mà Người đích thân giảng dạy tại Trường đại học sau Cách mạng Tháng Mười thành công.

Nhận thức sâu sắc vấn đề nhà nước, Ðảng ta đặc biệt coi trọng việc đề ra đường lối xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước - trụ cột của hệ thống chính trị. Ngày nay, trong điều kiện mới, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười về xây dựng một nhà nước kiểu mới thật sự của dân, do dân và vì dân lại được nhân dân ta trang trọng tuyên bố trong Hiến pháp: "Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" (Ðiều 2 Hiến pháp 1992).

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN như vậy là một tất yếu khách quan, bắt nguồn từ đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhà nước, cải cách pháp luật, bảo đảm nhà nước không ngừng vững mạnh, có hiệu lực và hiệu quả, đủ sức giải quyết các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện dân chủ, giữ vững độc lập, tự chủ và chủ động tích cực hội nhập vào đời sống quốc tế.

Với nhận thức đó, nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trước hết là xây dựng một Quốc hội thực thi đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định, xứng đáng với vị trí và vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Theo đó, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của nhà nước. Ðiều đó đòi hỏi phải xây dựng Quốc hội mạnh về lập pháp, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và giám sát tối cao. Phương thức hoạt động của Quốc hội về tổng thể phải dựa trên hai trụ cột chính là Ủy ban, Hội đồng Dân tộc và các đại biểu Quốc hội. Phải chuyển trọng tâm hoạt động của Quốc hội về các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc. Tại đây, các công việc trước khi đưa trình Quốc hội quyết định, phải được thẩm tra xem xét kỹ lưỡng. Vai trò của đại biểu Quốc hội phải được tăng cường bằng cách phát huy bản lĩnh, trí tuệ chuyên sâu, chuyên trách và trách nhiệm của người đại biểu trước nhân dân.

Ðồng thời phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về cách thức làm việc tại nghị trường, phải chuyển từ tham luận minh họa, hỏi để biết sang tranh luận, phản biện, chất vấn. Ðối với Chính phủ, một Quốc hội mạnh luôn gắn liền với một Chính phủ mạnh. Vì thế phải xây dựng một Chính phủ mạnh đứng đầu hệ thống hành pháp, hoạt động thông suốt, có hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ quản lý đất nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác quốc tế.

Về mặt phân công quyền lực nhà nước, Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đó là chấp hành Hiến pháp, các đạo luật và Nghị quyết do Quốc hội ban hành và báo cáo công tác trước Quốc hội, chịu sự chất vấn và giám sát của Quốc hội. Chính phủ phải trong sạch, vững mạnh và được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân. Ðồng thời Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, đứng đầu hệ thống cơ quan hành pháp, đáp ứng các yêu cầu: tổ chức tốt việc thực thi Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; ban hành và thực thi kịp thời, phù hợp với hệ thống chính sách và pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt chức năng quản lý vĩ mô đối với toàn bộ nền kinh tế, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Chính phủ phải có cơ cấu tổ chức đa ngành, gọn nhẹ, đa năng, hiệu lực và hiệu quả.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ phải tập trung vào nhiệm vụ quản lý vĩ mô đối với nền kinh tế quốc dân, không can thiệp cụ thể vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ. Chính phủ là người "cầm lái" chứ không trực tiếp "bơi chèo". Trong quan hệ với quyền tư pháp, Chính phủ không có quyền can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa án, kể cả việc xét xử các vụ án hành chính. Ðó là những vấn đề có tính nguyên tắc, trong việc xây dựng Chính phủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cải cách tư pháp là một bộ phận quan trọng trong cải cách bộ máy Nhà nước. Bởi các cơ quan tư pháp là các cơ quan bảo vệ pháp luật bằng việc áp dụng đúng đắn luật và các văn bản dưới luật. Có thể ví các cơ quan tư pháp như là bộ phận chuyển tải quyền lực nhà nước thể hiện trong pháp luật vào đời sống thông qua việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc cụ thể. Nếu "lực" được thể hiện đầy đủ, đúng đắn, chính xác qua hoạt động lập pháp và hành pháp, nhưng hệ thống chuyền "lực" qua hoạt động tư pháp không tốt thì bộ máy nhà nước ấy vẫn là bộ máy nhà nước kém hiệu lực, hiệu quả.

Chính vì vậy, phải tiến hành cải cách tư pháp đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội , Chính phủ. Các cơ quan tư pháp bao gồm nhiều cơ quan, trong đó, tòa án giữ vị trí trung tâm. Bởi vì tất cả các cơ quan tư pháp khác như điều tra, truy tố, bổ trợ tư pháp (luật sự, công chứng, giám định pháp y,...) đều phục vụ cho hoạt động xét xử của tòa án. Tòa án là nơi biểu hiện tập trung tính chất dân chủ và công khai trong hoạt động bảo vệ pháp luật. Ở đó, con người tìm thấy lẽ công bằng, tính nhân đạo, thiện và ác, một cách trực tiếp và cụ thể qua các sự kiện pháp lý cụ thể.

Do đó, cải cách tòa án là khâu quan trọng trong cải cách tư pháp, một bộ phận trọng yếu của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Một trong những nội dung quan trọng của cải cách tòa án là đổi mới tổ chức và hoạt động sao cho bảo đảm trên thực tế nguyên tắc hiến định "khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Ðồng thời phải từng bước mở rộng thẩm quyền của tòa án để hướng đến các tòa án giải quyết được hầu hết mọi tranh chấp xuất hiện trong đời sống xã hội, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự phức tạp hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ xã hội. Phải tổ chức tòa án theo hai cấp xét xử để trả về cho Tòa án tối cao chức năng giám đốc thẩm và tái thẩm (Tòa phá án) và tổng kết kinh nghiệm xét xử.

Cùng với đổi mới Quốc hội, Chính phủ và cải cách tư pháp, phải coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền địa phương. Việc phát huy dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta về phương diện tổ chức quyền lực nhà nước đòi hỏi một mặt phải mở rộng quyền chủ động cho các địa phương tham gia tích cực vào giải quyết các công việc của chính mình, mà không dựa dẫm ỷ lại vào cơ quan cấp trên.

Mặt khác, phải củng cố kỷ cương, tăng cường quản lý nhà nước thống nhất trong phạm vi cả nước, chống mọi biểu hiện cục bộ địa phương, bảo đảm cho nền hành pháp thống nhất, thông suốt, vững mạnh và hiệu quả. Vì thế cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phù hợp với đòi hỏi của việc phát huy dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN đang tiến hành ở nước ta.

Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình xây dựng nhà nước kiểu mới ở nước ta, nhất là hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta càng khẳng định, tin tưởng vào các giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga và càng nhận thức sâu sắc rằng, học thuyết Mác - Lê-nin, lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga luôn luôn sinh động, soi đường cho chúng ta.

(1) - V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M.1979, tập 39, tr76.

(2) - Sđd, tr75.

GS, TS Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội)