Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên: Một năm thắng lợi của vùng Thủ đô gió ngàn

15:46, 12/02/2008

Năm 2007 với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống các tầng lớp nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Với sự cố gắng phấn đấu của các cấp ủy đảng, chính quyền, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2007, xứng đáng là vùng căn cứ cách mạng, là “Thủ đô gió ngàn” năm xưa.

Kinh tế tiếp tục phát triển và đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm (GDP) năm 2007 (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 4.703,58 tỷ đồng, tăng 12,16% so với năm 2006. Trong đó, công nghiệp và xây dựng tăng 17,5%; dịch vụ tăng 12,2%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,54%. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng ở mức cao. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ước đạt 7.095 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100,64% kế hoạch. Các nhóm ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng, cơ khí chế tạo, may mặc tiếp tục chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp có giá trị sản xuất lớn đều chú trọng đầu tư chiều sâu mở rộng sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh và tổ chức tốt khâu tiêu thụ, nên sản phẩm sản xuất có tốc độ tăng trên 17% so với cùng kỳ như: xi măng, than sạch, thép cán… Đặc biệt, ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, sau khi một số nhà máy được đầu tư nâng cao năng lực sản xuất đã và đang từng bước lấy lại uy tín, thương hiệu trên thị trường; ngành công nghiệp may, với tốc độ tăng trưởng trên 47%, góp phần quan trọng vào giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ xã hội đạt mức tăng trưởng khá, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn; các mặt hàng chính sách phục vụ nhân dân miền núi, vùng cao đảm bảo chất lượng và cung ứng kịp thời. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 4.790 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2006.

Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị xuất khẩu năm 2007 đạt 59,5 triệu USD, tăng 12,17% so với năm trước. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao như: Sản phẩm may mặc đạt 23,2 triệu USD, tăng 60%; dụng cụ y tế đạt 7,3 triệu USD, tăng 40,9%... Giá trị nhập khẩu năm 2007 đạt 154,83 triệu USD, bằng 89,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phụ liệu hàng may mặc, phôi thép.

Do tác động không thuận lợi của thời tiết, giá vật tư, phân bón tăng cao, dịch bệnh gia súc xảy ra ở một số địa phương đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tổng sản phẩm của ngành nông, lâm nghiệp đạt 1.933 tỷ đồng, tăng 4,54%. Năm 2007, toàn tỉnh gieo cấy được trên 70.200 ha lúa; năng suất đạt 46,31 tạ/ha, sản lượng lúa đạt trên 325.200 tấn, tương đương năm 2006. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 400 nghìn tấn, bằng 100% kế hoạch và tăng 5,16% so với năm 2006. Các chương trình, đề án phát triển nông, lâm nghiệp được triển khai tích cực. Diện tích chè trồng mới và cải tạo được 765 ha, đạt 127,5% kế hoạch và tăng 32% so với năm 2006. Tính đến nay, diện tích chè hiện có của tỉnh trên 16.700 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh trên 15.100 ha, sản lượng đạt trên 140 nghìn tấn, tăng gần 8% so với năm 2006.

Công tác giáo dục đào tạo có bước chuyển biến tích cực. Kết thúc năm học 2006 - 2007, các chỉ tiêu phát triển giáo dục cơ bản được thực hiện đạt và vượt kế hoạch; Thái Nguyên là một trong 6 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về phát triển giáo dục và được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Tỉnh đã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở tiếp tục được duy trì và từng bước nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh đã có 163 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo góp phần quan trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương.

Các chương trình y tế quốc gia được triển khai đúng kế hoạch và đạt kết quả khá. Hệ thống khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Thường xuyên làm tốt công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch, do đó trong năm 2007 trên địa bàn không có dịch bệnh lớn xảy ra. Toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn về y tế. Công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, thanh tra về y tế trên địa bàn được tăng cường, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm.

Các chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, đạt kết quả khá. Năm 2007, toàn tỉnh đã xoá được 948 nhà dột nát cho hộ nghèo; cấp 216.772 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và 4.612 giấy chứng nhận cho hộ nghèo phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2007.

Đặc biệt, Thái Nguyên đã tổ chức thành công năm Du lịch quốc gia 2007 với chủ đề “Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”, được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực triển khai thực hiện và sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thành công tốt đẹp và đạt được những kết quả rất quan trọng. Các cơ quan thông tin đại chúng và ngành Văn hoá thông tin đã tập trung tuyên truyền quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế; giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đồng thời góp phần thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Năm Du lịch quốc gia đã tạo thời cơ thuận lợi cho các hoạt động du lịch lữ hành, kinh doanh khách sạn có bước phát triển. Năm 2007, lượng khách đến thăm quan, du lịch tại tỉnh tăng cao, ước đạt 1.020.000 lượt, bằng 120% kế hoạch, tăng 51,3% so với cùng kỳ; ngành khách sạn, nhà hàng và du lịch ước đạt 420 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2006. Những hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào nguồn ngân sách nhà nước, tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2007 ước đạt 831,9 tỷ đồng, bằng 108,6% kế hoạch. Một số khoản thu đạt khá như: thuế thu nhập cao đạt 225%; thu từ doanh nghiệp địa phương đạt 124%; thu phí xăng dầu đạt 124%... Thu nhập bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 8,6 triệu đồng.

Công tác xây dựng có những chuyển biến tích cực trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong năm, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đánh giá việc triển khai thực hiện 09 đề án, chỉ đạo xây dựng mới và thông qua 09 đề án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị. Đã hoàn thành đúng tiến độ các nội dung đặt ra trong Chương trình toàn khoá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Hội nghị thường kỳ của Ban Thường vụ năm 2007.

Công tác cán bộ tập trung vào việc xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 42 -NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị. Làm quy trình giới thiệu nhân sự thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; kiện toàn cấp uỷ tại một số Đảng bộ trực thuộc và một số chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý. Tặng huy hiệu 30, 40, 50, 60 năm tuổi Đảng cho 11.786 đảng viên đủ tiêu chuẩn. Tính đến ngày 20/11/2007 kết nạp được 2.600 đảng viên.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và kế hoạch, chương trình công tác kiểm tra, giám sát năm 2007 theo đúng tiến độ đề ra, đã tiến hành 06 cuộc kiểm tra về việc lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền. Tổ chức giám sát theo chuyên đề và theo các Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quản lý tài nguyên, khoáng sản, quản lý sử dụng đất. Tiến hành kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính Đảng và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thi hành kỷ luật tại một số đảng bộ trực thuộc.

Có thể nói, năm 2007 Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2007. Trong đó, kinh tế tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 12,16%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguồn lực trong tỉnh, trong nước và nước ngoài được tiếp tục huy động đầu tư và sử dụng có hiệu quả, một số công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các hoạt động trong lĩnh vực văn hoá - xã hội đều có những tiến bộ đáng kể và đặc biệt đã tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2007. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm được tăng cường. Quốc phòng an ninh được giữ vững.

Xây dựng hệ thống chính trị có những chuyển biến tiến bộ. Vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên. Các chương trình công tác năm 2007 của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đạt được thành tích trên là do Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã vận dụng có kết quả các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện cụ thể của tỉnh và sự quan tâm, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền đã tập trung vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm thông qua các chương trình, đề án, dự án. Sự năng động, sáng tạo của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Bên cạnh đó cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động và tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các mục tiêu năm 2007.

Đây là những thuận lợi rất cơ bản cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.