ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên): Tăng cường đầu tư hơn nữa cho y tế miền núi

09:29, 21/05/2008

Ngày 20-5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường. Tham gia phát biểu thảo luận về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Nguyên đã nêu 3 vấn đề: Chi ngân sách Nhà nước dành cho công tác y tế, về đội ngũ thầy thuốc và vấn đề y tế miền núi.

Phân tích các số liệu cho thấy, tỷ lệ chi ngân sách của Nhà nước dành cho y tế còn thấp, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần có một nghị quyết của QH về tiếp tục thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, trong đó có ghi rõ là cùng với việc huy động các nguồn lực của xã hội, thì từ năm 2009 trở đi nên ghi bố trí ngân sách cho y tế phải đảm bảo khoảng 10% và có thể tăng vào những năm sau, đặc biệt là đối với miền núi, vùng cao.

Về vấn đề đội ngũ thầy thuốc, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: Còn một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Để khắc phục tình trạng này đề nghị cần phải kết hợp nhiều giải pháp, nhưng có một giải pháp hết sức cơ bản đó là phải nâng được thu nhập chân chính cho những người làm trong ngành này. Thực tế hiện nay, nhiều địa phương đang rất thiếu cán bộ y tế, nhất là bác sỹ giỏi.

Điều đáng quan tâm là số lượng bác sỹ làm việc ở cấp xã ngày càng giảm. Theo Báo cáo của Chính phủ thì cả nước có chưa đến 70% số xã có bác sỹ. Với Thái Nguyên, có thời điểm 100% xã, phường, thị trấn có bác sỹ, nhưng số bác sỹ này cứ vơi dần đi vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân do chế độ, chính sách.

Từ tình hình như vậy, ĐBQH Đỗ Mạnh Hùng đề nghị cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi đối với đội ngũ cán bộ y tế giống như với giáo viên. Đồng thời, quan tâm đến cán bộ y tế ở cơ sở, cán bộ xã để các cán bộ có trình độ bác sỹ có thể yên tâm gắn bó tại xã; tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học đối với các trường y, dược...

Nếu nói về thực hiện xã hội hóa y tế thì miền núi là một trong những khu vực khó khăn nhất vì kinh tế- xã hội chậm phát triển và thu nhập của người dân rất thấp. Các nhà đầu tư cũng chưa muốn đầu tư vào y tế miền núi vì sợ lỗ. Không chỉ ở khía cạnh xã hội hóa, nhìn chung việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở khu vực miền núi còn rất khó khăn, thiếu thốn. Đề nghị, cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho y tế miền núi kể cả về cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật. Chính phủ cùng với Bộ Y tế cần có giải pháp cụ thể để xây dựng y tế vùng, trong đó đầu tư xây dựng Thái Nguyên trở thành một trung tâm y tế vùng theo tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH các tỉnh vùng Đông Bắc...