Trên thế giới đã có rất nhiều sự đổi thay. Chỉ có một điều không thay đổi. Ðó là sự khát khao cháy bỏng của các giai cấp cần lao, và loài người nói chung được hoàn toàn giải phóng khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công, dù dưới bất cứ hình thức và mức độ nào.
Ngọn cờ giải phóng nhân loại
Cho đến nay, 160 năm đã qua, Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăng-ghen khởi thảo, vẫn rực sáng với tư tưởng vĩ đại của nó - tư tưởng giải phóng các giai cấp và tầng lớp cần lao, và nói rộng ra là giải phóng toàn bộ xã hội, giải phóng loài người khỏi mọi sự áp bức, bất công. Tuyên ngôn, ngay từ lúc ra đời và kể từ đó trở đi, luôn luôn là bản hiệu triệu hào hùng và ngọn cờ chiến đấu đầy khí phách cho tư tưởng vĩ đại ấy. Tuyên ngôn đã trải qua hơn một thế kỷ rưỡi mà vẫn tồn tại, không chỉ như một văn kiện có tính lịch sử mà còn là ngọn đuốc soi đường cho cả hiện tại và tương lai.
Bất kể ai, bất cứ lúc nào, dù đứng về phía này hay phía khác, ủng hộ hay phản đối Tuyên ngôn cũng đều phải thừa nhận một sự thật lịch sử không gì có thể chối cãi được. Ðó là Tuyên ngôn đã thức tỉnh, tập hợp giai cấp công nhân và những người lao động làm thuê khác thành một lực lượng to lớn chống sự áp bức, bóc lột, giành được những quyền lợi và quyền lực ngày càng quan trọng. Nếu như giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa cộng sản còn là một "bóng ma" ám ảnh châu Âu, như các thế lực của châu Âu cũ từng rêu rao, thì với sự ra đời của Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ rõ rằng, cái "bóng ma" ấy đã thực sự trở thành một thế lực cụ thể, và cái thế lực ấy cứ ngày một lớn dần lên, trở thành những phong trào cách mạng hừng hực khí thế, những cuộc cách mạng bùng nổ dữ dội và cả những quyền lực nhà nước được thiết lập trên hành tinh chúng ta. Từ đứa con đầu lòng là Công xã Pa-ri năm 1871, đến sau chiến tranh thế giới thứ nhất, là sự ra đời của Liên Xô và một số nhà nước xã hội chủ nghĩa khác, rồi đến sau chiến tranh thế giới thứ hai (tức khoảng 100 năm sau Tuyên ngôn), với thắng lợi của hàng loạt cuộc cách mạng kiểu mới ở cả châu Âu, châu Á và Mỹ la-tinh, chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống thế giới.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi dẫn đến sự thành lập các nhà nước xã hội chủ nghĩa phản ánh quy luật khách quan sự phát triển của xã hội loài người, như Tuyên ngôn từng dự báo, một chế độ kinh tế - xã hội tiến bộ hơn sẽ thay thế cho chế độ kinh tế - xã hội đã lỗi thời. Cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội thế giới - tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa - trải qua một thời kỳ chiến tranh lạnh dai dẳng, đã không dẫn tới sự thắng lợi lớn hơn nữa, mà trái lại, sự thất bại tạm thời và trên diện rộng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, tức là sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu, đi liền với nó là thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới.
Có sự cắt nghĩa rằng, đó là một tất yếu lịch sử, nhưng sự cắt nghĩa ấy hoàn toàn không có cơ sở. Tất yếu của lịch sử chỉ có thể là xã hội tư bản chủ nghĩa tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa, và xã hội xã hội chủ nghĩa, nấc thang cao hơn, sẽ thay thế cho xã hội tư bản chủ nghĩa chứ không phải ngược lại. Ở đây, sự tất yếu lịch sử đã không còn là tất yếu nữa bởi hành động của con người có những mặt không phù hợp với quy luật phát triển. Các đảng cộng sản và công nhân đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên làm cách mạng, đánh đổ các chế độ áp bức, lập nên chính quyền của nhân dân; cũng đã có nhiều đóng góp vào việc tìm tòi, xây dựng một xã hội mới theo tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn là giải phóng giai cấp và giải phóng loài người. Nhưng những sai lầm và khuyết điểm trong vận dụng máy móc các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học về cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, về chính quyền nhà nước, cũng như về quản lý kinh tế - xã hội, sự bất cập trong việc nắm bắt thực tiễn cuộc sống đang thay đổi từng giờ từng phút, làm cho sự trì trệ kéo dài, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân chậm được cải thiện, cộng với sự phá hoại về nhiều mặt của các thế lực đế quốc chủ nghĩa, tất cả đã dẫn đến sự sụp đổ như chúng ta đã từng thấy.
Ðiều cần nhận rõ, đây là sự sụp đổ của những mô hình xã hội chủ nghĩa cụ thể chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội, với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản. Sự thật là, trên thế giới ngày nay, vẫn còn trụ vững và phát triển không ngừng của nhiều nước xã hội chủ nghĩa, bao gồm hàng tỷ dân, trong đó, Trung Quốc và Việt Nam là những quốc gia đang tiến hành cải cách và đổi mới rất mạnh mẽ và đúng hướng. Sự thật là, trong các nước mà chế độ xã hội chủ nghĩa tan rã, các lực lượng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại và quyết liệt đấu tranh để giành lại thế đứng. Sự thật là, ở sân sau của Mỹ, hàng loạt nước Mỹ la-tinh đã tuyên bố đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Sự thật là, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, phong trào cộng sản và phong trào công nhân vẫn không ngừng mở ra những cuộc đấu tranh, và ở đó, tư tưởng xã hội chủ nghĩa, dù là chủ nghĩa xã hội - dân chủ, cũng đã từng giành thắng lợi trong cuộc tranh chấp với các thế lực từ phía hữu. Còn một sự thật cần nói là, chủ nghĩa tư bản hiện đại, sở dĩ tiếp tục tạo được sức sống mới là bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân tiếp nhận sự công kích của chủ nghĩa xã hội và sửa đổi một phần những khuyết tật và lực cản trong lòng chúng.
Cuộc đại tranh luận xuyên thế kỷ nhưng chân lý chỉ có một
Như trên đã nói, ngay từ lúc mới ra đời, Tuyên ngôn đã gây ra một cuộc tranh luận lớn xuyên suốt nửa sau thế kỷ 19, cả thế kỷ 20 và đang tiến diễn không kém phần gay gắt trong thế kỷ 21 này, thoạt đầu là ở các nước tư bản chủ nghĩa châu Âu, dần dần lan ra khắp toàn cầu.
Tham gia cuộc tranh luận lớn này có các nhà kinh tế học, xã hội học, những triết gia, học giả chính khách, luật gia và cả những người làm nghề tự do. Phía phản đối bao gồm những lý luận gia và đại diện sừng sỏ nhất của chủ nghĩa tư bản, những lực lượng bảo vệ trung thành nhất trật tự thế giới cũ. Phía ủng hộ tập hợp đông đảo các chiến sĩ tiên phong của phong trào cộng sản và công nhân, của nhân dân các dân tộc bị áp bức, của những tấm lòng mong ước được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn xã hội tư bản chủ nghĩa.
Nội dung tranh luận rất rộng, chủ yếu tập trung vào hai loại vấn đề: Một là, những vấn đề thuộc về nguyên lý của học thuyết cộng sản chủ nghĩa như: tiến trình phát triển của lịch sử loài người thông qua sự thay đổi các hình thái kinh tế - xã hội mà hình thái sau ở nấc thang cao hơn hình thái trước; những mâu thuẫn không khắc phục nổi trong lòng chế độ tư bản dẫn tới sự tất yếu diệt vong của nó và sự thay thế nó, cũng tất yếu, bằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; các động lực của sự phát triển xã hội, đấu tranh giai cấp và vai trò lịch sử của giai cấp vô sản và các tầng lớp bị áp bức; phép biện chứng duy vật trong xem xét các quá trình vận động và phát triển của giới tự nhiên, của xã hội và trong tư duy của con người... Hai là, những vấn đề thuộc về hình thái và phương pháp cách mạng như: cách mạng vô sản trước hết nổ ra ở đâu và dưới những hình thức nào; phương pháp cách mạng là bạo lực hay hòa bình; các hình thái của chính quyền nhà nước sau khi cách mạng vô sản thành công; thái độ của những người cộng sản đối với các trào lưu tư tưởng hiện thời, v.v...
Về loại vấn đề thứ nhất, xem ra các lý lẽ phản bác từ trước đến nay đều thiếu sức nặng, không mấy thuyết phục, không vượt qua nổi những lập luận đanh thép mà C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã nêu, mặc dù các ông vẫn cho rằng những nguyên lý trình bày trong Tuyên ngôn hoàn toàn đúng, tuy vẫn có một số chi tiết phải thay đổi. Còn về loại vấn đề thứ hai, các ông cũng chỉ nêu lên những gợi ý và dự báo, còn để ngỏ cho sự tìm tòi và sáng tạo. Các ông cho rằng, nếu phải viết lại Tuyên ngôn thì có thể một số đoạn trong một vài chương phải thay đổi. Hệ tư tưởng Mác là một khoa học, cần tiếp nhận nó không phải như một tín điều, những giáo lý, mà phải với thái độ phê phán khoa học, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển phù hợp với cuộc sống không ngừng thay đổi.
Cuộc tranh luận lớn chung quanh Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản và học thuyết Mác cho đến nay, vẫn chưa thể coi đã hoàn toàn ngã ngũ. Trong cuộc tranh luận đó, thế tiến công và ưu trội thường nằm trong tay các lực lượng xã hội chủ nghĩa vào những thời kỳ cách mạng đang lúc cao trào; và ngược lại, ở những thời kỳ cách mạng gặp buổi thoái trào, cái thế đó dường như lại thuộc về các lực lượng tư bản chủ nghĩa.
Cái nghịch lý trong giai đoạn hiện nay là mặc dù cách mạng đang gặp khó khăn, rất nhiều học giả không hề đứng trong hàng ngũ những người mác-xít, đều khách quan nhìn nhận rằng học thuyết Mác vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, và rằng học thuyết đó có sức sống dồi dào không chỉ trong các thế kỷ 19, 20 đã qua mà cả trong thế kỷ 21 này nữa. Trong khi có một số người, từng mang danh cách mạng, nay dao động trước tình hình đang biến đổi, đã trở cờ, lớn tiếng công kích chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, công khai "sám hối" và đã "chia tay ý thức hệ", rốt cuộc rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cơ hội, lặp lại như vẹt những gì các hiệp sĩ tư bản phản động đã từng nói và đang nói.
Dẫu sao, chân lý chỉ có một. Cách mạng dù phải trải qua những bước quanh co như thế nào, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Bởi lẽ, như Ðảng ta từng nêu rõ trong Cương lĩnh của mình, đó là quy luật tiến hóa của lịch sử!
Tuyên ngôn của thời đại hay thời đại của Tuyên ngôn?
Ðối với chúng ta, trả lời cho cả hai vế của câu hỏi này phải là sự khẳng định.
Thật vậy. Tuyên ngôn Ðảng Cộng sản ra đời giữa lúc chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở mức cao, giữ quyền thống trị ở châu Âu và bắt đầu bành trướng thế lực sang châu Phi và châu Á bằng các cuộc chinh phục. Vào thời điểm này, Tuyên ngôn không chỉ là bản cáo trạng đanh thép đối với chủ nghĩa tư bản mà còn là hồi kèn xung trận cho những cuộc chiến đấu cách mạng để giải phóng các giai cấp cần lao, các dân tộc bị áp bức và cả loài người. Nhiều cuộc cách mạng nổ ra và giành thắng lợi mà cao trào là sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai, như đã nói ở phần trên. Vì vậy, hoàn toàn đúng khi chúng ta nói Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản là tuyên ngôn của thời đại.
So với một thế kỷ rưỡi trước, thời đại ngày nay đã khác xa. Dưới các chế độ kinh tế - xã hội khác nhau, lực lượng sản xuất trên toàn thế giới đã tăng lên nhảy vọt, của cải vật chất làm ra dồi dào, nếu có một quan hệ sản xuất phù hợp, một chế độ phân phối công bằng và hợp lý thì đủ để nuôi sống tốt hơn 6 tỷ người trên hành tinh chúng ta. Như nhiều người nhận xét, ngày nay nền văn minh công nghệ thông tin đã dần dần thay thế nền văn minh công nghiệp cơ khí, kinh tế tri thức đã xuất hiện. Toàn cầu hóa kinh tế không hoàn toàn là sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản mà là sự hội nhập của nhiều nền kinh tế thuộc nhiều chế độ xã hội khác nhau, trong đó vừa có cạnh tranh vừa có hợp tác hòa bình để phát triển, mà đây lại là trào lưu chủ yếu. Với lực lượng sản xuất phát triển cao, tuy vẫn là một chế độ bóc lột nhưng không thể và cũng không còn cần thiết dùng những thủ đoạn dã man và tàn bạo như trước. Chủ nghĩa xã hội hiện thực cũng kiên quyết tự đổi mới, tự cải cách để phát huy ngày càng tốt hơn sức mạnh và bản chất tốt đẹp của mình. Các dân tộc ngày càng ý thức được con đường phát triển độc lập và tiến bộ.
Rõ ràng là trên thế giới đã có rất nhiều sự đổi thay. Chỉ có một điều không thay đổi. Ðó là sự khát khao cháy bỏng của các giai cấp cần lao, và loài người nói chung được hoàn toàn giải phóng khỏi sự bóc lột, áp bức và bất công, dù dưới bất cứ hình thức và mức độ nào. Tư tưởng cốt lõi của Tuyên ngôn là tư tưởng giải phóng xã hội, giải phóng con người. Tư tưởng đó phải đi vào cuộc sống sinh động trên khắp hành tinh. Chính vì vậy, sẽ không quá lời khi chúng ta nói rằng thời đại ngày nay cũng chính là thời đại của Tuyên ngôn.