Tầm vóc lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (7.1954-30.4.1975)

16:07, 25/04/2008

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là một trong những chiến công lớn của thế kỷ 20. Đối với dân tộc ta, đây là thiên anh hùng ca bất hủ của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thời gian trôi qua càng làm nổi bật tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại của nó.

Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai nước Mỹ trở thành đế quốc giầu có và hùng mạnh nhất thế giới tư bản, Mỹ đã đóng vai trò sen đầm quốc tế để bảo vệ và cứu nguy cho cả hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã bị suy yếu nghiêm trọng và lâm vào cuộc khủng hoảng mới trước sự ra đời và lớn mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trước những đòn công kích quyết liệt của phong trầo giải phóng dân tộc và làn sóng đấu tranh dồn dập của phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, từ đầu những năm 60, đế quốc Mỹ buộc phải từ bỏ chiến lược toàn cầu “trả đũa ồ ạt” chuyển sang thực hành chiến lược “phản ứng linh hoạt” chĩa mũi nhọn vào các lực lượng xã hội chủ nghĩa và giải phóng dân tộc, trong đó Viêt Nam là một điểm nóng bỏng. Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, có nguồn tài nguyên phong phú, được Mỹ đánh giá là một trong những vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản.

Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa đế quốc Mỹ sau Chíên tranh thế giới thứ hai là bành trướng chủ nghĩa thực dân mới, nhằm chống lại các trào lưu cách mạng, đàn áp và phá hoại phong trào độc lập dân tộc, kìm giữ các nước mới trỗi dậy trong quỹ đạo chủ nghĩa tư bản, ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội đồng thời tranh giành vị trí và ảnh hưởng với các đế quốc khác.

Sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Trước sức tiến công mạnh mẽ của cách mạng Việt Nam và ảnh hưởng sâu sắc của nó đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đế quốc Mỹ đã tích cực can thiệp vảo chiến tranh Đông Dương ngay từ những năm 50. Một mặt Mỹ ra sức giúp Pháp, mặt khác âm mưu thay thế Pháp độc chiếm Đông Dương. Âm mưu cơ bản của đế quốc Mỹ là tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta, thôn tính miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta; biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, lập phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa xã hội lan xuống Đông Nam châu Á, bao vây, uy hiếp các nước xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại; cho xu thế phát triển tất yếu của phong trào giải phóng dân tộc đi lên con đường chủ nghĩa xã hội, Việt Nam vì vậy trở thành nơi thử thách sức mạnh của đế quốc Mỹ, như chính bản thân giới cầm quyền Mỹ đã xác nhận: Chiến tranh xâm lược Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ. Mỹ muốn chứng tỏ lực lượng quân sự và kinh tế khổng lồ của họ có thể khuất phục được nhân dân Việt Nam, đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc và chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở các nước trên thế giới. Vì vậy “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trở thành cuộc đọ sức điển hình, thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trên thế giới, là cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mang tính chất thời đại sâu sắc” (Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 21 Khoá III). Đó là một cống hiến lớn lao của nhân ta đối với phong trào cách mạng thế giới.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh chính nghĩa chống chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ, vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa mang tính chất bảo vệ Tổ quốc và tính chất thời đại sâu sắc, là sự liên minh chặt chẽ chống kẻ thù chung của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Căm pu chia.

Cuộc đụng đầu lịch sử giữa nhân dân Việt Nam với đế quốc Mỹ diễn ra trong hoàn cảnh đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, đồng thời làm hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng khác nhau. Nước ta là một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, phải đương đầu với một đế quốc lớn có tiềm lực kinh tế và quân sự. Những đặc điểm trên liên quan đến bản chất, tính chất của cuộc chiến tranh, nó chi phối phương châm, chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng, đến việc chỉ đạo, chỉ huy của các cấp chính quyền.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua năm giai đoạn chiến lược, là cuộc chiến tranh dài ngày nhất, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Giai đoạn thứ nhất (7.1954 đến hết 1960). Đế quốc Mỹ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam thông qua chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Ta ra sức ổn định, củng cố xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước. Nhân dân ta ở miền Nam tiến hành đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng thời ra sức tìm phương pháp đấu tranh thích hợp, để vừa đẩy mạnh cách mạng miền Nam, hạn chế được tổn thất, vừa bảo vệ được miền Bắc, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hoà bình thế giới. Vào cuối giai đoạn này, cách mạng Việt Nam từ thế giữ gìn lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công, từ đấu tranh chính trị tiến lên khởi nghĩa từng phần mở đầu bằng cao trào đồng khởi đánh sụp nguỵ quyền cơ sở ở nhiều vùng nông thôn làm thất bại chính sách cai trị thực dân mới điển hình của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Đầu năm 1959, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra được đường lối, phương pháp cách mạng giải phóng miền Nam thể hiện tập trung trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, đưa đến cuộc đồng khởi vĩ đại đánh thắng chiến lược đầu tiên của đế quốc Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt lớn của cách mạng miền Nam.

Giai đoạn thứ hai (từ 1961 đến giữa 1965). Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt”-cuộc chiến tranh bằng quân đội nguỵ tay sai với tiền của, vũ khí và sự chỉ huy của Mỹ, định đè bẹp và tiêu diệt cách mạng miền Nam. Cách mạng miền Nam từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự và chính trị, đánh địch bằng ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, phát huy sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân ở miền Nam để đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và tay sai.

Từ cuối năm 1960 hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít bị thất bại, đế quốc Mỹ bị động thay đổi chiến lược, chuyển sang “chiến tranh đặc biệt” (CTĐB) để đối phó với cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam. Đặc điểm của chiến lược này là dùng quân đội nguỵ tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược trên quy mô lớn theo chiến thuật “tát nước bắt cá” nhằm tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân. Quân chủ lực nguỵ mở những cuộc càn quét để loại trừ bộ đội và du kích, làm chỗ dựa cho chính sách dồn dân lập ấp. Mỹ-Diệm coi lập ấp chiến lược là “quốc sách” và là “xương sống” của chiến lược “CTĐB”. Để đối phó với chiến lược “CTĐB” Đảng ta chủ trương chuyển cách mạng giải phóng miền Nam lên giai đoạn mới. Từ đây các cuộc khởi nghĩa từng phần phảt triển lên thành một cuộc chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam. Đồng thời, ở miền Bắc ta chủ trương đẩy mạnh công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai” vì miền Nam ruột thịt đã dấy lên trên toàn miền Bắc các phong trào thi đua sôi nổi trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, y tế, giáo dục..Thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

Chiến lược “CTĐB” của Mỹ được đẩy đến mức độ cao nhất đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, đưa quân Mỹ vào tham chiến ở miền Nam, tăng cường phá hoại miền Bắc. Cách mạng miền Nam lại chuyển sang giai đoạn mới.

Giai đoạn thứ ba (từ giữa 1965 đến hết 1968). Đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (CTCB) đưa quân viễn chinh Mỹ vào tham chiến trên quy mô lớn ở miền Nam, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc. Cả nước đã trực tiếp đánh Mỹ, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao trên cả hai miền, đánh thắng chiến lược “CTCB” tạo bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với mục tiêu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng. Biện pháp chủ yếu của chiến lược mới của Mỹ ở miền Nam là “tìm diệt”, sau đó là “tìm diệt và bình định”. Đưa quân Mỹ ồ ạt vào miền Nam, mở các cuộc tiến công tìm diệt chủ lực ta ở miền Nam, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam, làm suy yếu căn cứ địa cách mạng của cả nước và hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Tăng quân chiến đấu với tốc độ nhanh, đẩy cường độ chiến tranh và tính chất ác liệt lên cao. Đây là cố gắng quân sự lớn nhất, bước leo thang chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Trước tình hình đó Đảng ta chủ trương kịp thời động viên và tổ chức cả nước kháng chiến chống Mỹ, từ nửa nước có chiến tranh thành cả nước có chiến tranh với mức độ và hình thức khác nhau, miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Cả dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt hơn, nhưng ta đã vững mạnh hơn hẳn trước; thế trận tiến công của chiến tranh nhân dân ở miền Nam phát triển cao, đã chuẩn bị về mọi mặt để đón đánh quân viễn chinh Mỹ.

Đánh thắng các cuộc phản công chiến lược với âm mưu “tìm diệt” và “Bình định” của địch; cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, buộc chúng dù rất ngoan cố phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, chuyển sang chiến lược “phi Mỹ hoá chiến tranh” rồi “Việt Nam hoá chiến tranh” và rút dần quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, phải cử người đàm phán với Chính phủ ta ở Hội nghị Pa ri. Ta có điều kiện mở ra mặt trận tiến công mới về ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự-chính trị-ngoại giao để đánh thắng kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh. Cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khởi đầu một quá trình đi xuống về chiến lược trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ.

Trên miền Bắc, ta cũng giành thắng lợi lớn về nhiều mặt, cả về chiến đấu, sản xuất, bảo đảm giao thông thông suốt, tăng cường sức người, sức của ngày càng lớn từ Bắc vào Nam, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc.

Giai đoạn thứ tư (1969-1.1973) Đế quốc Mỹ thi hành chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” (VNHCT), xuống thang chiến tranh, rút dần quân Mỹ về nước nhưng kéo dài cuộc chiến tranh và mở rộng chiến tranh sang Cămpuchia. Quân và dân ta phối hợp với quân và dân hai nước Lào và Cămpuchia, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “VNHCT” và “học thuyết Nĩchxơn” ở Đông Dương; trên miền Bắc, đánh bại lần thứ hai cuộc chiến tranh phá hoại mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam nước ta.

Giai đoạn thứ năm (1973-4.1975). Sau Hiệp định Pari, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược “VNHCT”, chỉ huy nguỵ quân, nguỵ quyền tiến hành “cuộc chiến tranh lấn chiếm và bình định”. Ta tạo lực, tạo thế, tạo thời cơ, tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chiến công oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đại thắng kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chứng minh đường lối và phương pháp cách mạng đề ra trong Hội nghị Trung ương lần thứ 21 và các Hội nghị Bộ Chính trị là hoàn toàn đúng; sự lãnh đạo và chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương rất chính xác, kịp thời, kiên quyết, táo bạo và sắc bén. Chỉ trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị, quân và dân ta đã giành được toàn thắng. Hơn 1 triệu quân nguỵ và cả bộ máy nguỵ quyền bị đập tan. Chế độ thực dân mới được đế quốc Mỹ dốc sức xây dựng đã hoàn toàn sụp đổ.

Trải qua gần hai mươi mốt năm chiến đấu kiên cường, qua năm giai đoạn chiến lược, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố. Đó là sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ; là cuộc chiến đấu dũng cảm, thông minh của toàn dân ta trên cả nước mà nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta; là tình đoàn kết và liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương; là sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng cách mạng và hoà bình trên thế giới.

Đảng ta luôn luôn trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định lập trường cách mạng, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Quyết tâm ấy bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, ý thức làm chủ vận mệnh đất nước của nhân dân. Đảng đã huy động và phát huy cao độ truyền thống văn hoá bốn nghìn năm lịch sử, dựng nước và giữ nước vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Đảng ta có đường lối kháng chiến độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, có sự đoàn kết, thống nhất cả trong nhận thức, cả trong hành động, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân ba nước Đông Dương, đoàn kết Bắc-Nam, đoàn kết quân-dân.

Quyết tâm kháng chiến của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, là nguyên nhân cơ bản nhất đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại.