Lãnh đạo GMS thống nhất chương trình phát triển 5 năm

14:10, 31/03/2008

Ngày 31/03, tại Hội nghị Thượng đỉnh tiểu vùng Mêkông mở rộng lần thứ 3 (GMS 3), Thủ tướng các nước Cam-pu-chia, Trung Quốc, CHDCND Lào, My-an-ma, Thái Lan và Việt Nam đã thống nhất Kế hoạch Hành động toàn diện 5 năm với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo, phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường tại tiểu vùng sông.

Theo Kế hoạch Hành động mới giai đoạn 2008-2012, sáu quốc gia chia sẻ dòng sông Mêkông cam kết thực hiện: thúc đẩy việc xây dựng và cải thiện phần còn lại của các tuyến hành lang giao thông tiểu vùng, bao gồm cả phần giao thông liên kết nối Singapore và Côn Minh; dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho việc phát triển hệ thống thông tin liên lạc nông thôn; triển khai các sáng kiến phát triển năng lượng có thể tái tạo ở khu vực nông thôn và năng lượng hóa dầu mới; Tăng cường các nỗ lực bảo vệ rừng và giảm thiểu rủi ro môi trường; nâng cao việc quản lý bền vững các điểm du lịch sinh thái và văn hóa; triển khai kế hoạch hành động chiến lược mới về hợp tác giáo dục, y tế và lao động; tăng cường hơn nữa việc phòng tránh và kiểm soát các bệnh dịch truyền nhiễm tại khu vực biên giới; và hài hòa hóa các thủ tục thương mại và thủ tục tại cửa khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng CHDCND Lào, Thongloun Sisoulith khẳng định: “Hơn 15 năm qua, Chương trình tiểu vùng GMS luôn là phần quan trọng trong các nỗ lực giảm nghèo thành công của đất nước chúng tôi. Kế hoạch Hành động GMS mới mà chúng tôi vừa thống nhất trong ngày hôm nay sẽ chuyển đổi tiểu vùng sông Mêkông mở rộng thành một trung tâm kết nối phát triển của khu vực Châu Á”.

Bên cạnh việc đồng thuận với Kế hoạch Hành động, các nhà lãnh đạo cũng chứng kiến lễ ký các thỏa thuận thúc đẩy thương mại điện năng xuyên biên giới, thúc đẩy sự phát triển dọc các hành lang giao thông chủ chốt trong khu vực và một số mốc quan trọng khác của GMS.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á Lawrence Greenwood phát biểu: “15 năm trước, khi các quốc gia Mêkông vẫn còn trong tình trạng bất đồng và nghèo đói, một số người đã mạnh dạn dự đoán những quốc gia này sẽ đạt được những tiến bộ vượt quá dự kiến trong việc giảm nghèo và gia tăng các triển vọng kinh tế”. Ông nhấn mạnh: Chương trình tiểu vùng sông Mêkông là một phần quan trọng của câu chuyện thành công của khu vực, và là một bằng chứng về vai trò hợp tác, hội nhập khu vực trong vấn đề hỗ trợ tăng trưởng và giảm nghèo.