Huyện Định Hoá là trung tâm ATK thủ đô kháng chiến của cả nước trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Huyện Định Hoá và 17 xã trong huyện được Nhà nước phong tăng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Địa bàn huyện có trên 120 di tích lịch sử- văn hoá, trên mảnh đất này đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong kho tàng lịch sử cách mạng Việt Nam.
Do vậy công tác sưu tầm biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương được các cấp uỷ Đảng, chính quyền hết sức quan tâm.
Năm 1994, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã cử một cán bộ chuyên trách về lịch sử Đảng về Ban Tuyên giáo phụ trách tham mưu cho cấp uỷ huyện về công tác lịch sử, đồng thời quan tâm chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tham mưu sưu tầm biên soạn xong cuốn lịch sử ATK Định Hoá (giai đoạn 1945- 1954) và cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Định Hoá (giai đoạn 1930- 2000) xuất bản năm 2000. Do đó khi triển khai thực hiện Chỉ thị 15- CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 17-CT/TU ngày 31/12/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cấp xã, phường thị trấn, đã có rất nhiều thuận lợi trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở, đồng thời khi triển khai đến cơ sở, đảng bộ các cấp, các ngành đã nhận thức đúng đắn về sự cần thiết của công tác này do đó đã có sự quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Qua 5 năm thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cấp xã, thị trấn, lịch sử các ngành ở Định Hoá có bước tiến triển đáng kể. Tính đến tháng 12 năm 2007, đã có 5 đơn vị viết xong cuốn lịch sử đảng bộ cấp mình, đó là: Thị trấn Chợ Chu (2001), Trung Hội (2004), Thanh Định (2005), Lam Vĩ, Đảng bộ quân sự (2007). Các Đảng bộ xã Bảo Cường, Định Biên, Sơn Phú đang tiến hành sưu tầm, biên soạn dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I- 2008. Các xã còn lại đã có nghị quyết chỉ đạo, sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử Đảng bộ của cấp mình, đồng thời tiến hành sưu tầm được một số tư liệu từ năm 1930 đến năm 1965 như Đảng bộ xã Bình Thành, Điềm Mặc, Bộc Nhiêu, Phúc Chu, Tân Dương, Tân Thịnh.
Có được những kết quả trên, trước hết là nhờ sự quyết tâm, chỉ đạo của cấp uỷ đảng từ huyện đến cơ sở; Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành Chỉ thị số 07- CT/HU ngày 16/7/2006 về "Tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soan lịch sử Đảng bộ cơ sở trong toàn huyện", Ban Tuyên giáo Huyện uỷ tổ chức mở lớp tập huấn cho đội ngũ làm công tác lịch sử của các xã, thị trấn, ban hành các văn bản kế hoạch hướng dẫn cho cấp uỷ cơ sở về công tác lịch sử... Đó là sự nhận thức đúng đắn, coi công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng Đảng, từ đó cấp uỷ có nghị quyết lãnh đạo công tác này. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp uỷ có quan điểm và nhận thức đúng về công tác lịch sử thì nơi đó công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử đạt kết quả tốt.
Có thể khẳng định rằng, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng ở Định Hoá đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu viết lịch sử của Định Hoá còn gặp nhiều khó khăn như thiếu đội ngũ có chuyên môn sâu về lịch sử, một số cấp uỷ còn lúng túng trong qúa trình thực hiện sưu tầm tư liệu; sự quan tâm đầu tư trang thiết bị, kinh phí cần thiết để cho công tác lịch sử viết Đảng bộ xã chưa kịp thời; kinh phí cho cán bộ làm công tác lịch sử còn eo hẹp nên chưa khích lệ được cán bộ...
Định Hóa phấn đấu đến năm 2010, có 50% số đảng bộ cơ sở biên soạn xong và xuất bản được sách lịch sử, 50% đảng bộ cơ sở hoàn thành bản thảo tư liệu thành văn giai đoạn lịch sử từ năm 1930– 1965. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ, truyền thống địa phương trong các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ, nhằm phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Định Hoá.