Ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác này trong năm 2008.
Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tập trung đánh giá những việc làm được và chưa được về công tác phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tập hợp ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo, xây dựng thể chế và bổ sung cơ chế chính sách phù hợp để ngăn chặn, phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2007, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các ngành và địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X ) và Luật Phòng chống Tham nhũng, nhất là việc các cơ quan tố tụng đã nhanh chóng điều tra, xử lý đúng người đúng tội, tạo được nhận thức tích cực và lòng tin của nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác này.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh hạn chế hiện nay trong công tác phòng chống tham nhũng là một số cấp uỷ đảng và người đứng đầu đơn vị vẫn chưa nhận thức đúng đắn về tình hình nghiêm trọng của nạn tham nhũng lãng phí. Đặc biệt là việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu, chưa có cơ quan, đơn vị nào tự phát hiện tham nhũng để xử lý.
Thủ tướng nhắc nhở một số ngành, địa phương vẫn thiếu kiên quyết trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là các vụ án có liên quan đến cán bộ chủ chốt.
Thủ tướng nêu 6 nhóm giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2008, trong đó công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, các bộ, ngành cùng với Chính phủ hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực như quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý dự án, thu chi ngân sách, quản lý tài sản...theo hướng công khai minh bạch.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong năm 2007, cả nước đã phát hiện 584 vụ, 1.299 đối tượng có hành vi tham nhũng, gây thiệt hại 865.358 triệu đồng, trong đó đã khởi tố mới 435 vụ, 978 bị can và đưa ra xét xử 360 vụ, 843 bị can.
Báo cáo cũng đã chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong công tác này là các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, diễn ra trên phạm vi rộng, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực vì vậy việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc đấu tranh trong nội bộ của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa mạnh và chưa thường xuyên với các hành vi tham nhũng, chưa đủ sức để tự phát hiện.
Năm 2008 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đề ra nhiều giải pháp tăng cường công tác này như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra.