Điều quan trọng là phải chọn cách đi thực tiễn như thế nào cho thiết thực; đi để học dân, học thực tiễn, làm sao để chính sách, luật pháp đừng xa rời cuộc sống...” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ hết sức chân tình, giản dị mà sâu sắc, trong cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, nhân dịp Xuân mới, Xuân Mậu Tý 2008 đang về.
Chủ tịch Quốc hội (CTQH): Đây là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội. Việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, định hướng hoạt động khóa XII là vấn đề rất lớn, làm sao tổng kết, rút kinh nghiệm đầy đủ, không chỉ cho trước mắt mà còn cho lâu dài. Và công tác này đã được triển khai khá bài bản, công phu, thảo luận đi thảo luận lại, rồi đúc rút bài học kinh nghiệm.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân trong năm 2007. Làm sao để bảo đảm được dân chủ, thực chất. Do quá trình chuẩn bị chu đáo, cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, không phải bầu thêm, bầu lại. 493 đại biểu Quốc hội - dân chấp nhận số lượng như vậy thôi, đâu phải cứ bầu tròn, bầu đủ mới là thành công. Với hơn 2/3 trong tổng số đại biểu lần đầu tiên tham gia Quốc hội, dư luận băn khoăn, liệu có bị hụt hẫng không? Có bằng khóa cũ không? Có đổi mới được không? Đương nhiên là phải đổi mới, nhưng phải có bước đi, phải làm chắc chắn, không thể vội vàng, nhằm đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả công việc. Nhìn lại năm 2007, có thể thấy Quốc hội khóa XII đang tiếp tục trên đà đổi mới và có chất lượng thực tế. Kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự, bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Kết quả hết sức tốt đẹp, cho thấy sự đồng thuận cao trong không khí dân chủ. Và đến kỳ họp thứ hai vừa qua thì càng bộc lộ rõ, chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XII khá cao và đồng đều. Các đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số cũng phát biểu rất sôi nổi, tự tin. Chưa bao giờ lại có nhiều chất vấn gửi tới Kỳ họp như vừa rồi.
Các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây không khí cũng hết sức thẳng thắn, dân chủ. Ý kiến xuôi, ý kiến ngược, thậm chí gay gắt..., nhưng cuối cùng thống nhất cao trong các quyết định.
PV: Thưa Chủ tịch, điều gì có ý nghĩa nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của dân?
CTQH: Cái chính vẫn là phải biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân, của cử tri. Lắng nghe và chắt lọc, đồng thời cũng phải có chính kiến để tổ chức tốt công việc. Khi đi các địa phương, hay công tác nước ngoài, tối đều ý thức sâu xa về điều đó.
Đi Tây Nguyên, thăm đồng bào Gia Rai, Ê Đê...; đến với đồng bào dân tộc Khơ-me ở Sóc Trăng, Kiên Giang; lên Tây Bắc thăm đồng bào Mông, Dao, Thái...; về hai tỉnh duyên hải miền Trung Ninh Thuận và Bình Thuận gặp đồng bào Chăm... Đi nước ngoài gặp bà con Việt kiều, công nhân, lao động Việt Nam hoặc anh em ở Đại sứ quán. Anh em nói vui cuộc nào cũng như là tiếp xúc cử tri.
Tôi nghĩ, mình vẫn ở trong dân, từ dân mà ra, nên từ cụ già, em nhỏ, phụ nữ... tôi đều rất tôn trọng và lắng nghe thực sự. Vốn sống thực tiễn, ý kiến từ nhân dân, tình cảm của dân, đó là nguồn không bao giờ cạn, bồi đắp cho mình nhiều lắm. Tôi thấy mình đi chưa được nhiều và còn muốn đi nhiều nữa. Nhưng điều quan trọng là phải chọn cách đi như thế nào cho thiết thực; đi để học dân, học thực tiễn, làm sao để chính sách, luật pháp đừng xa rời cuộc sống. Hiện nay có những cái chưa phải đã sát với thực tiễn đâu, nên nó chưa vào cuộc sống. Cũng có những cái chưa hợp lòng dân lắm đâu. Nếu những người làm chính sách, luật pháp không nắm được tâm tư, nguyện vọng của dân, không hiểu biết thực tiễn thì dễ quyết định sai lắm.
Khi làm việc với các địa phương, không phải ngẫu nhiên tôi nhắc đi nhắc lại là phải quan tâm đến những vấn đề xã hội, những vấn đề dân sinh bức xúc, phải chăm lo cho đời sống của bà con, nhất là ở những vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số. Kinh tế tăng trưởng, nhưng phải bảo đảm công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Đây không đơn thuần là vấn đề xã hội; đó là lòng dân, là một chủ trương, đường lối lớn của Đảng và Nhà nước ta.
PV: Vậy mong muốn lớn nhất của Chủ tịch là gì?
CTQH: Quốc hội phải tiếp tục cải tiến, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động theo hướng ngày càng chất lượng và hiệu quả. Đặt trong mối quan hệ tổng thể của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy thì Quốc hội phải tiếp tục đổi mới và đổi mới phải có hiệu quả - hiệu quả chính trị, hiệu quả kinh tế, xã hội, phát huy được dân chủ một cách thực chất, Quốc hội hoạt động thực chất. Đấy là hướng chiến lược.
PV: Để đạt được điều đó thì hướng sắp tới phải làm như thế nào, thưa Chủ tịch?
CTQH: Phải tiếp tục xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ hơn, đáp ứng yêu cầu về số lượng, nhưng bảo đảm chất lượng, sát với thực tế cuộc sống. Quan trọng là các chủ trương, chính sách, pháp luật phải đi vào cuộc sống. Làm sao Quốc hội họp ngắn hơn, nhưng làm được nhiều luật hơn với chất lượng cao hơn và sớm đi vào cuộc sống.
Giám sát phải bảo đảm hiệu quả cao hơn, thực chất hơn. Trong giám sát có chất vấn và trả lời chất vấn. Không cần nhiều, nhưng phải chọn vấn đề đích đáng, chỉ đạo làm đến nơi đến chốn, có kết quả thực sự.
Còn quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như bầu cử, quyết định nhân sự, ngân sách, kế hoạch 5 năm..., muốn đỡ hình thức, thì phải cung cấp thông tin đầy đủ cho các đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng thảo luận và tầm suy nghĩ của đại biểu lên, phải tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức trên nhiều lĩnh vực của đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, kể cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội.
PV: Hàng năm, Quốc hội đều đã có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhưng tại sao vẫn không bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật chưa cao, thưa Chủ tịch?
CTQH: Thực tế cho thấy, việc xử lý mối quan hệ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Tòa án, Viện kiểm sát... có ý nghĩa rất quan trọng. Trong mối quan hệ đó, các cơ quan hoạt động độc lập, nhưng không xung đột và phải phối hợp với nhau vì mục đích chung. Vấn đề là làm sao phát huy được vai trò chủ động của Quốc hội, cả về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như công tác nhân sự. Từ thực tiễn, từ nắm bắt ý kiến của nhân dân soi vào dự án luật, nếu thấy đạt yêu cầu thì mới thông qua. Ở đây đòi hỏi phải chống sự nể nang. Sau khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải phối hợp với nhau rất cụ thể về qui trình, tiến độ, thời gian hoàn thành từng dự thảo luật. Nếu vi phạm thì phải chịu trách nhiệm, thạm chí là kỷ luật. Chứ cứ chờ nhau như bây giờ, đến thời hạn mà chưa chuẩn bị kịp lại xin lui, hoặc cứ đưa vào dẫn đến chất lượng không bảo đảm, như vậy là không được. Đã nói là phải làm. Đã có chương trình là phải quyết tâm thực hiện bằng được. Có như vậy mới bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tổ chức công việc là hết sức quan trọng, đồng thời phải có đội ngũ chuyên gia rất giỏi, phải phát huy cao độ vai trò cá nhân của từng đại biểu Quốc hội. Điều này đòi hỏi mỗi đại biểu Quốc hội phải hiểu biết sâu sắc lĩnh vực chuyên môn của mình, đồng thời phải có bản lĩnh, dũng khí, nhất là trong lĩnh vực giám sát. Tất cả bộ máy phải vận hành rất nhịp nhàng, từ các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng như các cơ quan tham mưu, giúp việc.
PV: Nhân dịp Xuân mới, Chủ tịch có điều gì nhắn gửi đến cử tri cả nước?
CTQH: Tôi chân thành cảm ơn cử tri và nhân dân cả nước đã lựa chọn, gửi gắm niềm tin vào 493 đại biểu Quốc hội khóa XII. Mong rằng bà con tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của mình trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Xin chúc cử tri và nhân dân một năm mới có sức khỏe dồi dào, quyết tâm mới, khí thế mới, cùng góp sức mang lại nhiều thành công mới cho đất nước nói chung và Quốc hội ta nói riêng.
PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch.