Ngày này cách đây 35 năm trước, một sự kiện tầm cỡ toàn cầu đã diễn ra: Lễ ký kết Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Kéo dài suốt 4 năm, 8 tháng, 16 ngày, với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1000 cuộc phỏng vấn, Hội nghị Pa-ri đã đi vào lịch sử như cuộc đàm phán dài nhất trong thế kỷ 20. Có thể nói đây là cuộc thử sức dai dẳng, là cuộc đấu trí đầy căng thẳng trên bàn đàm phán giữa hai nền ngoại giao: ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ với những nhà ngoại giao sắc sảo, chuyên nghiệp, mưu mẹo và ngoại giao nhân văn non trẻ của Việt Nam.
Chúng ta đã thắng bởi cội nguồn đưa đến thành công trên bàn đàm phán Hội nghị Pa-ri là sự chính nghĩa, là tinh thần quyết chiến quyết thắng, là ý chí quật cường quyết giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Một lần nữa thế giới lại được chứng kiến sự tài tình, sáng suốt của Đảng ta trong nhận định, đánh giá đúng bối cảnh quốc tế cũng như hoàn cảnh cụ thể và sức mạnh nội tại của đất nước để xử lý những vấn đề cực kỳ nhạy cảm, có tính quyết định đến vận mệnh đất nước.
Thành công của cuộc đàm phán còn là kết quả của việc chúng ta đã biết khơi dậy phong trào của nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam, đã tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của các nước Xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân Pháp và phong trào cánh tả, phong trào không liên kết, nhân dân các nước tư bản, nhân dân Mỹ và phong trào phản chiến của binh lính Mỹ. Bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân đã được chúng ta vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả.
Vượt qua thử thách trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri, nền ngoại giao non trẻ Việt Nam lại kế tiếp truyền thống đối ngoại khôn khéo của cha ông, vận dụng sáng tạo tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Với tư cách là một mặt trận, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị, góp phần giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Kinh nghiệm từ Hội nghị Pa-ri đã bổ sung thêm vào nghệ thuật ngoại giao Việt Nam những phương châm “vừa đánh, vừa đàm”, “tuy hai mà một”…
Với việc Hiệp định Pa-ri được ký kết, quân và dân ta đã hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, tạo ra một tương quan lực lượng hoàn toàn mới trên chiến trường có lợi cho cách mạng miền Nam, mở thời cơ để chúng ta tiếp tục tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành ước mơ của Bác. Có thể nói Hiệp định Pa-ri là “đêm trước” của cuộc Tổng tiến công Đại thắng Mùa xuân năm 1975.
35 năm đã trôi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất, ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; quan hệ Việt - Mỹ đã được bình thường hóa và ngày càng mở ra nhiều tiềm năng hợp tác vì lợi ích của hai dân tộc. Sẽ không thể có thực tế sinh động đó nếu không có Hội nghị Pa-ri. Không những thế, thành công trên bàn đàm phán còn cho chúng ta thấy những bài học vô giá về giữ vững độc lập, tự chủ trong xử lý các vấn đề đối ngoại, bài học về tạo thời cơ và tận dụng thời cơ, bài học về giành thế chủ động để đạt mục tiêu, phát huy cao độ nội lực đồng thời tranh thủ ngoại lực... Và bao trùm lên tất cả là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh vững vàng của Đảng ta, vận dụng đúng đắn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong các vấn đề có liên quan. Hiệp định Pa-ri mãi mãi đi vào lịch sử như mốc son nổi bật trên con đường thắng lợi của thời đại Hồ Chí Minh.