Cách đây vừa tròn 62 năm, vào ngày 06 tháng 01 năm 1946 toàn dân ta nô nức đi bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, mang tầm vóc lịch sử to lớn của Cách mạng nước ta.
Bởi vì, để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam mới hòa bình và hạnh phúc, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, xúc tiến bầu cử Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Vì vậy, ngày 03 tháng 9 năm 1945, tức là một ngày sau khi nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt, cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Ngày 08 tháng 9 năm 1945. Bác Hồ với tư cách là Chủ tịch Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 14-SL về Tổng tuyển cử theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín. Công việc chuẩn bị tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài thù trong. Tình hình kinh tế- xã hội hết sức khó khăn. Do hoàn cảnh đặt biệt như vậy, cuộc tổng tuyển cử này không chỉ là cuộc vận động chính trị thông thường, mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và dân tộc vô cùng gay go, phức tạp và quyết liệt. Chính trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự sáng suốt thiên tài, ý chí kiên định, bản lĩnh quyết đoán và tấm gương đạo đức sáng ngời về tinh thần đại đoàn kết và tấm lòng vì nước vì dân đã cùng với Đảng ta vững vàng chèo lái, lãnh đạo tổ chức Tổng tuyển cử thành công, sau đó đi vào cuộc kháng chiến vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam đến bên bờ thắng lợi.
Ngay trong quá trình chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến vấn đề Đoàn kết dân tộc thông qua tổng tuyển cử. Người nói " Tổng tuyển cử là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Do tổng tuyển cử mà bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân." Người chủ trương, trong thành phần của Quốc hội đầu tiên, có đại diện của các vùng miền, dân tộc, đảng phái, có sự tham gia của các thành phần thợ thuyền, nông dân, trí thức, công kỹ nghệ gia, buôn bán... Lúc đầu, cuộc tổng tuyển cử được dự kiến vào ngày 23 tháng 12 năm 1945 nhưng để thực hiện chủ chương thống nhất và hòa giải, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để tất cả các ứng cử viên có thời gian nộp đơn và vận động tranh cử góp phần tạo nên sự đoàn kết dân tộc, ngày18 tháng 12 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 06 tháng 01 năm 1946. Trong quá trình đấu tranh, Người luôn kiên định với ý chí sắt đá bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc, bảo vệ nền độc lập non trẻ của Tổ quốc, nhưng để thực sự đoàn kết hòa hợp dân tộc, Người cũng rất mềm dẻo trong thương lượng của các đảng phái trên cơ sở các đảng phái hợp tác với Chính phủ và ủng hộ Tổng tuyển cử. Ngày 24 tháng 12 năm 1945, đại biểu của Việt Minh, Việt quốc ( Việt Nam Quốc dân đảng) Việt cách( Việt Nam cách mạng đồng minh hội) đã gặp nhau và cùng ký bản" Biện pháp đoàn kết" trong đó có điều khoản ủng hộ Tổng tuyển cử và kháng chiến, nhất trí mở rộng Chính phủ lâm thời có đại diện của Việt quốc, Việt cách tham gia, thừa nhận 70 ghế cho họ trong Quốc hội mà không qua bầu cử (50 đại biểu của Việt quốc, 20 đại biểu của Việt cách). Đây là sách lược hết sức mềm dẻo và khôn khéo của Mặt trận Việt minh và của Bác Hồ để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời cô lập bọn phản động, hạn chế sự chống phá điên cuồng của chúng. Ngày 01 tháng 01 năm 1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần để thực hiện mục tiêu lớn làm cho cuộc toàn dân tổng tuyển cử được thành công tốt đẹp, Ngày 05 tháng 01 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Người viết "... Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình..." Lời kêu gọi này cũng hàm chứa một tinh thần đại đoàn kết dân tộc hết sức lớn lao, nền tảng cho sự thành công của Tổng tuyển cử.
Cùng với tinh thần đoàn kết, một nét đạo đức tỏa sáng nữa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên là tấm lòng vì nước, vì dân. Người nói rõ: "Tổng tuyển cử là một dịp để cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử" Tư tưởng của Người là "...Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân..." Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương vĩ đại cho tinh thần một lòng một dạ phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân. Được nuôi dưỡng và kế thừa truyền thống yêu nước, văn hiến của dân tộc, chứng kiến cảnh nô lệ lầm than của nước nhà, năm 1911, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời quê hương, đất nước ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Bôn ba hải ngoại 30 năm trời, qua nhiều nước trên thế giới, trải qua nhiều nghề lao động cực nhọc vất vả để hoạt động cách mạng, lại luôn bị sự truy lùng gắt gao của mật thám và cảnh sát các nước đế quốc, có lúc vào tù, có lúc bị tòa án của thực dân Pháp tuyên án tử hình vắng mặt nhưng Người vẫn kiên định vượt qua tất cả, với niềm tin vào con đường giải phóng dân tộc, vào tương lai tươi sáng của tổ quốc. Ngay trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, trong tác phẩn "Đường Kách mệnh" dùng để bồi dưỡng huấn luyện cán bộ, Người đã viết " Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài và gian khổ". Đối với cán bộ, khi đã dấn thân vào con đường Cách mạng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thì phải rèn luyện đạo đức cách mạng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân để "gặp khó khăn, gian khổ, thất bại không rụt rè, lùi bước; khi gặp thuận lợi thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn... lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa". Chính từ tấm gương của Bác Hồ và những cán bộ Cách mạng, trongTổng tuyển cử 1946, nhân dân ta đã đặt trọn niềm tin vào Lãnh tụ Hồ Chí Minh, vào Mặt trận Việt Minh, vào sự nghiệp do Đảng và Bác lãnh đạo để tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta thành công rực rỡ, đặt một mốc son trong lịch sử Cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Quốc hội nói riêng. Như trong Lễ kỷ niệm 50 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã khẳng định "Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời ... Đây chính là kết quả của sự gắn bó máu thịt và niềm tin sắt đá của các tâng lớp nhân dân trong cả nước đối với Đảng, Bác Hồ và chính quyền còn non trẻ của chúng ta, là mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam".