Cần hết sức bình tĩnh, tôn trọng và lắng nghe trước một vấn đề rất hệ trọng mang tầm vóc lịch sử của đất nước

09:22, 19/05/2008

Địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội nên được điều chỉnh theo hướng nào? Đa số ĐBQH đều cho rằng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là điều bình thường. Tuy nhiên, phạm vi và quy mô điều chỉnh như thế nào, cách làm và lộ trình ra sao thì ý kiến của các ĐBQH tham dự phiên thảo luận về nội dung này diễn ra sáng hôm qua cũng còn nhiều ý kiến khác nhau.

Thời tiết miền Bắc mấy hôm nay trở lạnh. Tuy nhiên cái lạnh trái mùa do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc đó dường như không đủ để làm giảm độ nóng bên trong Hội trường Bộ Quốc Phòng, Hà Nội trước một vấn đề quốc gia đại sự là xem xét điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Hội trường Bộ Quốc phòng nóng lên từng phút. Càng về cuối các phát biểu của ĐBQH càng tập trung, ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề. Yêu cầu của chủ tọa điều hành phiên họp nêu ra đã được các ĐBQH thực thi nghiêm túc. Các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến vào 4 nội dung liên quan đến sự cần thiết phải mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; Phạm vi mở rộng như thế nào là hợp lý; Các điều kiện hay nhiệm vụ phải làm để thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và cuối cùng là cách thức tiến hành, gồm cả thời điểm QH tiến hành thông qua Nghị quyết và Nghị quyết có hiệu lực thi hành. Mặt khác, đây là vấn đề các ĐBQH cũng như nhân dân đang rất quan tâm nên đề nghị các ĐBQH phát biểu không quá thời gian quy định (7 phút), khuyến khích sự trao đi đổi lại giữa các ĐBQH và hoan nghênh các kiến nghị, giải pháp cho vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội- Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Trên cơ sở những yêu cầu đó cộng với cách điều hành tiết kiệm từng giây, từng phút và kiên quyết nhắc nhở hay dừng kịp thời các phát biểu vượt quá thời gian quy định của chủ tọa kỳ họp, tại phiên họp buổi sáng hôm qua, thảo luận về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh khác với nhiều cung bậc cảm xúc. Sảng khoái, buồn, thậm chí là một chút thất vọng. Nhưng, dẫu ở cung bậc nào thì điều quan trọng hơn cả là mọi người đều được tận hưởng khá trọn vẹn cảm xúc khi hầu hết các ĐBQH đều tỏ rõ thái độ đối với chủ trương mở rộng Thủ đô. Rất ít, nếu không muốn nói là không có thái độ trung dung đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Và, 31 trên tổng số 39 ĐBQH đăng ký phát biểu được trực tiếp nêu ý kiến trên hội trường đều bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Riêng về cách làm và lộ trình quyết định chủ trương trên thì ý kiến của các ĐBQH chia thành hai luồng rõ rệt.
Cho rằng cơ cấu đô thị ở Thủ đô đang bộc lộ nhiều bất hợp lý. Rồi các khu công nghiệp, đô thị mới của các tỉnh giáp ranh với Hà Nội cũng đang phát triển nhanh, nhưng thiếu quy hoạch, liên kết dẫn đến các cửa ngõ ra vào Thủ đô ngày càng bị khép chặt, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đồng thời dẫn ra những nội dung trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh Thủ đô..., nhiều ĐBQH khẳng định việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là cần thiết và là yêu cầu khách quan, đòi hỏi tất yếu trong quá trình CNH- HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thì đây là chủ trương đúng đắn có tầm nhìn xa... Địa giới hành chính mới của Thủ đô Hà Nội không chỉ phù hợp với tinh thần và nội dung của Nghị quyết 15 và Pháp lệnh Thủ đô mà ngoài những đòi hỏi tất yếu khách quan thì đây còn là thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh- ĐB Ngô Văn Hùng (Lào Cai) bổ sung- đó là xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hơn thế, theo ĐB Nguyễn Khắc Nghiên (Phú Thọ) thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô còn bảo đảm thực hiện tốt hơn một trong 2 nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta- xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tạo ra thế mới, lực mới, có thế của núi, của sông và có sức mạnh của nền kinh tế, sức mạnh của lòng dân...

Hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên điều khiến nhiều ĐBQH khác băn khoăn là lý lẽ nêu trong Tờ trình của Chính phủ chưa thuyết phục như sáp nhập huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc vào Hà Nội nhằm khắc phục độ lõm về địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc với đường địa giới hành chính của Hà Nội hoặc vùng rau xanh hiện nay chủ yếu phục vụ Thủ đô Hà Nội và các đô thị phụ cận... nên chuyển về cho chính quyền Hà Nội trực tiếp quản lý sẽ tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn cho người dân Thủ đô Hà Nội mới... Cho rằng đó là những lý lẽ đó chưa đủ cơ sở khoa học, ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) đề nghị Chính phủ nên chỉ đạo thực hiện tốt quy hoạch vùng vừa được phê duyệt và đến một thời gian nhất định (có thể là Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XII) sẽ tiến hành quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Theo ĐB Cảnh, thực tế đi nhanh chưa chắc đã đến đích sớm. Cũng với tâm tư như vậy, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) mong muốn QH với trách nhiệm cao nhất phải trao đổi thảo luận và thực hiện đúng ý Đảng, lòng dân. Để bảo đảm được điều này, ĐB Lợi cho rằng Tờ trình của Chính phủ cần phải làm sáng tỏ mối quan hệ giữa vấn đề mở địa giới hành chính, sau đó mới quy hoạch thì có hiệu quả hay quy hoạch rồi mới điều chỉnh địa giới thì có hiệu quả? Và, vì sao Thủ đô Hà Nội nằm trong phân bổ của tổng thể chung và phát triển kinh tế trọng điểm phía Bắc mà Hà Nội phải mở rộng để sản xuất từ cái đinh, cái bát, cái thìa, con gà đến mớ rau trong phát triển kinh tế và từ sơ cấp đến cao cấp trong giáo dục nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học? Tại sao Thủ đô không phải là loại hình đa chức năng với các lĩnh vực ở trình độ cao theo đúng nghĩa trung tâm chứ không phải là tầm trung?

Cũng tại phiên thảo luận về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, hơn một lần cụm từ Thủ đô là trái tim của cả nước được nhắc đến để nhằm bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, nhưng về cách làm và lộ trình mà Chính phủ đưa ra thì chưa đạt tới sự thống nhất. Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, vì vậy Đề án nên được đưa ra lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, thuê chuyên gia tư vấn thẩm định kỹ lưỡng, lập mô hình để thấy rõ tổng thể và liên hoàn của việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Để tập trung vào nhiệm vụ chống lạm phát, có đủ quỹ thời gian xây dựng Đề án, tránh xáo động thì Đề án nên được xem xét và thông qua vào thời gian thích hợp, không nên bàn và quyết định tại 1 Kỳ họp- Ý kiến của ĐB Đặng Như Lợi. Chia sẻ ý kiến rằng Đề án cần phải tham khảo ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong từng lĩnh vực, nhưng ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng nếu coi Hà Nội là trái tim của cả nước, nhất trí với chủ trương mở rộng Hà Nội thì càng thực hiện sớm chủ trương này càng tốt và càng thực hiện chậm càng khó khăn cho việc thực hiện quy hoạch của Hà Nội sau này. Hay như cách nói của ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) là càng để lâu thì càng khó lắp ghép Hà Nội với các địa phương khác, vì nhiều địa phương đã và đang tiến hành quy hoạch...

Phiên họp thảo luận về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội sáng hôm qua cũng là một trong những phiên họp ghi nhận sự kiên trì theo đuổi đến cùng những ý kiến đã từng chia sẻ với báo chí hay phát biểu tại tổ trước đó của một số ĐBQH. Đó là ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) với đề nghị hiểu Hà Nội là Thủ đô chứ không phải là một tỉnh Hà Nội, phải phân biệt khái niệm vùng Thủ đô và Thủ đô Hà Nội. Theo đó Hà Nội là Thủ đô mang tầm của trung tâm chính trị- hành chính và nếu có thể kèm theo nó một nhiệm vụ kinh tế thì đó phải là kinh tế đặc thù. Đó là ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) với QH có thể chia sẻ với Chính phủ về những ý tưởng mở rộng, nhưng đề nghị Chính phủ làm đúng điều đã đặt ra là xây dựng và trình QH một đề án thật tốt thì sẽ mở rộng. Coi mở rộng Thủ đô Hà Nội là công việc mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm sau của đất nước, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị Chính phủ cần làm rõ tại sao Hà Nội lại phải là Thủ đô đa chức năng mà không phải là Thủ đô đơn chức năng. Nhất trí rằng phải xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia..., nhưng có cần phải quy mô dân số đông từ 10- 12 triệu người (như Tờ trình của Chính phủ) hay không? Có cần nhiều trường đại học, bệnh viện, nhà máy, công ty, xí nghiệp như Đề án của Chính phủ đã trình QH hay không?... ĐB Ngô Văn Minh cũng chỉ ra khá nhiều điểm bất hợp lý của 9 tiêu chí cơ bản mở rộng Thủ đô Hà Nội nêu trong Đề án của Chính phủ. Cụ thể, Tờ trình cho rằng hiện nay quỹ đất của Thủ đô không đủ lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhưng, thiếu bao nhiêu và xây dựng công trình gì trên đất của những địa phương vừa sáp nhập thì lại chưa nêu rõ... Cho rằng “nhà chật” là do bày biện kém hay vụng múa thì lại chê đất lồi, ĐB Nguyễn Minh Thuyết thẳng thắn tại sao không sắp xếp lại để Hà Nội không chật, không thiếu đất...

Không chỉ là những ý kiến thẳng thắn, tỏ rõ thái độ, các phát biểu của ĐBQH tại Phiên họp thảo luận về mở rộng địa giới hành chính còn cho thấy có sự trao đi đổi lại. Nếu ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc QH chưa bàn, nhưng đã có chỉ đạo Hà Tây dừng nhiều công việc lại, rồi Hà Nội và Hà Tây đã liên kết để thành lập Sở này, Sở kia... là việc làm sai và cần phải rút kinh nghiệm. Thẳng thắn hơn ĐB Nguyễn Minh Thuyết còn chỉ rõ không phải vì cái sai đó mà bây giờ QH cứ phải đâm lao theo quyết định nhập Hà Tây với Hà Nội. QH cần cân nhắc hết sức thận trọng trước khi quyết định là đề nghị của nhiều ĐBQH. Tuy nhiên, một số ĐB khác lại cùng chung nhận định đây là thời điểm chín muồi để QH quyết định điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Đây là việc làm lợi cho không chỉ Hà Nội, Hà Tây hay Vĩnh Phúc, Hòa Bình mà là lợi cho cả nước.

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội là một việc rất lớn, rất hệ trọng. Đứng trước một vấn đề lớn và hệ trọng như vậy, thiết nghĩ có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Với tư duy như vậy ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) cho rằng: Cần hết sức bình tĩnh, tôn trọng và lắng nghe từng ý kiến của các ĐBQH. Và, dù là tán thành hay không tán thành với mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội thì đó đều là những mong muốn làm sao Thủ đô của Nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Dù ủng hộ hoàn toàn chủ trương và lộ trình thực hiện hay chỉ ủng hộ chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội thì điều quan trọng đó là các ĐBQH đã tỏ rõ thái độ, đã hun nóng Hội trường Bộ Quốc phòng khi thảo luận về một vấn đề mang tầm vóc lịch sử.

Mong rằng, phương pháp làm việc trên tiếp tục được các ĐBQH mang theo trong trường hợp QH xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số địa phương khác. Biểu quyết với cái tâm trong sáng và trên hết, đó là phải là đại diện cho những tiếng lòng của đông đảo cử tri và nhân dân.