Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thành lập QÐND Việt Nam, 18 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của Ðại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ trưởng Quốc phòng.
Những thành tựu đó đã tăng cường sức mạnh, tiềm lực mọi mặt của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ XHCN, tạo tiền đề để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới- thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH, mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ hai năm (2008 - 2009) là hai sự kiện lớn của đất nước. Ðiều đó càng chứng tỏ vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế; khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo của Ðảng và sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân.
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN, quán triệt quan điểm của Ðảng về nhiệm vụ và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, được thể hiện trong các Nghị quyết của các kỳ Ðại hội Ðảng, nhất là Ðại hội IX, X, Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cũng đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Nổi bật và bao trùm là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững mạnh toàn diện; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân và công an nhân dân được nâng cao, thật sự là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành với Tổ quốc, với Ðảng và nhân dân.
Công tác giáo dục QP-AN được chú trọng, đạt hiệu quả thiết thực. Ðặc biệt, từ năm 2001 đến nay, quán triệt Chỉ thị 62-CT/TƯ ngày 12-2-2001 của Bộ Chính trị và Nghị định 15/2001/NÐ-CP ngày 1-5-2001 của Chính phủ, công tác giáo dục QP-AN đã được triển khai sâu rộng tới mọi đối tượng, thực hiện thống nhất, đồng bộ ở mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương đến cơ sở. Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ các cấp của Ðảng, Nhà nước được tổ chức chặt chẽ theo phân cấp, bảo đảm đúng chương trình nội dung, đối tượng được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.
Chỉ tính năm 2006, Học viện Quốc phòng và các quân khu, địa phương đã tổ chức được 3.228 khóa, lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho 43.887 cán bộ thuộc các đối tượng. Trong 9 tháng đầu năm 2007, tổ chức 2.553 khóa, lớp cho 237.534 cán bộ các cấp; trong đó, đối tượng 1: 3 lớp với 76 người, đối tượng 2: 29 lớp với 1.907 người, đối tượng 3: 190 lớp với 13.218 người, đối tượng 4: 595 lớp với 50.336 người, đối tượng 5: 1.736 lớp với 171.987 người.
Một số địa phương đã chủ động bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chức sắc, chức việc tôn giáo, cán bộ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo cơ quan thông tấn, báo chí...
Giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên trong hệ thống các trường trung học phổ thông đến đại học và học viên các trường chính trị, hành chính, đoàn thể được duy trì nền nếp, đạt tỷ lệ cao, chất lượng từng bước được nâng lên. Giáo dục QP-AN cho toàn dân được triển khai rộng khắp, bằng nhiều hình thức đa dạng, tính phổ cập và "xã hội hóa" ngày càng cao.
Thông qua giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới đã có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy vậy, trong tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện ở từng địa phương và cả nước.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đang tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường.
Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, tranh chấp biên giới, lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp.
Ðối với nước ta, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", chống phá ta toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, bằng những thủ đoạn, hình thức mới hết sức nguy hiểm, thâm độc. Việc nước ta trở thành thành viên của WTO, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đang tạo ra những cơ hội lớn để đất nước phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn; đồng thời, cũng đặt ra những thách thức gay gắt không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả trong lĩnh vực chính trị, xã hội và QP-AN...
Trong bối cảnh đó, tăng cường công tác giáo dục QP-AN nói riêng, tăng cường sức mạnh QP-AN của đất nước nói chung có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong mọi tình huống.
Cũng vì thế, Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng đã khẳng định: "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP, AN cho cán bộ, công chức và toàn dân"(1). Cụ thể hóa quan điểm trên, ngày 3-5-2007, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 12-CT/TƯ Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giáo dục QP, AN trong tình hình mới; tiếp đó, ngày 10-7-2007, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2007/NÐ-CP về Giáo dục QP-AN. Ðây là những văn bản quan trọng của Ðảng và Nhà nước về giáo dục QP-AN trong thời kỳ mới; tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị- xã hội từ Trung ương đến địa phương tăng cường hơn nữa công tác này, tạo bước phát triển và đạt hiệu quả thiết thực. Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản trên, cần chú trọng tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện, trong đó tập trung vào một số vấn đề (giải pháp ) cơ bản sau.
Trước hết, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Chỉ thị 12-CT/TƯ ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị, Nghị định 116/2007/NÐ-CP ngày 10-7-2007 của Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn của các ban, ngành, đoàn thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và toàn dân đối với công tác giáo dục QP-AN.
Những văn bản trên hết sức quan trọng, mang tính định hướng chỉ đạo, thể hiện chủ trương, quan điểm của Ðảng và Nhà nước về công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Vì thế, trong triển khai công tác này, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia tích cực của mọi đối tượng trong xã hội, thì điều quan trọng trước tiên là phải thực hiện tốt việc tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 12-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị định 116/2007/NÐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan của các ban, ngành, đoàn thể, như: Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 12-CT/TƯ ngày 3-5-2007 của Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định 116/2007/NÐ-CP ngày 10-7-2007 của liên bộ Quốc phòng - Công an - Giáo dục và Ðào tạo - Nội vụ... Trên cơ sở đó, để cán bộ, công chức và toàn dân nắm vững nội dung các văn bản trên, thấy rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải tăng cường công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia theo cương vị, chức trách.
Việc tuyên truyền, quán triệt cần được tiến hành thường xuyên và phải xuất phát từ đối tượng để có hình thức tổ chức phù hợp. Ðối với đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tổ chức các lớp nghiên cứu, quán triệt tập trung kết hợp với các đợt sinh hoạt chính trị của các tổ chức, đoàn thể. Ðối với công chức, thế hệ trẻ học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân, cần kết hợp nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới mọi đối tượng. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt sẽ thiết thực nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức và toàn dân đối với công tác giáo dục QP-AN, tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Hai là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp và sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện công tác giáo dục QP-AN.
Ðây là một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 62-CT/TƯ ngày 12-2-2001 của Bộ Chính trị và Nghị định 15/2001/NÐ-CP ngày 1-5-2001 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng; đồng thời cũng là nội dung cơ bản, cốt lõi của Chỉ thị 12-CT/TƯ. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ giáo dục QP, AN; công tác giáo dục QP, AN phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền và vai trò tham mưu của các ban, ngành, nòng cốt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh".
Các cấp ủy và chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN sát hợp với tình hình, đạt hiệu quả thiết thực. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền không thể chỉ dừng lại ở chủ trương, quan điểm, nhận thức mà phải được thể hiện cụ thể bằng chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch công tác. Kiên quyết khắc phục những biểu hiện thiếu quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, "khoán trắng" nhiệm vụ giáo dục QP-AN cho cơ quan quân sự, công an. Hằng năm và từng thời kỳ, các cấp ủy cần tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục QP-AN ; kịp thời có chủ trương, biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để đưa công tác này ngày càng phát triển về chiều sâu, vững chắc.
Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp và các ban, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan quân sự, công an cần phát huy vai trò, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền về chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác giáo dục QP-AN trong cơ quan, đơn vị của mình.
Ba là, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, giáo trình, tài liệu và phương thức giáo dục QP-AN phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ðây là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục QP-AN. Những năm gần đây, với sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, công tác giáo dục QP-AN có bước phát triển rõ rệt, triển khai rộng khắp tới mọi đối tượng. Ðặc biệt, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ các cấp của Ðảng và Nhà nước đạt hiệu quả cao. Riêng với cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý được Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Quốc phòng phối hợp chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng tại Học viện Quốc phòng ngay từ năm 1998 và đến nay đã tổ chức được 23 khóa cho gần 2.000 cán bộ (đối tượng 1). Chương trình, nội dung, hệ thống giáo trình tài liệu được xây dựng, bổ sung ngày càng hoàn thiện, phù hợp với từng đối tượng; hình thức, phương pháp giáo dục từng bước được đổi mới.
Trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và trong điều kiện các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác giáo dục QP-AN cần phải tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa cả về chương trình, nội dung, giáo trình, phương thức... sao cho phù hợp với từng đối tượng và cập nhật tình hình mới. Về phương thức, cần kết hợp tốt giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục tập trung, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện kết hợp nhiều hình thức phong phú, sinh động. Về nội dung, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, yêu chế độ, lòng tự hào dân tộc, giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, giáo dục quan điểm, đường lối của Ðảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, về kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược... Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và toàn dân đối với nhiệm vụ QP-AN, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch ngay từ địa phương, cơ sở.
Ðối tượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cần được tiếp tục mở rộng hơn. Trong đó, tập trung bồi dưỡng cho cán bộ các cấp, các ngành, nhất là cán bộ chủ chốt. Ban Tổ chức cấp ủy đảng các cấp cần phát huy vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an cùng cấp tiến hành rà soát, lập kế hoạch bồi dưỡng cán bộ cho từng năm, bảo đảm trong nhiệm kỳ công tác, cán bộ được bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Phấn đấu đến năm 2010, cơ bản hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng cán bộ; đồng thời, sớm ban hành Quy định tiêu chí kiến thức QP-AN, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Bốn là, chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp.
Trong thời gian qua, nhìn chung Hội đồng giáo dục quốc phòng (sắp tới sẽ là Hội đồng giáo dục QP-AN) các cấp (Trung ương, quân khu, tỉnh, huyện) đã duy trì hoạt động nền nếp, đúng quy chế, có sự đổi mới về phương pháp, đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục QP-AN thì vẫn còn nhiều mặt chưa đáp ứng.
Ðể nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện, thời gian tới cần tập trung kiện toàn tổ chức, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, thống nhất, đổi mới phương pháp hoạt động, xây dựng quy chế, chương trình, kế hoạch công tác sát, đúng với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tăng cường giáo dục QP-AN trong tình hình mới. Các ủy viên và Ban thường trực Hội đồng cần phát huy cao vai trò, trách nhiệm, bám sát thực tiễn, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, góp phần vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng. Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp cần đổi mới, nâng cao chất lượng các phiên họp (thường kỳ và đột xuất); tăng cường và tiến hành có nền nếp các cuộc kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, qua đó đánh giá đúng thực chất kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra mặt hạn chế, yếu kém, xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục kịp thời. Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp cần tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.
..................................................
1- ÐCSVN - Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr 109.