44 tỉnh, thành phố tiếp nhận “Danh mục hồ sơ và dữ liệu cán bộ đi B"

16:53, 22/04/2008

Sáng nay tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (Hà Nội) đã diễn ra lễ chuyển giao “Danh mục và dữ liệu hồ sơ cán bộ đi B” do Trung tâm lưu giữ cho 44 tỉnh, thành phố trong cả nước qua đường Bưu điện.

Phát biểu tại lễ bàn giao, ông Vũ Xuân Hưởng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; đặc biệt để giúp cho các tỉnh, thành phố trên cả nước có cơ sở thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nội vụ và nhân dịp Kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng miền nam và thống nhất đất nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã tổ chức chuyển giao “Danh mục hồ sơ và dữ liệu cán bộ đi B” thuộc Ủy ban Thống nhất Chính phủ thời kỳ 1959-1975 cho 44 tỉnh, thành phố trên cả nước qua đường Bưu điện.

Theo ông Hưởng, khối hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi chiến trường B chiếm một số lượng lớn trong phông lưu trữ của Trung tâm, với gần 56 nghìn bộ hồ sơ, kỷ vật. Toàn bộ hồ sơ cán bộ đi B đã được xây dựng cơ sở dữ liệu với một chương trình phần mềm dễ tra tìm, có thể đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu tra cứu tự động trên máy tính. Song song với dữ liệu trên máy, toàn bộ hồ sơ tài liệu còn được in thành các bộ mục lục phục vụ cho việc tra cứu riêng cho từng tỉnh.

Trong những năm qua, Trung tâm thường xuyên thông tin cho các địa phương, các tỉnh, thành phố để cán bộ đi B thời ấy hoặc thân nhân, gia đình họ, hoặc các đơn vị quản lý có trách nhiệm đến nhận lại. Tính đến nay, Trung tâm đã cấp chứng thực lưu trữ cho khoảng hơn 10 nghìn người đến khai thác tài liệu khối hồ sơ này để làm chế độ chính sách.

Trung tâm đã mời 15 tỉnh, thành phố ra Trung tâm để nhận lại Danh mục. Trong tháng 3 vừa qua, lãnh đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Trung tâm 3 đã trao tặng Danh mục hồ sơ cho năm tỉnh là Khánh Hòa, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Tới nay, còn Danh mục 44 tỉnh, thành phố sẽ được chuyển giao qua đường Bưu điện.

Đó là các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Đác Nông, Cao Bằng, Nghệ An, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Gia Lai, Kiên Giang, Cà Mau, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh, Bắc Cạn, TP Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Đồng Nai, Trà Vinh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Đà Nẵng, An Giang, Hậu Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Hà Giang và Lai Châu.

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hàng vạn cán bộ đi B chưa tìm được hồ sơ cá nhân của mình. Ông Vũ Xuân Hưởng tin tưởng rằng, Bộ Mục lục hồ sơ này sẽ làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố tra tìm hồ sơ cán bộ nhằm giải quyết chế độ chính sách cho người hoạt động Cách mạng, thương bệnh binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến, người có công với Cách mạng,…

Cán bộ đi B là những cán bộ, chiến sĩ miền nam tập kết ra bắc, tham gia lao động sản xuất trên miền bắc và những cán bộ miền bắc theo yêu cầu của Cách mạng đã vào nam công tác theo con đường dân sự. Trung tâm hiện lưu trữ 55.710 hồ sơ cán bộ đi B từ 89 tỉnh, thành phố trong cả nước (theo địa giới hành chính giai đoạn 1945-1975). Tới nay, số lượng hồ sơ cán bộ đi B đã trả được là 4503 hồ sơ.

Ủy ban Thống nhất Chính phủ được thành lập từ cuối năm 1959 và đến cuối năm 1975 thì giải thể. Trong khoảng thời gian hai mươi năm ra đời và hoạt động của Ủy ban, một khối lượng lớn hồ sơ tài liệu đã được hình thành. Trong suốt thời gian từ năm 1960 cho đến ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, hồ sơ của cán bộ đi B thuộc quyền quản lý của Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Và sau khi Ủy ban này giải thể, toàn bộ số hồ sơ trên được chuyển giao cho Lưu trữ Nhà nước mà hiện nay do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 quản lý.