Trong những bài viết về học thuyết của K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin trên các phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới, những người có trình độ, lương tri và trung thực thì đánh giá học thuyết đó một cách khách quan, mặt được, mặt cần phát triển trong thời đại mới.
Những luận điệu phê phán học thuyết của các ông thể hiện trên các khía cạnh: rằng, chỉ có thể tạm gọi học thuyết Marx là khoa học, còn Lenin ghi dấu ấn "riêng Nga", mang yếu tố thời sự, chính trị hơn là khoa học; rằng, học thuyết của các ông mang yếu tố bạo lực hơn là yếu tố xây dựng một xã hội mới, cho nên, nếu cứ vận dụng mãi học thuyết này, thì thế giới sẽ không tiến lên được (!) Cũng tại phương Tây, người ta vẫn tiếp tục tuyên truyền cho thuyết "giải thể hệ tư tưởng" mà một trong những tác giả của nó là nhà xã hội học Mỹ Belle. Ðây là một quan điểm của những nhà tư bản thống trị được tích cực sử dụng để chống lại hệ tư tưởng hòng phá vỡ cơ sở tư tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Những người theo thuyết này viện cớ trong lịch sử thế giới không hề có một hệ tư tưởng nào gọi là khoa học, cho nên cần phải giải thể hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Nguyên nhân gây nên sự đánh giá sai lệch, thiếu khách quan học thuyết của K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin là do những quan điểm chống đối của các thế lực thù địch với chủ nghĩa Marx - Lenin; nguyên nhân của sự bất mãn; nguyên nhân của việc nghiên cứu lý luận Marx - Lenin chưa đến nơi đến chốn; phương pháp nghiên cứu một chiều, coi học thuyết của các ông như "thánh sống", bất di bất dịch; nguyên nhân của sự chưa nhuần nhuyễn phương pháp quan điểm lịch sử, logic, cụ thể, toàn diện, khách quan và đặc biệt là quan điểm phát triển. Thật ra, sinh thời, K.Marx, F.Engels và cả V.I.Lenin sau đó cũng nhắc lại là học thuyết của các ông không phải là học thuyết giáo điều, khô cứng, đứng yên tại chỗ, mà là kim chỉ nam cho hành động.
Nhìn lại lịch sử phát triển học thuyết Marx - Lenin, chúng ta thấy rằng, không phải hiện nay, các thế lực thù địch mới ra sức chống phá, mà ngay khi còn đang trong quá trình hình thành cũng đã có nhiều kẻ xông vào "ăn thịt" học thuyết của các ông. Họ cố hạ lá cờ chủ nghĩa xã hội khoa học xuống và muốn trương lá cờ chủ nghĩa xã hội dân chủ lên.
Sự thật, đây là cuộc đấu tranh lý luận gay go, phức tạp, nhưng cuối cùng, học huyết Marx - Lenin vẫn được khẳng định trong thời đại ngày nay, bởi vì học thuyết đó là khoa học chính trị, nhằm giải quyết vấn đề giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; giải quyết vấn đề độc lập dân tộc để xây dựng xã hội mới, nhà nước kiểu mới của những người lao động; nó xác định quyền lãnh đạo xã hội thuộc về những người lao động, quyền làm chủ thuộc về nhân dân, chứ không phải thuộc về một nhóm người tư sản; thực hiện nền dân chủ rộng rãi trong một xã hội văn minh, văn hóa, đạo đức, pháp lý; xóa bỏ mọi áp bức, bất công, đói nghèo, lạc hậu, xây dựng một xã hội giàu có, ấm no, tự do, hạnh phúc, tất cả đều sống trong bầu không khí hòa bình và ổn định.
Từ trước tới nay đã có rất nhiều người viết và nói về những điểm cơ bản trong học thuyết của K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin. Có người cho rằng, vấn đề cơ bản trong học thuyết của V.I.Lenin (trước đó là K.Marx, F.Engels) là học thuyết về chuyên chính vô sản, về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Nhiều người cho rằng, học thuyết của K.Marx, F.Engels là học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đại công nghiệp, học thuyết về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội khoa học. Học thuyết của V.I.Lenin là học thuyết nhằm giải quyết vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.
Có điểm chung nhất trong học thuyết của các ông chính là giải quyết vấn đề thay đổi chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Về vấn đề này, xét về tư duy khoa học là hoàn toàn đúng, vì nó phản ánh sự phát triển của xã hội loài người.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu trong các năm 1990, 1991 là một tổn thất to lớn của chủ nghĩa xã hội. Nhiều người lúng túng về hướng đi mới. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải bằng vũ khí lý luận sắc bén để phát triển học thuyết của K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin trong thời đại mới. Chúng ta khẳng định những ý nghĩa lịch sử bền vững và giá trị trường tồn trong học thuyết của các ông, nhưng phải vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết đó vào việc định đường lối, chính sách. Bởi vì, một lẽ đương nhiên là các ông sống vào thế kỷ XIX và những thập kỷ đầu thế kỷ XX, còn chúng ta đang sống ở thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Muốn vậy, trong nghiên cứu lý luận phải có sự phát triển. Nhưng nếu chúng ta vứt bỏ những nguyên lý gốc, thì có khác gì kéo sập tòa nhà cũ xuống để thay tòa nhà mới khác, mà phải làm thế nào đó để cho tòa nhà cũ còn nền móng vững chắc, "nâng cấp" cho nó đẹp lên, vững chãi hơn. Trên tinh thần đó, chúng ta tìm cái tinh túy, trung thành với những nguyên lý cơ bản trong học thuyết của K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin để phát triển nhân lên trong tình hình mới, hoàn cảnh mới.
Chủ nghĩa xã hội khoa học đang được phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc, đang là mục tiêu phấn đấu của các nước ở Trung Mỹ, Nam Mỹ. Những nước này đã bắt đầu nhìn ra cái "độc tài mới của chủ nghĩa tư bản đế quốc mới" như một chính khách Nam Mỹ đã nói. Dù sao, chủ nghĩa tư bản (đế quốc) mới còn rất mạnh, mặc dù nó đã bị những vết thương đau ở Iraq,... Sức mạnh của họ về kinh tế và quân sự không thể xem thường. Ai đó cho rằng, nó sẽ sụp đổ trong ngày một, ngày hai lại là không tưởng.
Những vấn đề lý luận - thực tiễn mà K.Marx, F.Engels, V.I.Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta vẫn là kim chỉ nam cho việc vạch đường lối. Củng cố và phát triển hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học trong hoàn cảnh mới, điều kiện mới là nhiệm vụ của những nhà hoạch định chính sách và những nhà nghiên cứu lý luận.
Chúng ta tin tưởng rằng, học thuyết Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ ngày càng được khẳng định trong trái tim nhân loại khi chúng ta biết phát triển nó, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội phát triển tới trình độ dân chủ cao, văn minh, văn hóa.