Các Mác - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân loại cần lao

23:32, 02/05/2008

Cách đây tròn 190 năm, tại thành phố Trier, miền tây nước Ðức đã sinh ra một con người lỗi lạc: nhà khoa học, nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân loại cần lao. Người đó là Các Mác.

Xuất thân từ một gia đình trí thức trong xã hội tư sản, chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột, bất công mà chế độ tư bản đã tạo ra vì lợi ích, vì lợi nhuận của giai cấp tư sản, Các Mác thông qua con đường hoạt động khoa học, hoạt động thực tiễn, đã chuyển biến thế giới quan của mình từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, chuyển từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản - đứng hẳn vào vị trí tiên phong của những người đấu tranh cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân loại cần lao...

Ngay từ khi còn rất trẻ, trong luận văn tốt nghiệp trung học, Các Mác đã thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả: Lịch sử thừa nhận những vĩ nhân... là những người làm việc cho mục đích chung và do đó mà bản thân họ cũng trở nên cao thượng hơn. Kinh nghiệm cho thấy những người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là kẻ hạnh phúc nhất.

Với phương châm gắn hạnh phúc đời mình với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi áp bức, bất công, Các Mác đã trở thành người sáng lập nên một học thuyết vĩ đại: Học thuyết Mác. Dù cho đời sống chính trị - xã hội trên thế giới đã và đang trải qua những biến động phức tạp, song tư tưởng của Các Mác, học thuyết Mác vẫn còn mãi những giá trị và sức sống trường tồn với thời gian.

Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết Mác thể hiện trước hết ở sự kế thừa, có chọn lọc, bổ sung và phát triển những di sản tư tưởng, lý luận của nhân loại.

Triết học Mác là kết quả của sự kế thừa, bổ sung, và phát triển triết học cổ điển Ðức. Kinh tế - chính trị học Mác là kết quả của sự kế thừa, bổ sung và phát triển kinh tế - chính trị học cổ điển Anh. Chủ nghĩa xã hội khoa học của Mác là kết quả của sự kế thừa, bổ sung, phát triển những giá trị của chủ nghĩa xã hội không tưởng - phê phán Pháp.

Bản chất khoa học và cách mạng của học thuyết Mác còn thể hiện trong quan niệm của Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen rằng: Tư tưởng, lý luận là biểu hiện khái quát những quan hệ thực tại của cuộc đấu tranh giai cấp. Trong Tuyên ngôn của Ðảng Cộng sản, bản cương lĩnh đầu tiên của giai cấp công nhân và những người cộng sản thế giới, Các Mác và Ph.Ăng-ghen đã khẳng định: "Những quan điểm của những người cộng sản tuyệt nhiên không dựa vào những ý niệm, những nguyên lý do một nhà cải cách thế giới nào phát minh ra. Những nguyên lý ấy chỉ là biểu hiện khái quát của những quan hệ thực tại của cuộc đấu tranh giai cấp hiện có" (1).

Giá trị nhân đạo, nhân văn là giá trị song hành cùng với giá trị khoa học trong học thuyết Mác.

Với quan niệm duy vật lịch sử, Các Mác đã nghiên cứu, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa sản xuất kinh tế với cơ cấu xã hội, gắn cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân với đấu tranh giải phóng các dân tộc và giải phóng nhân loại khỏi mọi ách áp bức, bất công.

Ðấu tranh giai cấp trong học thuyết Mác không vì sự tồn tại của giai cấp mà là để: "Thay cho xã hội tư sản cũ với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người" (2).

Giai cấp công nhân và nhân loại cần lao trên thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục ghi nhận những cống hiến vô giá của Các Mác với tư cách là nhà tư tưởng lỗi lạc, vị lãnh tụ vĩ đại của chính mình.

Giá trị và sức sống trường tồn của học thuyết Mác được thể hiện trong hàng loạt nguyên lý, trong đó có nguyên lý về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, gắn với vai trò lãnh đạo cách mạng của Ðảng Cộng sản.

Bằng quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, khi phân tích xã hội tư sản và các giai cấp gắn với quá trình phát triển đại công nghiệp, Các Mác không phủ nhận vai trò của giai cấp tư sản một cách máy móc, duy ý chí. Ông đánh giá rất cao vị trí, vai trò của giai cấp tư sản với tư cách là một lực lượng tiên tiến, chống lại các thế lực lạc hậu của chế độ phong kiến. Giai cấp ấy, trong quá trình thống trị chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất ấy, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đồng thời cũng đã nảy sinh gay gắt: Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đồ sộ, xã hội hóa rộng lớn với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản. Ma lực của lợi nhuận khiến các nhà tư bản chạy đua "bóp nặn thị trường", bằng mọi cách bóc lột thậm tệ giai cấp công nhân, dẫn đến kết cục là: Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó. Ðó là giai cấp công nhân hiện đại.

Giai cấp công nhân là sản phẩm và là chủ thể của nền sản xuất đại công nghiệp, đã trở thành đại diện cho một lực lượng sản xuất, một phương thức sản xuất tiến bộ trong lịch sử. Giai cấp công nhân với tư cách là giai cấp thật sự cách mạng, có sứ mệnh lịch sử toàn thế giới là sẽ tổ chức, lãnh đạo xã hội thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản, tiến hành cách mạng nhằm thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi từng nước và trên toàn thế giới.

Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới ấy không phải là ý muốn chủ quan, một sự áp đặt khiên cưỡng, mà do những điều kiện khách quan quy định. Ðịa vị kinh tế - xã hội do nền công nghiệp tạo ra cùng với những đặc điểm vốn có (tính tổ chức, tính kỷ luật, tinh thần cách mạng triệt để, nguồn gốc xã hội được "tuyển mộ" trong tất cả các giai cấp dân cư), giai cấp công nhân vừa đại diện cho lợi ích của giai cấp mình, vừa đại diện cho lợi ích của nhân dân lao động và của dân tộc. Mặt khác, do tính chất của lao động công nghiệp, quá trình xã hội hóa, quốc tế hóa của sản xuất công nghiệp đã tạo nên bản chất quốc tế của giai cấp công nhân.

Sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là do những điều kiện khách quan quy định. Nhưng, để thực hiện và hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, đòi hỏi phải có những nhân tố, điều kiện chủ quan. Học thuyết Mác chỉ ra nhân tố chủ quan quyết định nhất đó là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản. Bởi vì, những người cộng sản là bộ phận tiên phong nhất, kiên quyết nhất, có tổ chức nhất của giai cấp công nhân.

Dưới sự lãnh đạo của các Ðảng Cộng sản, cuộc cách mạng của giai cấp công nhân chính là cuộc cách mạng giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại khỏi áp bức, bất công, tiến tới tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người.

KỶ niệm 190 năm Ngày sinh Các Mác, giai cấp công nhân, nhân dân lao động Việt Nam tiếp tục khẳng định giá trị, sức sống bền vững của những nguyên lý của chủ nghĩa Mác nói chung, về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân nói riêng. Mặt khác, càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc những quan điểm của Ðảng Cộng sản Việt Nam về giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện mới.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư (khóa X) gần đây đã nêu quan điểm mới của Ðảng Cộng sản Việt Nam về giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp.

Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng.

Quan điểm này đã thể hiện sự vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết Mác về giai cấp công nhân của Ðảng Cộng sản Việt Nam, cần được phổ biến, quán triệt, thực hiện trong toàn thể giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1- C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia. H.2002, tập 4. Tr 615.

2- C.Mác và Ph.Ăng-ghen - Toàn tập - Sđd. Tr 628.