Cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua, tôi được tham gia Đoàn công tác của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nước ta đi dự Hội nghị các nữ nghị sĩ và Bộ trưởng châu Á với chủ đề Giáo dục dành cho phụ nữ và trẻ em gái- tiền đề của sự phát triển, tổ chức tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn. Tại hội nghị, đại biểu các nước đều tham gia thảo luận. Đoàn Việt Nam là một trong những Đoàn rất tích cực, nội dung phát biểu của Đoàn rất có tầm nên Ban tổ chức và Đại biểu nhiều nước rất tôn trọng. Các bài phát biểu cũng như Tuyên bố chung của Hội nghị khi bế mạc đều tập trung khẳng định vai trò, tầm quan trọng của giáo dục dành cho phụ nữ và trẻ em gái, chỉ ra thực trạng còn nhiều nan giải về vấn đề này ở nhiều nơi. Khẳng định trách nhiệm của các Nghị sĩ, các đại biểu Quốc hội với tư cách là nhà lập pháp trong vấn đề này, đồng thời nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ các nước. Hội nghị cũng nêu rõ các nước cần có sự đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong giáo dục dành cho phụ nữ và trẻ em gái. Hội nghị họp tại Bắc kinh do Trung Quốc đăng cai nên Quốc hội Trung Quốc có sự tài trợ mạnh mẽ, nhiều nhà lãnh đạo của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội Trung Quốc tham dự Hội nghị. Đặc biệt bà Gu Xiu Lian- Phó Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc là người có 2 bài phát biểu tại Hội nghị đã khẳng định: Là một thành viên của Đại cộng đồng Châu Á, Trung Quốc sẽ hợp tác mạnh mẽ và đầy đủ, toàn diện trên lĩnh vực này vì những lợi ích chung, trong đó có lợi ích của Trung Quốc.
Theo chương trình đã định sẵn, trước khi vào Hội nghị và sau Hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã thăm và làm việc với một số Bộ, Ngành ở Trung ương và 2 địa phương của Trung Quốc là tỉnh Thanh Hải và Khu tự trị Tân Cương, nội dung mà Đoàn làm việc tập trung vào 2 vấn đề chính là công tác dân số và y tế, nhất là Bảo hiểm y tế.
Về lĩnh vực dân số, phải khẳng định Đảng và Nhà nước Trung Quốc có quyết tâm và sự thống nhất rất cao, có một hệ thống chính sách ngày càng đồng bộ, thống nhất cụ thể và trên thực tế đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Làm việc với Đoàn, đồng chí Lý Bình (Li Bin), Quyền Chủ nhiệm Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc và các đồng chí ở Ủy ban cho biết: Đảng, Nhà nước Trung Quốc nhận thức rõ Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới (đến tháng 6/2007 là 1.308 triệu người), nếu không có chủ trương, chính sách đúng về công tác dân số thì gánh nặng dân số sẽ đè nặng không những lên Trung Quốc mà cả khu vực và thế giới. Do vậy, đối với Trung Quốc, kiên trì kế hoạch hóa gia đình là quốc sách, chưa bao giờ không kiên định, tất cả các cơ quan Đảng Chính Dân đều đặt đó là công tác hàng đầu. Trong công tác dân số của Trung Quốc, bạn xác định ba định hướng: Ổn định tỉ lệ sinh ở mức thấp (0,75%) để nâng cao chất lượng dân số; dựa vào pháp luật để quản lý (Quốc hội Trung Quốc ban hành Luật Kế hoạch hóa gia đình từ năm 2001) tăng cường tuyên truyền, khen thưởng, khích lệ. Để thực hiện các định hướng này, trong luật và các văn bản của Chính phủ có nhiều quy định theo hướng: Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Trung ương thì quy định rõ ngay, còn lại thì phân cấp cho các địa phương và cũng yêu cầu quy định rõ để dễ thực hiện. Ví dụ: Luật pháp chỉ quy định Trung Quốc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình, số lượng con của mỗi gia đình do Hội đồng nhân dân (ở Trung Quốc gọi là Đại hội Đại biểu nhân dân - gọi tắt là Nhân đại) cấp tỉnh quyết định. Trên cơ sở quy định này, các địa phương đều có quy định riêng của mình nhưng chúng tôi thấy khá thống nhất. Ở Thanh Hải và Tân Cương, Nhân đại của địa phương đều quy định: Gia đình cán bộ CCVC của Nhà nước, các gia đình sống ở thành phố, các gia đình dân tộc Hán chỉ được sinh 1 con (ở Tân Cương có quy định các gia đình dân tộc Hán ở nông thôn và gia đình dân tộc thiểu số ở Thành phố được sinh 2 con), các gia đình dân tộc thiểu số ở nông thôn Thanh Hải được sinh 2 con, ở vùng thôn Tân Cương được sinh 3 con còn ở Thanh Hải thì những người dân tộc thiểu số mới được sinh 3 con. Ở cả 2 địa phương đều có quy định về những trường hợp được sinh thêm: Cả 2 vợ chồng đều là con một, cả 2 vợ chồng đều là Hoa kiều về nước định cư, những người tàn tật từ cấp 2 trở lên, những cặp vợ chồng lúc đầu không có con đã nhận con nuôi nhưng sau đó lại có con, những cặp vợ chồng sinh con nhưng con bị tàn tật và một số trường hợp khác như ở Tân Cương có qui định đối với những thợ mỏ đã có thời gian làm việc trên 5 năm cũng được sinh thêm con. Từ khung quy định như vậy, Trung Quốc làm rất nghiêm việc khen thưởng và xử phạt đối với những gia đình đẻ ít con hơn tiêu chuẩn thì cả Tân Cương và Thanh Hải đều quy định thưởng từ 3000 đến 8000 tệ, được Bằng khen của chính quyền, sau này con thi vào các bậc học từ trung học cơ sở đến đại học đều được cộng điểm, khi hai vợ chồng đủ 60 tuổi được trợ cấp mỗi tháng 100 tệ, những trường hợp cần thiết (không có nơi nương tựa...) được sống ở Nhà dưỡng lão do Nhà nước đảm bảo. Nếu vi phạm thì phạt rất nghiêm: Nếu là CBCCVC thì tùy nơi bị phạt từ cắt thi đua, lên lương cho đến buộc thôi việc, đồng thời cũng bị phạt tiền như các hộ gia đình khác, mức phạt từ 1 đến 8 lần thu nhập bình quân của người dân địa phương đó (ở Thanh Hải là 8640 nhân dân tệ, Tân Cương là 11.200 nhân dân tệ/người). Chính nhờ có quyết tâm mạnh mẽ và thống nhất, có hệ thống chính sách pháp luật tương đối hoàn thiện, có ý thức chấp hành cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên công tác DS - KHHGĐ của Trung Quốc đạt kết quả rất tốt. Đã 3 năm liên tiếp tốc độ tăng dân số của Trung Quốc dưới 1%, đang tiến dần tới mức phấn đấu là 0,75%, quy mô dân số 1,3 tỷ người chậm lại 4 năm và điều đó sự đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, ngoạn mục của đất nước Trung Quốc rộng lớn, bao la mấy chục năm qua.
Lĩnh vực thứ 2 mà Đoàn chúng tôi tìm hiểu là Y tế và BHYT. Có thể nói Đảng và Nhà nước Trung Quốc rất quan tâm đến sự nghiệp y tế, nhất là sau Đại hội 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội hài hòa XHCN mang đặc sắc Trung Quốc, coi đây là nét ưu việt của chế độ. Toàn Trung Quốc hiện có khoảng 39 ngàn bệnh viện (trong đó có hơn 13 nghìn bệnh viện tư nhân) với 3.510.000 gường bệnh, 4.621.000 bác sỹ và nhân viên y tế, có khoảng 609.000 trạm y tế thôn bản với hơn 900.000 y tá hộ lý. Chính sách y tế của Trung Quốc có hai phần rõ rệt là chăm sóc y tế cho người dân và hệ thống tổ chức y tế. Hệ thống pháp luật về y tế đang được hoàn thiện, Quốc hội đã ban hành 10 bộ luật ở lĩnh vực này như Luật về Thầy thuốc, Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Vệ sinh an toàn thức ăn, Hiến máu, Kiểm dịch, Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em... Về hệ thống, ở cả 5 cấp: Trung ương, tỉnh, thành phố (địa khu, quận, châu), huyện, xã đều có tổ chức bộ máy tương ứng về y tế. Đến năm 2006 có 4,3 bác sỹ và 2,8 giường bệnh/1.000 dân. Riêng ở nông thôn, mỗi thôn có một bác sỹ, một trạm xá (hiện có 88% số thôn đã có trạm). Năm 2006 Trung Quốc đào tạo 250.000 bác sỹ và 350.000 y tá hộ lý. Riêng tỉnh Thanh Hải, một tỉnh nghèo của Trung Quốc diện tích 721.000km2, dân số 5,43 triệu người có 4.843 đơn vị y tế trong đó có 130 bệnh viện đa khoa, 24 bệnh viện phụ sản với 8.531 bác sỹ, 20.000 nhân viên y tế và kỹ thuật. Chúng tôi đến thăm các bệnh viện lớn ở Thanh Hải và Tân Cương (bệnh viện Nhân dân Thanh Hải có 1.500 gường và bệnh viện Nhân dân Tân Cương có 3000 gường) đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhiều thiết bị là thế hệ mới nhất ở các nước Mỹ, Anh.
Hệ thống BHYT của Trung Quốc cũng có đặc điểm riêng. Trung Quốc bắt đầu thực hiện BHYT từ 1998 đến nay, tuy vẫn chưa có Luật nhưng cũng đã khá hoàn thiện với 3 loại BHYT chính: BHYT cho CBCCVC với trên 10 triệu người tham gia, BHYT cho nông dân với khoảng 726 triệu người tham gia, BHYT cho người dân ở thành phố với khoảng 200 triệu người tham gia, tổng cộng đạt trên 900 triệu người tham gia. Trung Quốc đang phấn đấu đến 2010 có 100% người dân tham gia BHYT. Mức đóng bảo hiểm do từng địa phương quy định nhưng đối với nông dân thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 40%, ngân sách địa phương 40% và người nông dân chỉ phải bỏ ra 10% để mua bảo hiểm. Đối với người nghèo không có tiền mua bảo hiểm (hiện Trung Quốc còn khoảng 23 triệu người ngheo) thì có cơ chế giảm hoặc miễn phí, đồng thời có hệ thống các bệnh viện khám chữa bệnh cho người nghèo được nhân dân rất hoan nghênh. Năm 2006 tổng chi phí KCB toàn xã hội là 865,9 tỷ nhân dân tệ thì bệnh nhân chi là 452 tỷ ( 52,6%), giảm rất nhiều gánh nặng chi phí cho người dân. Tuy nhiên BHYT Trung Quốc cũng quy định chi phí KCB theo mức bảo hiểm, nếu vượt thì bệnh nhân tự thanh toán vì vậy kinh phí BHYT vẫn cân đối được.
Ngoài công việc, ở Trung Quốc chúng tôi còn được đi thăm một số cảnh đẹp và di tích lịch sử văn hóa như Cố Cung, Di Hòa Viên ở Bắc Kinh, Chùa Tháp nhĩ ở huyện Hoàng Trung (Thanh Hải), đi qua những đồng cỏ đã phủ đầy tuyết trắng của Tân Cương để đến dãy Thiên Sơn thăm hồ Thiên Trì, một hồ nước ở độ cao 2000m so với mực nước biển. Bề dầy và chiều sâu lịch sử văn hóa cùng cảnh đẹp thiên nhiên thật vô cùng quyết rũ. Con người mà chúng tôi gặp cũng rất hữu nghị, nhiệt tình, mến khách, chúng tôi đã được cùng ngồi trong lều ấm, ăn sườn cừu, uống rượu nóng và trà sữa, xem những cô gái Tân Cương xinh đẹp biểu diễn các điệu nhảy, điệu múa dân tộc hừng hực lửa, nghe các bài hát thảo nguyên phóng khoáng và trữ tình, cùng nhau hát bài Việt Nam - Trung Hoa. Nhưng cũng những ngày ở Trung Quốc, chúng tôi được biết chính quyền địa phương ở tỉnh Hải Nam đã quyết định thành lập một đơn vị hành chính mới ở Quần đảo Hoàng Sa, mảnh đất thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi về đến Thái Nguyên xem truyền hình Việt Nam, tôi được biết kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa họp đã có Nghị quyết riêng phản đối quyết định trên.