Cuộc Vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động và triển khai đến toàn Đảng, toàn dân đã được hơn 1 năm. Nhìn lại, hầu hết các đơn vị của tỉnh đều đánh giá là có bước chuyển biến quan trọng về nhận thức sau khi triển khai thực hiện đầy đủ các bước: Học tập nghiên cứu, viết bài thu hoạch, lấy ý kiến đóng góp và tiếp thu ý kiến của quần chúng...
Tiếp cận với báo cáo của nhiều cá nhân, đơn vị, người viết bài này thật sự băn khoăn: Một đảng bộ nọ năm qua được công nhận là “trong sạch vững mạnh”, có 98% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; một đơn vị sản xuất kinh doanh kia hoàn thành vượt mức kế hoạch cấp trên giao; một giáo viên nọ chăm lo cho học sinh, được học sinh quý mến .... Những thành tích kể trên chưa thuyết phục bởi không đưa ra được mốc so sánh để thấy sự khác biệt giữa trước và sau khi thực hiện Cuộc vận động Học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Ví dụ, vì học tập tấm gương tiết kiệm của Bác mà đơn vị nọ đã đưa ra một loạt giải pháp cụ thể, sau một năm đã tiết kiệm được x tiền điện, tiền nước; số công chức đi làm muộn, chơi cờ trên máy vi tính giảm hẳn. Ví dụ, vì học tập Bác yêu thương con trẻ, cá nhân nọ đã ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa bị rét x bộ quần áo, đã cưu mang giúp đỡ một em bé được đi học... Những chi tiết nhỏ bé như thế thật khó tìm trong các bản báo cáo thành tích.
Thật ra, đơn vị, cá nhân nào cũng có hẳn một chương trình hành động được cấp trên thông qua. Trong đó đã rất chi tiết những con số, công việc cụ thể sẽ học tập và làm theo Bác như thế nào. Vậy nên, khi kiểm điểm đánh giá, đây là căn cứ quan trọng để xác định tập thể, cá nhân đó có làm tốt hay không?.
Bác Hồ của chúng ta không nói những lời to tát mà để lại tấm gương đạo đức bằng những việc làm rất nhỏ. Học Bác nghĩa là phải "làm, dù chỉ là việc nhỏ. Năm 2008 này, chúng ta tiếp tục thực hiện Cuộc vận động mà trọng tâm là “làm theo”. Để Cuộc vận động có hiệu quả thiết thực hơn, yếu tố "làm theo" phải được đặt lên hàng đầu.