Quần đảo Hoàng Sa nằm trong phạm vi rộng khoảng 15.000km2, giữa kinh tuyến 111 đến 113 độ Đông (khoảng 95 hải lý - 1 hải lý bằng 1,853km); từ 17,5 xuống 15,45 độ vĩ Bắc (khoảng 90 hải lý). Biển ở đây có độ sâu từ 100m đến 1.000m.
Từ xa xưa, kể cả người Việt và người phương Tây đều gọi một tên chung rất nhất quán, đó là bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng hoặc Hoàng Sa, đại Trường Sa hay Vạn lý Trường Sa. Một điều hết sức đặc biệt là có sự nhất quán hết sức rõ ràng giữa danh xưng tên Việt và tên phương Tây khi Giám mục Taberd ghi ở bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ với hàng chữ "Paracel seu Cát Vàng". Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong biển Đông mà nhiều thế kỷ qua các nhà khoa học khẳng định sự hình thành nền văn hóa hàng hải có những sắc thái hoàn toàn khác với văn hóa lục địa Trung Hoa.
Sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã rất rõ ràng từ mấy trăm năm qua. Các tư liệu chứng minh chủ quyền Việt Nam đã chứng minh liên tục qua các đời: Từ đầu thời chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ thứ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới Triều Nguyễn Gia Long. Việt Nam có khoảng 30 tư liệu các loại chứng minh chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng. Trong sách Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư viết năm 1686 hay trong Hồng Đức Bảng Đồ, trong Toản tập An Nam Lộ, Thiên hạ bản đồ và Phủ biên tạp lục viết năm 1776 của Lê Qúy Đôn đều đã nói rất rõ ràng. Trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư viết năm 1686 có bản đồ ghi rõ hằng năm họ Nguyễn đưa 18 chiến thuyền đến khai thác ở bãi Cát Vàng. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy đôn mô tả kỹ nhất về Hoàng Sa có đoạn đề cập đến việc chúa Nguyễn xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa bằng hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải. Trong Khâm Định Đại Nam Hội Điền Sự Lệ 1851 chép: "Bộ công tâu rằng: Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu, hằng năm cần phải đi thăm dò khắp chỗ thuộc đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng Giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm". Ngoài ra, các bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đều vẽ bãi Cát Vàng hay Vạn lý Trường Sa trong cương vực của đại Việt. Những tư liệu của Trung Quốc và Phương Tây minh chứng chủ quyền của Việt Nam tại Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng rất rõ ràng. Trong Hải Ngoại Kỷ Sự (Trung Quốc) viết năm 1696 đã nói đến Vạn lý Trường Sa và đã khẳng định chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các hải vật từ các tàu đắm trên Quần đảo. Các bản đồ của Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc Trung Quốc mà đều xác định đảo Hải Nam là cực Nam của biên giới phía Nam Trung Quốc. Còn người Phương Tây xác nhận về chủ quyền của Việt Nam trên Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như sau: Nhật ký trên tàu Am Phi Trite (1701) xác nhận bãi Cát Vàng là một Quần đảo thuộc về An Nam. Le Mémoire sur la Cochinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769-1825) viết vào cuối đời Gia Long đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo này... Ngoài ra còn nhiều tài liệu Phương Tây đều đồng nhất xác định hai Quần đảo nói trên thuộc lãnh thổ Việt Nam. Suốt thời chúa Nguyễn, Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một và thuộc quyền quản lý hành chính của Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi) lúc là phủ khi là trấn hay tỉnh tùy theo thời kỳ lịch sử.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng địa lý, lịch sử, pháp lý cụ thể, rõ ràng, chứng minh một bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của mình đối với hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Vạn lý Trường Sa). Bên cạnh việc khẳng định chủ quyền, Việt Nam cũng đã và đang kiên trì theo đuổi giải pháp hòa bình, hữu nghị để giải quyết tranh chấp.
Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước Việt Nam.