Ở làng Noỏng Ôn, tỉnh Udon Thani vùng đông-bắc Thái-lan, có một điểm di tích quý. Năm 1928 Bác Hồ đã dừng chân ở đây trong hành trình tìm đường cứu nước và chuẩn bị cho việc hai năm sau, thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930, Bác viết: "Nhận được chỉ thị của Quốc tế Cộng sản về công tác ở Ðông Dương, tôi từ giã nước Ðức vào tháng 6 và đến Xiêm vào tháng 7-1928. Tôi đã làm việc với một số người An Nam di cư ở đấy tới tháng 11-1929".
Với tấm thẻ nhập cảnh mang tên một Hoa kiều là Nguyễn Lai - đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã từ Ðức vào Băng-cốc, thủ đô nước Xiêm (tên cũ của Thái-lan) ít ngày, Thầu Chín, Ông Thọ, Nam Sơn - tên gọi của Người trong thời gian ở Thái-lan, đã đi Phi Chít - một tỉnh miền trung Thái-lan. Sau một thời gian ở Phi Chít, Thầu Chín đã cùng một vài người, đi bộ suốt hơn nửa tháng trời tới Udon Thani.
Udon Thani là tỉnh lớn của Thái-lan, cách Băng-cốc khoảng 620 km, hiện nay là cửa ngõ thông thương thuận lợi với CHDCND Lào.
Cuối những năm 20 của thế kỷ trước, thị xã Udon Thani rất nhỏ, dân cư thưa thớt, phố xá lèo tèo mấy ngôi nhà. Rừng rậm vây bọc chung quanh thị xã.
Khi mới tới Udon Thani, Thầu Chín ở trong nhà một gia đình cơ sở gần ga Noỏng Bua. Ở đây có độ vài ba chục gia đình Việt kiều, phần nhiều sinh sống bằng nghề làm vườn và chăn nuôi. Nơi đây, Thầu Chín có trồng một số cây xoài và cây dừa. Sau này bà con ta theo nhau gọi là vườn xoài Bác Hồ.
Sau một thời gian, từ ga Noỏng Bua, Thầu Chín chuyển vào ở trong Trại cưa Noỏng Ôn thuộc xã Chiêng Phin, huyện Mường, cách trung tâm thị xã Udon Thani 12 km về phía tây.
Noỏng Ôn thời kỳ ấy chỉ có tám gia đình người Việt, không có người Thái vì đây là nơi hẻo lánh, xa trung tâm, rừng rộng mênh mông lại có bệnh sốt rét rừng. Ðêm đêm, sau một ngày lao động vất vả, Thầu Chín tập hợp anh em lại, hỏi han, trò chuyện, kể cho anh em nghe về phong trào cách mạng đang diễn ra ở trong nước, về cách mạng Nga, cách mạng Trung Quốc, phác thảo tương lai cách mạng Việt Nam. Thầu Chín khuyên bà con người Việt chăm chỉ làm ăn, luôn nhớ về Tổ quốc, tôn trọng phong tục, tập quán, đoàn kết với người dân sở tại, nhắc nhở anh chị em học chữ Thái, nói tiếng Thái, bản thân Người nêu gương, chỉ trong một thời gian ngắn đã nghe hiểu và nói được ít nhiều tiếng Thái. Về đối ngoại, Bác chủ trương làm cho người Thái có cảm tình hơn nữa đối với người Việt Nam và cách mạng Việt Nam.
Cuối năm 1928, Bác bàn với anh em vận động Chính phủ Thái-lan cho phép thành lập trường học cho con em kiều bào. Khi trường được phép hoạt động, Người cũng tham gia gánh gạch, đào móng, xây nền, làm nhà để con em có nơi học tập. Sau này, để ghi nhớ công ơn của Bác, bà con Việt kiều đã đặt tên trường là Minh Lập (trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và xây dựng). Nhiều lớp thanh niên được Bác bồi dưỡng đã trở về đất nước và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong bài tham luận của Nghị sĩ Quốc hội Thái-lan Xỉ-pha-nôm Vi-chít-vo-ra-xản tại Hội nghị quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội năm 1990, còn nêu sự kiện cụ Prạ-mạ-chê-đi trụ trì chùa Phô (đã mất) một ngôi chùa to đẹp nhất tỉnh Udon Thani mời ông Nguyễn tham gia chỉ đạo xây dựng chính điện ngôi chùa này. Một thời gian sau khi Việt Nam giành độc lập năm 1945, vị sư trụ trì mới nhận ra vị Chủ tịch nước Hồ Chí Minh là người đã từng tham gia gánh gạch xây dựng chùa năm xưa.
Cụ Con - nhân chứng hiếm hoi về thời kỳ Bác ở, giờ đã 90 tuổi, kể lại: Vị sư cụ quý mến đức độ và khâm phục Bác Hồ là một con người yêu nước vĩ đại. Khi được tin Bác Hồ mất, vị sư trụ trì đã cho phép bà con Việt kiều tổ chức lễ truy điệu Hồ Chủ tịch và cho 79 vị sư tụng kinh niệm Phật cầu siêu cho Bác Hồ ở trong chùa ba ngày đêm liền. Sau đó đã cho các chú tiểu trong chùa đem các vòng hoa viếng Bác, phơi khô, tán nhỏ, trộn cao sáp, đúc thành tượng Phật nhỏ bằng đầu ngón tay, làm lễ luyện phép để tặng các tín đồ đặc biệt đến thăm viếng chùa. Sư cụ giải thích: "Cụ Hồ là một vị thánh, cụ sẽ phù hộ cho bất cứ ai đeo Phật hoa Cụ Hồ".
Năm 2004, trên cơ sở lời kể của nhân chứng, chính quyền tỉnh Udon Thani, cùng bà con Việt kiều đã khôi phục Trại cưa Noỏng Ôn, nơi trước đây Bác Hồ đã từng sống và làm việc, trong khuôn viên gần một héc-ta do bà con Việt kiều góp tiền mua lại rồi hiến cho nhà nước và đóng góp một phần tài chính. Theo kế hoạch, tại đây chính quyền địa phương xây dựng một nhà tưởng niệm, hội trường để trưng bày các hiện vật, tư liệu sách báo liên quan cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, cũng như một số hiện vật liên quan đến văn hóa, đời sống của bà con Việt kiều tại Thái-lan.
Phó Giáo sư Xô-rắt Pít-chuôn-chom, Ðại học Udon Thani, người chịu trách nhiệm điều hành dự án, cho biết, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê của ông. Từ khi là sinh viên, qua các giờ học chuyên môn, Phó Giáo sư Xô-rắt có điều kiện tìm hiểu về Bác Hồ. Tham gia dự án này với tư cách là trưởng tiểu ban tìm hiểu tập hợp tư liệu, đặc biệt là sau chuyến về Nghệ An thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông hiểu thêm nhiều điều về Bác Hồ và càng kính phục Người không những là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn là Danh nhân Văn hóa thế giới, gắn bó với Thái-lan và được nhân dân Thái-lan rất kính trọng.
Ông còn cho biết, chính quyền xã Chiêng Phin sẽ đầu tư xây dựng một gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề, một bãi đỗ xe. Sở Du lịch Udon Thani còn lên kế hoạch đưa Khu di tích vào chương trình du lịch, cam kết cùng đầu tư giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình. Phó Giáo sư tin tưởng, công trình sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch theo chiến lược phát triển tam giác du lịch Việt Nam- Lào- Thái-lan.