Sáng 17/12, tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tiến tới giảm thời gian họp, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả.
Hưởng ứng chủ trương này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàm đề nghị nên cải tiến thảo luận tại hội trường theo hướng tăng tranh luận phản biện, khắc phục tình trạng mỗi đoàn cử đại diện đọc văn bản nhắc lại những vấn đề đã được thảo luận ở tổ hoặc được nêu trong báo cáo.
"Quốc hội nên hạn chế thời gian đọc báo cáo, tờ trình tại hội trường; nghiên cứu rút ngắn thời gian phát biểu của mỗi đại biểu từ 10 phút xuống còn 5 đến 7 phút để tăng số lượng người phát biểu và tiết kiệm thời gian", ông Đàm nói. Ông cũng đề nghị sắm cho mỗi đại biểu một máy tính xách tay để thuận tiện cho công việc.
Hậu kỳ họp cần được quan tâm
Đánh giá kỳ họp thứ hai vừa qua với 2/3 là đại biểu mới, nhưng phát biểu rất hay, vừa có thực tiễn, vừa có lý luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền kiến nghị các bộ ngành cần xem xét, tiếp thu những ý kiến đó.
"Chất lượng kỳ họp là các ý kiến đóng góp của đại biểu phải được Chính phủ tiếp thu, được thể hiện bằng hành động cụ thể. Nếu không sẽ lại xảy ra tình trạng cùng một vấn đề, nhưng được nhắc đi nhắc lại tại nhiều kỳ họp, rất mất thời gian, lại không hiệu quả", ông nói.
Chia sẻ với ông Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đào Văn Son phản ánh đại biểu rất băn khoăn là nhiều vấn đề được đưa ra trong các phiên thảo luận sẽ đi về đâu, ai chịu trách nhiệm giải quyết và thời hạn ra sao.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàm cho rằng cần đẩy mạnh công tác hậu giám sát của Quốc hội. Cụ thể là nên tăng cường chất vấn giữa hai kỳ họp, giám sát và có chế tài đối với việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng.
Ở ghế chủ tọa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thông tin: "Một số vấn đề chốt lại sau phiên chất vấn đã được đưa vào nghị quyết Quốc hội và đang được Chính phủ triển khai. Ví dụ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã đến thị sát một số công trình do đại biểu phản ánh".
Quốc hội cần chặt chẽ về ngân sách
Dẫn ra Quốc hội Mỹ có "uy" do nắm ngân sách nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Đăng Vang cho rằng Quốc hội cần đưa Luật ngân sách nhà nước vào danh sách luật sửa đổi ngay trong kỳ họp đầu tiên của năm 2008.
"Muốn phân bổ ngân sách một cách hợp lý, Quốc hội cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tốt nhất là nên thảo luận trước một kỳ họp. Ví dụ, kỳ họp đầu năm thì xem xét kế hoạch phân bổ ngân sách cho cả năm sau, chứ không nên để như hiện nay cuối năm thông qua luôn việc phân bổ ngân sách cho cả năm sau, quá cập rập", ông Vang nói.
Đồng tình với ý kiến này, một đại biểu đề nghị Quốc hội cần làm những vấn đề về ngân sách một cách thực chất hơn, chứ không nên hình thức như hiện nay.
Kỳ họp thứ ba dự kiến bắt đầu từ đầu ngày 6/5/2008 và kéo dài khoảng 32 ngày. Quốc hội sẽ thông qua 13 dự luật, trong đó có Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống ma túy; Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam...
Quốc hội dự kiến cho ý kiến 10 luật, trong đó có Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Luật các tổ chức tín dụng; Luật công vụ; Luật thi hành án dân sự; Luật bảo hiểm y tế; Luật giao thông đường bộ...