Sơn Mỹ không chỉ có nỗi đau

09:02, 14/03/2008

 40 năm đã qua đi, nhưng những tội ác tày trời mà quân Mỹ đã gây ra cho người dân Sơn Mỹ thì không thể nào quên được. Song điều đáng quí là họ đã biết nén đau thương, đứng lên chung tay xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất một thời là vành đai trắng

Cách đây 40 năm, cả thế giới đã bàng hoàng khi nghe tin ngày 16/3/1968 quân viễn chinh Mỹ thảm sát hơn 500 thường dân vô tội tại Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi, nay là xã Tịnh Khê, huỵên Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Mấy mươi năm, nỗi đau ấy không dễ nguôi ngoai nhưng người dân Sơn Mỹ đã nén đau thương chung tay xây dựng quê hương, từ vành đai trắng trong chiến tranh thành vùng quê xanh tươi no ấm. 

 

Vụ thảm sát Sơn Mỹ đã gây chấn động thế giới, trở thành nỗi đau dai dẳng đối với loài người. Nhiều du khách, nhất là những cựu chiến binh Mỹ không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy hình ảnh, hiện vật trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ông RoBert Kirkland, cựu chiến binh Mỹ từng tham gia vụ thảm sát Sơn Mỹ, mỗi khi trở lại mảnh đất này luôn cầu nguyện, xin sự tha thứ của mọi người.

 

Trong cuốn sổ lưu niệm tại Khu chứng tích Sơn Mỹ, ông viết: “Tôi đã 6 lần trở lại Sơn Mỹ, mỗi lần về lại mảnh đất này tôi đều có một cảm xúc khác nhau. Đó là nỗi buồn không thể nào thốt lên bằng lời được. Tôi đến Sơn Mỹ cách đây mấy chục năm vì chiến tranh, vì mệnh lệnh. Hãy tha thứ cho những việc chúng tôi đã làm. Tôi nghĩ tất cả mọi người hãy quan tâm hơn nữa đến mảnh đất này”. Còn bà Greig Craft - Hãng tin tài chính Mỹ Boomberg thì nói: “Trước đây tôi chỉ nghe sự việc này qua sách báo, nay tới tận nơi, xem hình ảnh, hiện vật trong bảo tàng mới thấy thật khủng khiếp. Tôi không thể nói gì được vì quá xúc động”.

 

 Thời gian qua đi nhưng những tội ác tày trời mà quân Mỹ đã gây ra cho người dân Sơn Mỹ thì không thể nào quên được. Song điều đáng quí là họ đã biết nén đau thương, đứng lên chung tay xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất một thời là vành đai trắng.  

 

 Đường sá, nhà cửa, trường học, trạm xá, công sở khang trang; hệ thống kênh mương thuỷ lợi xây dựng kiên cố, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho gần 550ha lúa, nâng năng suất lên 40-45 tạ/ha; chân ruộng bạc màu chuyển sang trồng dưa leo, bí đao, mướp đắng, hành lá... cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/ha.

 

Chị Trần Thị Oanh, cô bé sống sót trong vụ thảm sát đẫm máu năm ấy, giờ đã có một gia đình đầm ấm với chồng và 3 con. Cần cù chịu thương chịu khó, chị đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, con cái ngoan ngoãn, học giỏi. Chị kể: “Ở bệnh viện về cha mẹ không còn, mấy chị em nương nhau mà sống, còn phải nuôi bà nội vì bà đã già. Lớn lên có gia đình thì quá khổ, cơm cũng không đủ ăn. Ban đầu không có vốn thì nuôi vịt con, rồi nuôi vịt đẻ. Từ khi nuôi vịt đẻ, kinh tế gia đình mới khá lên. Mới lo cho con cái ăn học. Đứa lớn ra trường đi làm rồi, lương tháng cũng được. Vui nhất là con cái được ăn học đến nơi đến chốn”.

 

Bãi bồi ven sông Kinh, ruộng nhiễm mặn được bà con cải tạo thành 40ha nuôi tôm, nhiều hộ trồng lúa kết hợp nuôi tôm, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 25 đến 30 triệu đồng/năm. Đội tàu của xã hơn 260 chiếc, tổng công suất trên 12.400 mã lực, mỗi năm đánh bắt hơn 5.600 tấn hải sản các loại. Có nguyên liệu, nhiều hộ đầu tư làm nước mắm, giải quyết việc làm cho lao động nữ với thu nhập từ 500.000-700.000 đồng/tháng. Nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn đóng tàu lớn, tổ chức đánh bắt xa bờ. Ông Trương Văn Phương ở thôn Cổ Luỹ cho biết: “Yêu nghề biển, sống với nghề biển, từ nghề nhỏ làm miết đến năm 2007, tiến lên nghề lớn, tàu cao tốc. Nghề giã thì có nhiều loại nhưng tàu mình đánh cá xuất khẩu nhiều, chẳng hạn cá thu, mực nang. Làm ở quê cũng có mà tỉnh ngoài cũng có, nói chung ở đâu có thì mình làm. Thành thử làm ăn cũng được, cuộc sống cũng thoải mái”.

 

Góp phần xoa dịu nỗi đau Sơn Mỹ, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã đầu tư phát triển kinh tế-xã hội ở mảnh đất này. Tổ chức Hy vọng thế giới tài trợ 70.000 USD xây dựng Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Mỹ Lai qui mô 20 giường bệnh đầy đủ trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho dân. Cây cầu bê tông bắc qua sông Kinh được nhà nước đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây dựng đã hoàn thành, bãi tắm Mỹ Khê thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại phục vụ du khách và đội ngũ chuyên gia, công nhân xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất.

 

 Người dân Sơn Mỹ đang đón chờ vận hội mới đến với quê hương mình. Ông Phan Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê phấn khởi nói: “Tịnh Khê gắn liền với khu du lịch biển, xã phải tạo thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, làm sao tăng dần tỉ trọng thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đồng thời tập trung chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, kết hợp phát triển tàu thuyền có mã lực lớn, đủ sức đánh bắt xa bờ. Phấn đấu cho quê hương Tịnh Khê theo kịp đà chung của đất nước”.