Hiệu ứng mạnh của hội nhập

13:48, 10/01/2008

Ngày 11-1-2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vừa tròn 1 năm vào WTO, thời gian quá ngắn để đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của WTO đến đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Tuy nhiên, những diễn biến trong suốt năm 2007 cũng cho phép chúng ta cảm nhận được những hiệu ứng ban đầu của hội nhập...

Hiệu ứng của WTO đối với nền kinh tế Việt Nam có thể thấy rõ qua kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài đạt mức kỷ lục và sự quan tâm của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài dành cho Việt Nam cũng lớn hơn bao giờ hết. Năm 2007, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 19 tỷ USD, với sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư tầm cỡ, dự án có quy mô vốn lớn. Vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tài chính cũng tăng cao, đạt khoảng 7 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ USD (tăng hơn 20% so với năm 2006). Lần đầu, hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam xếp vào top 10 của thế giới. Tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%, cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2001 trở lại đây. Tất cả các thị trường đều sôi động: Thị trường bất động sản “tan băng” và phát triển trở lại; thị trường chứng khoán được xếp vào thị trường phát triển nhanh thứ 24 trên thế giới. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng đáng kể... Các chuyên gia kinh tế nhận định, người dân Việt Nam, nhất là nông dân, được hưởng lợi nhiều hơn do hàng hóa được tiếp cận bình đẳng ở thị trường “mở cửa” của các quốc gia thành viên. Số lượng và giá xuất khẩu đều tăng. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn chỉnh theo cam kết của nước ta với WTO (đã điều chỉnh, sửa đổi 30 luật và pháp lệnh).

Cùng với những mặt được, đã bộc lộ những hệ lụy không thể xem thường. Đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, tuy chưa ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, nhưng đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của toàn xã hội. Năm qua, lĩnh vực tài chính được đánh giá là năm “nở rộ”. Song, cũng chính sự “nở rộ” đó đang đẩy Việt Nam đến những thử thách mới. Trên bình diện quốc gia, việc dư “cung” tiền sẽ đẩy nền kinh tế tăng trưởng “nóng”, kéo theo là tình trạng lạm phát và phân hóa giàu nghèo. Tình trạng đầu cơ nhà đất, giá thuốc chữa bệnh, giá một số mặt hàng thiết yếu chưa kiểm soát được... Nhập siêu đạt mức cao. Nguyên nhân chính là phải nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu phục vụ các dự án đầu tư; giá nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới tăng cao... Rõ ràng trong đó có nguyên nhân là không dự báo sớm, chính xác biến động của thị trường... Thậm chí để xảy ra tình trạng một số nguyên liệu trong nước có thể sản xuất được, không cần nhập, nhưng vẫn nhập khẩu với số lượng lớn do chưa có chính sách phát triển, hoặc triển khai sản xuất chậm. Chẳng hạn như thức ăn gia súc, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu lượng ngô, đỗ tương, khô dừa trị giá 450 triệu USD. Trong khi đó vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc có thể trồng với sản lượng lớn.

Tuy nhiên, nhìn lại một năm sau khi gia nhập WTO, các chuyên gia kinh tế đều nhận định: Việt Nam được nhiều hơn mất. Những kết quả đạt được trong năm 2007 đã khẳng định chính những sức ép bên ngoài khi mất dần bảo hộ đã giúp cho các DN Việt Nam vươn lên bằng chính khả năng và trí tuệ của mình. Công cuộc hội nhập được gia tốc mạnh, bởi chính sách cổ phần hóa đã giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong nước tăng đáng kể. Hội nhập đã tạo cho Việt Nam cơ hội mới từ một nền kinh tế thuần nông, dần hướng tới và trở thành một trong những trung tâm kinh tế sôi động nhất khu vực, với nguồn vốn ODA vào Việt Nam tăng gấp 3 lần (khoảng 16 tỷ USD).

Để phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các văn bản dưới luật xây dựng các chính sách mới có lợi cho nền kinh tế trong nước, phù hợp với quy định của WTO; Tạo môi trường thuận lợi hơn nhằm thu hút các dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia và quản lý chặt vấn đề môi trường ngay từ khi cấp giấy phép đầu tư; Vận động đầu tư mạnh vào sản xuất hàng xuất khẩu, có chính sách khuyến khích sản xuất các mặt hàng có nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng cơ sở, khâu then chốt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi, lao động trong một số ngành cần nhiều công nhân kỹ thuật, còn rất thiếu, như công nghệ phần mềm, lọc hóa dầu, dệt may... Nhiều DN không “hấp thụ” hết vốn do thiếu chuyên gia cao cấp. Điều này thể hiện rõ trong lĩnh vực ngân hàng và các DN lớn vừa cổ phần hóa.

Năm 2008 được nhận định là năm có triển vọng tăng trưởng cao. Song, vẫn phải nhìn nhận một cách khách quan để không chủ quan với kết quả đã đạt được, đó là việc mở cửa thị trường theo nghĩa vụ thành viên WTO sẽ khiến thị trường Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ thị trường thế giới: đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức