Người phụ nữ tham gia làm nên lịch sử

03:10, 28/04/2008

Tuần đầu tháng 4/2008, trên trang tin Asia-Media-News, nhà báo Mỹ Tom Plate, người chuyên viết về khu vực châu Á Thái Bình Dương của nhiều tờ báo Mỹ, đã có bài viết về một trong những người phụ nữ Việt Nam nổi tiếng nhất thế kỷ 20: bà Nguyễn Thị Bình.

“… Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đi vào giai đoạn nước rút, sự thắng thế của ứng cử viên Hilary Clinton đôi lúc đã khiến nhiều người Mỹ mơ giấc mở có một nữ tổng thống (nước Mỹ chưa tùng có nữ Phó tổng thống chứ chưa nói gì tới nữ Tổng thống), thì tôi lại nảy ra ý định tới Việt Nam, để được chuyện trò với một người Việt Nam nổi tiếng: bà Nguyễn Thị Bình. Với tôi, đó là một người phụ nữ mang đậm nét huyền thoại, người đã góp công lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ: chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.

 

 

Bà Nguyễn Thị Bình, hiện ở tuổi 80, nhưng khi nghe tôi nhắc về Hội nghị Hoà bình Paris, ký ức vẫn tràn về đầy ắp trên gương mặt, giọng nói, ánh mắt của bà.

 

 Là Phó chủ tịch nước trong vòng 10 năm, bà Bình dường như luôn theo dõi sát sao mọi diễn biến của đời sống chính trị thế giới, trong đó có nước Mỹ. Trò chuyện với tôi, bà bình luận: “Cuộc chiến Iraq đã diễn ra quá dài”. Nhấp một ngụm trà, bà chậm rãi: “Cũng tương tự như cách hành xử với Việt Nam trước kia, đế quốc Mỹ luôn tự coi mình là cường quốc và luôn hành xử như một cường quốc. Và bởi vì tự coi mình là cường quốc nên đế quốc Mỹ không thể nào chấp nhận việc người Việt Nam có thể đứng lên kháng chiến chống lại họ. Cuộc chiến lại Iraq khác ít nhiều so với cuộc chiến tại Việt Nam xưa kia nhưng mục đích thì giống nhau: Nước Mỹ muốn áp lực đặt luật lệ của mình lên các quốc gia khác”.

 

Tuy nhiên, những quan điểm áp đặt như thế đang trở nên lỗi thời, ngay cả trong nội bộ nước Mỹ. Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh: Thời kỳ chiến tranh lạnh đã qua. Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã bước sang trang mới. Nhiều mối quan hệ mới được đặt ra, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

 

Bà Bình nhấn mạnh: Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chúng tôi đang tiến hành còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi muốn tiến hành một xã hội thực sự dân chủ, chúng tôi mong muốn có một nền giáo dục thật tốt. Tất nhiên, bà Bình nói: tất cả những điều đó rất tốn kém, cả về thời gian lẫn tiền bạc. Để làm được điều đó không chỉ cần nội lực mà Việt Nam cần sự hỗ trợ của bạn bè thế giới. Vì vậy chúng tôi giữ quan điểm: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước.