Quốc hội thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong hai dự án luật

09:54, 13/05/2008

Ngày 13-5, kỳ họp thứ ba, QH khóa XII vào ngày làm việc thứ bảy. Tại hội trường, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu QH đã nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo: Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; Luật Năng lượng nguyên tử. Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; các tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.

Về dự án Luật Hoạt động Chữ thập đỏ và Luật Năng lượng nguyên tử

Mở đầu phiên họp, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ, nêu rõ các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ thực hiện hoặc phối hợp với tổ chức; công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực cho hoạt động Chữ thập đỏ... Báo cáo giải trình cũng nêu rõ việc xây dựng Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ, quy định các nguồn tiền của quỹ (có quỹ cứu trợ khẩn cấp và các quỹ thành phần); các hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động nhân đạo Chữ thập đỏ được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Biểu tượng Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, pha lê đỏ sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ.

Hầu hết các đại biểu đều tán thành những vấn đề Báo cáo giải trình đã tiếp thu, chỉnh lý, nhất là các hoạt động Chữ thập đỏ được quy định ở Ðiều 2, các nguyên tắc hoạt động (Ðiều 3); việc tiếp nhận và phân phối tiền và hàng cứu trợ đến tay người bị nạn; việc quyên góp xây dựng Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ, tham gia cứu trợ quốc tế và xây dựng tổ chức, bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ cho hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Tiếp đó, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, nêu rõ phạm vi điều chỉnh của luật này là "quy định về các hoạt động trong lĩnh vực nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó".

Về chính sách và nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy những quy định của dự thảo luật đã khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, tổ chức quốc tế đầu tư vào hoạt động năng lượng nguyên tử là nhằm phát triển, ứng dụng bức xạ, chủ yếu là trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp và bảo vệ môi trường, tham gia đầu tư phát triển điện hạt nhân. Báo cáo giải trình cũng nêu rõ, hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử có tầm quan trọng và có tính nhạy cảm cao, cần phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm cho các cơ quan Nhà nước, nhưng phải bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong từng thời kỳ.

Dự thảo luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; về Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia. Ðặc biệt, dự thảo luật quy định rõ 13 hành vi bị nghiêm cấm (Ðiều 11) trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm bảo đảm sử dụng năng lượng nguyên tử đúng mục đích và tuyệt đối an toàn.

Báo cáo giải trình cũng nêu rõ các biện pháp đẩy mạnh phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử từ khâu lập, phê duyệt quy hoạch đến đầu tư, ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử trong các ngành và lĩnh vực.

Sau giải trình, các đại biểu QH tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Năng lượng nguyên tử, nhất trí cao về việc sử dụng năng lượng nguyên tử vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ CNH, HÐH; đồng thời nêu rõ các cơ chế, giải pháp để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử.

Về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội

Buổi chiều, QH làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu. Các đại biểu QH nghe đọc Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Sau đó, QH nghe trình bày các Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; nghe trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề trên và nghe Báo cáo quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội.

Về việc mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, sau khi nêu lên sự cần thiết mở rộng, các mục tiêu phát triển không gian chủ yếu của TP Hà Nội mở rộng, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Phương án mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội do các cơ quan chuyên môn nghiên cứu nhiều năm đề xuất.

Chính phủ trình Quốc hội phương án đã được lựa chọn như sau: Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây với TP Hà Nội (sau khi điều chỉnh xã Tân Ðức thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý); điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc vào TP Hà Nội; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của bốn xã: Ðông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào TP Hà Nội quản lý. Theo báo cáo số liệu mới nhất về diện tích tự nhiên và dân số của TP Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thì: Thành phố Hà Nội mới có 334.470,02 ha diện tích tự nhiên và 6.232.940 nhân khẩu.

Bên cạnh nhiều thuận lợi khi mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, Tờ trình cũng đề cập những khó khăn, hạn chế. Ðó là, khi thảo luận đề án mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, nảy sinh những khó khăn nhất định về tình cảm, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân của tỉnh Hà Tây.

Sự quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị của TP Hà Nội hiện nay đang có những bất cập, nay nếu mở rộng thêm 3,6 lần diện tích tự nhiên thì khó khăn hơn trong công tác quản lý. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh Hà Tây, nay hợp nhất với TP Hà Nội thì sẽ phải tổng kiểm tra, điều chỉnh lại cho phù hợp với các nội dung quy hoạch Thủ đô mới gây tốn kém, lãng phí. Hà Nội trước đây không có công tác dân tộc nay lại phải quan tâm, đầu tư cho công tác này, vì có nhiều dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình thuộc Thủ đô Hà Nội mới.

Về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của QH cho biết: Một số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phương án cụ thể mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội và cho rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển của mỗi quốc gia thì việc chia, tách hay điều chỉnh địa giới hành chính, kể cả của thủ đô không phải là một vấn đề bất bình thường.

Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật và các đại biểu tham dự cuộc họp của Ủy ban, tuy tán thành với chủ trương xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội nhưng cho rằng, việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo hướng hợp nhất tỉnh Hà Tây và một số địa phương khác vào TP Hà Nội là một vấn đề lớn, quan trọng mang tính lịch sử và rất phức tạp, nhạy cảm. Trong khi đó, việc thuyết minh của Tờ trình chưa thuyết phục. Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô thì dân số tăng gấp hai lần, diện tích tăng gấp 3,6 lần so với dân số, diện tích của TP Hà Nội hiện nay và phạm vi quản lý rộng hơn, địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhiều hơn, khối lượng, quy mô công việc quản lý, điều hành lớn hơn và phức tạp hơn. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ, công chức của Hà Nội sẽ được hợp nhất từ các địa phương khác nhau, chắc chắn sẽ đông hơn, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý không đồng đều. Ðây là vấn đề không đơn giản nhưng cũng chưa được làm rõ...

Các đại biểu QH đã nghe Tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Ðồng Nai. Theo đó, xã Tân Ðức thuộc huyện Ba Vì (Hà Tây)chuyển về thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quản lý. Toàn bộ ấp C10 thuộc xã Ðăng Hà, huyện Bù Ðăng, tỉnh Bình Phước chuyển về xã Ðắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Ðồng Nai quản lý.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, Tờ trình của Chính phủ cho biết, dự án Luật được kết cấu bốn điều: Ðiều 1 quy định về các điều, khoản sửa đổi, bổ sung; Ðiều 2 quy định về thay đổi tên gọi của của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản; Ðiều 3 quy định hiệu lực thi hành của Luật và Ðiều 4 quy định về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Trong đó, Ðiều 1 sửa đổi, bổ sung ba điều (Ðiều 38, 39, 43) của Luật Xuất bản. Cụ thể như sau: sửa đổi, bổ sung điều 38 về cấp giấy phép hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm; hủy bỏ quy định tại khoản 1, Ðiều 39 Luật Xuất bản về nhập khẩu xuất bản phẩm thực hiện thông qua cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm; sửa đổi, bổ sung Ðiều 43 về hoạt động phát hành xuất bản phẩm của tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài...