Đại sứ Lê Lương Minh: Việt Nam sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình tại HÐBA LHQ

11:21, 01/01/2008

Từ ngày 1-1-2008, Việt Nam bắt đầu chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008 – 2009. Ðại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Ðại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ kiêm Ðại diện Việt Nam tại HÐBA LHQ khẳng định Việt Nam sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình tại HÐBA LHQ.

Từ ngày 1-1-2008, cùng với bốn nước khác đại diện cho các châu lục và khu vực, Việt Nam bắt đầu chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an (HÐBA) LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009. Phóng viên TTXVN tại LHQ đã phỏng vấn Ðại sứ Lê Lương Minh, Trưởng Phái đoàn Ðại diện Thường trực nước ta tại LHQ kiêm Ðại diện Việt Nam tại HÐBA LHQ. Chúng tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.

Hỏi: Thưa Ðại sứ, ngày 1-1-2008, Việt Nam chính thức đảm nhiệm công việc tại HÐBA LHQ với tư cách Ủy viên không thường trực cùng với bốn nước khác. Có nghi lễ nào cho việc tiếp nhận những thành viên mới này không?

Trả lời: Công việc của HÐBA LHQ mang tính thực chất cao. HÐBA có rất ít các hoạt động mang tính nghi thức. Chúng ta chính thức trở thành Ủy viên từ ngày 1-1-2008 và ngay từ ngày 2-1, chúng ta sẽ tham gia hoạt động đầu tiên là cuộc họp của các phối hợp viên chính trị bàn về chương trình làm việc của Hội đồng trong tháng 1-2008. Chương trình do Chủ tịch Hội đồng trong tháng này là Li-bi soạn thảo, đã có nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên khác. Các phối hợp viên chính trị sẽ họp bàn để thống nhất lần cuối chương trình làm việc để các Ðại sứ thông qua. Sẽ không có hoạt động mang tính nghi thức nào.

Hỏi: Thưa Ðại sứ, với tư cách Ủy viên không thường trực, Việt Nam sẽ có những quyền gì trong các quyết định của HÐBA LHQ?

Trả lời: Với tư cách là thành viên HÐBA LHQ, chúng ta sẽ tham gia quá trình thương lượng và thông qua các nghị quyết, quyết định mang tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên LHQ. Tất nhiên, chúng ta chỉ là một trong 15 thành viên, trong khi một nghị quyết hay quyết định về những vấn đề thực chất được thông qua phải có ít nhất chín phiếu tán thành và không có phiếu phủ quyết. Ðối với những quyết định mang tính thủ tục, thí dụ, quyết định về việc có đưa hay không đưa một đề mục nào đó vào chương trình làm việc của HÐBA, thì không được có phiếu phủ quyết.

Hỏi: Thưa Ðại sứ, theo chương trình nghị sự, Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch HÐBA LHQ trong tháng 7-2008. Chúng ta đã chuẩn bị gì để đảm đương trọng trách này?

Trả lời: Chủ tịch HÐBA LHQ vào thời điểm này có nhiệm vụ quan trọng và nặng nề là chuẩn bị báo cáo về công việc của Hội đồng trong năm để trình lên Ðại hội đồng. Về mặt kỹ thuật, nước giữ vai trò Chủ tịch có sự hỗ trợ của Ban Thư ký, nhưng nội dung chính của bản báo cáo phải do nước giữ vai trò Chủ tịch soạn thảo.

Trong năm nay, dự kiến có nhiều vấn đề sẽ nổi lên trong công việc của HÐBA, chẳng hạn từ nay đến giữa năm dự báo có vấn đề Kosovo, vấn đề triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp của Liên minh châu Phi và LHQ ở Darfur (Sudan). Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến về vấn đề hạt nhân của Iran và một số vấn đề khác.

Nếu từ nay đến giữa năm, những vấn đề này chưa được giải quyết về cơ bản thì chúng sẽ được tiếp tục thương thảo trong tháng Việt Nam giữ chức Chủ tịch, và chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để đóng vai trò điều hành công việc của HÐBA trong các vấn đề này...

Hỏi: Mỗi năm HÐBA có tới hàng trăm cuộc họp và tham vấn, Ðại sứ có thể giới thiệu một số nét về công việc của cơ quan này?

Trả lời: Công việc của HÐBA là rất đa dạng và có nhiều cấp bậc khác nhau; Có những cuộc họp của các ủy ban đặc trách việc thực thi những nghị quyết liên quan từng vấn đề, từng tranh chấp, từng xung đột cụ thể; Có những cuộc tham vấn để trao đổi ý kiến một cách không chính thức về những vấn đề mà Hội đồng phải xử lý và ra quyết định; Có những cuộc họp kín chỉ các nước thành viên được tham dự và nội dung được giữ kín.

Có những cuộc họp chính thức, công khai, nhưng cũng chỉ các nước thành viên mới được tham dự, những nước không phải thành viên muốn vào dự thì phải được sự chấp thuận của Hội đồng. Riêng về các cuộc họp chính thức, trong năm 2007, Hội đồng cũng đã tiến hành hơn 200 cuộc. Như vậy, khối lượng công việc của Hội đồng là rất lớn, rất phức tạp. Chúng ta đã có một quá trình chuẩn bị, và đã sẵn sàng đóng góp phần của mình vào việc xử lý các công việc của Hội đồng...

Hỏi: Thưa Ðại sứ, với khối lượng công việc như vậy, Phái đoàn đã chuẩn bị như thế nào để đảm đương trọng trách của mình?

Trả lời: Ðây là quá trình chuẩn bị lâu dài như tôi đã có lần đề cập, đã tiến hành từ cách đây mười năm khi Việt Nam đăng ký tranh ghế không thường trực tại HÐBA. Trong hơn một năm qua, kể từ khi nhóm châu Á nhất trí đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất, chúng ta đã nhìn nhận cơ hội trúng cử là gần như chắc chắn, và đã bước vào quá trình chuẩn bị thực chất.

Về nhân sự, phái đoàn đã được tăng cường một số cán bộ phụ trách các vấn đề cụ thể. Có đồng chí phụ trách mảng công việc liên quan các xung đột ở châu Phi, có đồng chí phụ trách mảng công việc liên quan các xung đột ở châu Á, châu Âu, có đồng chí phụ trách các vấn đề pháp lý, trong đó có liên quan những vấn đề nhạy cảm như vấn đề về trừng phạt hay các vấn đề liên quan việc thuyết minh Hiến chương LHQ, vấn đề về các tòa án quốc tế. Có đồng chí phụ trách các vấn đề liên quan đến chính HÐBA, như vấn đề cải tổ HÐBA. Phái đoàn cũng đã được tăng cường về phương tiện vật chất.

Trong thời gian qua, chúng ta cũng đã hoàn thiện hệ thống hồ sơ, tư liệu phục vụ tra cứu. Và một điều rất quan trọng là kinh nghiệm hoạt động tại HÐBA - trong năm qua, chúng ta đã tiến hành tham khảo kinh nghiệm của tất cả các nước thành viên, kể cả những nước từng là thành viên trong thời gian gần đây. Trong thời gian gần một tháng rưỡi qua, chúng ta đã được tham gia với tư cách dự thính đầy đủ các hoạt động của HÐBA, đã tham gia tất cả các hoạt động của HÐBA để theo dõi, nắm bắt vấn đề và học hỏi kinh nghiệm trực tiếp từ công việc hằng ngày của HÐBA. Có thể nói chúng ta đã sẵn sàng để tham gia các công việc của HÐBA.

Hỏi: Là Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Ðại sứ có cảm nghĩ gì trước trọng trách tại HÐBA?

Trả lời: Ðược trực tiếp tham gia công việc của HÐBA, đối với bản thân tôi và các cán bộ trong phái đoàn, đó là vinh dự lớn. Ðây là thành quả của công cuộc đổi mới và hội nhập, là sự thừa nhận của quốc tế đối với chính sách đối ngoại vì hòa bình, có trách nhiệm và cởi mở của chúng ta. Mặt khác, đây là công việc rất nặng nề, trách nhiệm rất lớn, đòi hỏi cố gắng vượt bậc thì mới hoàn thành được.

Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan, với sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan lãnh đạo ở trong nước, chúng ta sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh mới và quan trọng này.