Hôm nay 15-5, lần đầu, vấn đề chất độc da cam được đưa ra điều trần tại Tiểu ban châu Á-Thái Bình Dương và môi trường toàn cầu của Hạ viện thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Nghị sĩ Eni Faleomavaega (cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam) là đại diện của đảo Samoa đã đưa vấn đề này ra điều trần dưới chủ đề "Trách nhiệm bị lãng quên. Chúng ta (Mỹ) có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam?".
Di hại củachất độc da cam truyền từ đời này sang đời khác,thiên nhiên và môi trường còn tiếp tục bị hủy hoại. Trong mười năm, quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó, chủ yếu là chất da cam có chứa 366 kg dioxin trên diện tích hơn 2,63 triệu ha, với 25.585 thôn bản, làm hơn ba triệu người Việt Nam trở thành nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Các nhà khoa học Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đã khẳng định và chứng minh rằng: dioxin là một chất rất độc, độc nhất trong số những chất độc mà con người đã tổng hợp được từ trước đến nay. Viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ cũng đã công bố nhiều loại bệnh có trong cơ thể cựu chiến binh Mỹ do chất độc da cam/dioxin gây ra, và danh mục bệnh tật này đã được bổ sung, còn kéo dài.
Không những cựu chiến binh Mỹ, mà cựu chiến binh các nước từng tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam như Hàn Quốc, Australia, New Zealand... cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Họ cũng đã lên tiếng đòi Chính phủ nước họ và Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại do chất độc da cam gây ra cho cơ thể và sức khỏe của họ. Rõ ràng, vấn đề chất độc da cam/dioxin do Mỹ gây ra không phải chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà đó chính là vấn đề của nước Mỹ và các quốc gia từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do cuộc chiến tranh hóa học man rợ của Mỹ gây ra, với hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là những người có cuộc sống vất vả nhất, khó khăn nhất, nghèo khổ nhất. Ðau khổ, đói nghèo và bệnh tật luôn luôn giày vò cuộc sống của họ. Nhiều nạn nhân đã chết mà chưa kịp nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào. Chính vì thế, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã cùng các nạn nhân khởi kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất diệt cỏ (chứa chất da cam/dioxin) cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với những phán quyết sai lầm tại Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm ở New York bác đơn kiện của VAVA và các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, quyền sống và công lý cho các nạn nhân da cam đã không được tôn trọng!
Bằng nghĩa tình và trách nhiệm, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành tình cảm, sự giúp đỡ vật chất to lớn cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, góp phần làm cho cuộc sống của các nạn nhân và gia đình họ vơi bớt khó khăn, vất vả và nghèo khó. Gần 200 nghìn bộ đội, TNXP và con đẻ của họ được Nhà nước nuôi dưỡng với tư thế là người có công; Nhà nước cũng có chính sách, chế độ trợ cấp cho các nạn nhân chất độc da cam. Hội VAVA, dưới sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội cũng đã trợ giúp thiết thực hàng chục tỷ đồng cho các nạn nhân, góp phần cải thiện cuộc sống của họ và gia đình. Ðặc biệt, sau mười năm ra đời và hoạt động, Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam (thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) đã được hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp, và cá nhân ở trong nước và ngoài nước đóng góp hơn 500 tỷ đồng, đã giúp đỡ cho hơn 667 nghìn nạn nhân, từ trợ giúp cải thiện cuộc sống đến vay vốn phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xây dựng nhà ở; khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, cung cấp xe lăn, xe lắc; hỗ trợ học phí, mua sách vở cho các nạn nhân và con em của họ.
Nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, nhiều nạn nhân và gia đình đã vượt qua khó khăn, tạo được việc làm và thu nhập, tự ổn định cuộc sống của mình. Những cố gắng kể trên của Nhà nước và xã hội trong việc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam là rất lớn, nhưng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, vì số lượng nạn nhân rất lớn, nhu cầu của cuộc sống mỗi ngày lại không ngừng tăng.
Gần đây, quan hệ Việt Nam và Mỹ trong vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam đã có những bước đi theo hướng tích cực (dù nhỏ và chậm) nhưng cũng cần được ghi nhận. Chúng ta yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ hợp tác chân thành và đầy đủ, cùng Việt Nam tiến hành đồng thời ba vấn đề:
1- Hỗ trợ nhân đạo cải thiện cuộc sống cho các nạn nhân chất độc da cam.
2- Thực hiện việc tẩy độc ở một số vùng nồng độ dioxin còn cao.
3- Hợp tác nghiên cứu khoa học về tác hại của chất độc da cam/dioxin.
Ngày 15-5, lần đầu, Hạ viện Mỹ tiến hành cuộc điều trần về chất da cam dưới chủ đề "Trách nhiệm bị lãng quên. Chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam?". Cuộc điều trần cần hướng tới một sự thật khách quan: Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam đã để lại những hậu quả nặng nề lên con người, môi trường và cuộc sống ở Việt Nam. Ðây là cơ hội để nước Mỹ thể hiện trách nhiệm nhân đạo của mình, cùng Việt Nam khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam.