Ngày 25-3, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3 nhằm đưa ra các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì khả năng tăng trưởng của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận sâu về mục tiêu kiểm soát lạm phát, trong đó thực hiện 8 nhóm giải pháp để đảm bảo tăng trưởng bền vững như: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ chủ động và linh hoạt, tăng thu ngân sách và thắt chặt chi tiêu công, tăng cường quản lý thị trường giá cả, đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu, tháo gỡ đảm bảo sản xuất kinh doanh và tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay kinh tế tăng trưởng khá nhưng có dấu hiệu giảm do tình hình lạm phát tăng, nhập siêu, thị trường chứng khoán sụt giảm đang đe dọa đến nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, đồng thời điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát phù hợp thích hợp với tình hình mới. Theo đó, cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó thắt chặt chính sách tiền tệ, tiết kiệm đầu tư công, kiểm soát nhập siêu...
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nắm sát thị trường để thực hiện các giải pháp gắn với thị trường, thực hiện an toàn hệ thống và điều hành chính sách công khai minh bạch và phối hợp với các bộ ngành chức năng thực hiện các giải pháp (cho vay và lãi suất) không gây ách tắc các hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu đảm bảo sản xuất và đời sống như xăng, dầu, phân bón...Trước mắt, Chính phủ bù lỗ giá điện và xăng dầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng rà soát lại các dự án đầu tư, loại bỏ các dự án không hiệu quả, tiết kiệm chi tiêu công nhằm giảm bội chi ngân sách, đồng thời kêu gọi nhân dân hạn chế tiêu dùng. Theo dõi sát diễn biến của thị trường và biến động giá, đẩy mạnh cung hàng hóa và quản lý chặt chẽ các mặt hàng không cho phép đầu cơ tăng giá, đẩy mạnh xuất khẩu về cả mặt hàng và thị trường, quyết liệt kiểm soát tình trạng nhập siêu và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất...
Thủ tướng gợi ý các Bộ ngành phát huy tiềm năng thế mạnh trong từng lĩnh vực để chỉ đạo sản xuất và để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm kiềm chế lạm phát và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát lại các chương trình mục tiêu để hỗ trợ người có thu nhập thấp và người nghèo để giữ vững an sinh xã hội.