Ngày 23-5-2008, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật cán bộ công chức. ĐBQH Lê Thị Nga, Đoàn Thái Nguyên, đã tham gia thảo luận về mô hình cơ quan thi hành án dân sự.
ĐBQH Lê Thị Nga cũng đã phân tích cho thấy mô hình quản lý của cơ quan thi hành án dân sự hiện nay có 3 điểm bất hợp lý:
Thứ nhất là tạo sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn, có chức năng tham mưu về vấn đề tư pháp cho UBND tỉnh, nhưng theo Nghị định 50/2005/NĐ-CP của Chính phủ, thì Sở Tư pháp lại trở thành cơ quan chỉ đạo và quản lý công tác thi hành án. Trong khi đó, hoạt động thi hành án là hoạt động mang tính chất độc lập của hoạt động tư pháp và chịu sự chỉ đạo chuyên môn trực tiếp của Cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Thứ hai, với sự uỷ quyền tương đối toàn diện của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về mặt tổ chức, Sở Tư pháp lúc này gần như trở thành cơ quan quản lý về mặt tổ chức đối với thi hành án tỉnh. Thứ ba là mô hình tổ chức hiện nay đã làm cho cơ quan thi hành án tỉnh trở thành một cơ quan có địa vị pháp lý lơ lửng, thiếu rõ ràng và vị thế của nó không tương xứng nên trong thực tế rất khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh.
ĐBQH Lê Thị Nga đề nghị mô hình tổ chức mới của cơ quan thi hành án phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với bản chất và đặc điểm của hoạt động thi hành án. Theo các quy định của pháp luật hiện nay thì đặc điểm chủ yếu của thi hành án là hoạt động hành chính tư pháp, đây chính là đặc điểm cơ bản có ý nghĩa quyết định để xác định một mô hình tổ chức phù hợp. Với tính chất hành chính, chúng ta phải xác định hoạt động của thi hành án thuộc trách nhiệm của hệ thống hành pháp; trách nhiệm tổ chức, quản lý, chỉ đạo thi hành án phải thuộc về Chính phủ và UBND các cấp. Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa thành lập được cảnh sát tư pháp thì việc tổ chức thi hành án, nhất là việc tổ chức cưỡng chế, phải huy động được sức mạnh tổng hợp cùng các điều kiện về cơ sở vật chất của bộ máy hành pháp. Với hoạt động mang tính chất tư pháp thì cơ quan thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án và chấp hành viên phải có tính độc lập, hoạt động theo luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Để phù hợp với bản chất hành chính tư pháp đó, đại biểu Lê Thị Nga đã đưa ra mô hình cụ thể như sau: Ở Trung ương, trách nhiệm tổ chức và quản lý thi hành án thuộc Chính phủ, người đứng đầu là Thủ tướng. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ tổ chức và quản lý về thi hành án, trong Bộ Tư pháp cần có bộ phận giúp Bộ trưởng thực hiện việc này (có thể là Tổng cục thi hành án để nâng cao vị thế và tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan này).
Ở cấp tỉnh, tổ chức và chỉ đạo thi hành án ở địa phương là trách nhiệm của UBND tỉnh, cơ quan thi hành án tương đương với cấp Sở, có thể gọi là Cục. Đây vừa là đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức và chỉ đạo công tác thi hành án, vừa thực hiện một số nhiệm vụ theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, vừa là cơ quan thi hành án cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Tổng cục thi hành án. Nên bỏ đầu mối quản lý thi hành án qua Sở Tư pháp. Ở cấp huyện, tổ chức và chỉ đạo, quản lý công tác thi hành án thuộc trách nhiệm của UBND huyện, cơ quan thi hành án cấp huyện vừa là cơ quan giúp UBND huyện trong tổ chức và chỉ đạo thi hành án, vừa là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thi hành án và bỏ đầu mối quản lý thi hành án huyện qua phòng tư pháp.
Mô hình nêu trên giống như Tổng cục Thuế. Đây là mô hình đã có nhiều ý kiến đề nghị khi xây dựng Pháp lệnh thi hành án năm 2004.