Tôi rất bàng hoàng khi nghe tin anh Sáu Dân, tức đồng chí Võ Văn Kiệt, mất vì lâm bệnh nặng. Lâu nay, mọi người vẫn nghĩ Anh tuy lớn tuổi nhưng khỏe nhất trong những người lớn tuổi. Lần gặp anh Sáu mới đây, tôi còn nói anh Sáu chắc phải sống trăm tuổi vì ở tuổi như Anh mà vẫn đi rất vững, giọng nói còn sang sảng, đầu óc còn minh mẫn...
Thế là Anh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày 11-6-2008, thọ 86 tuổi. Tuy là người đã quen biết Anh đã lâu, trên 60 năm, tôi vẫn không thể viết và đánh giá hết tài năng và đức độ của Anh. Ðã có nhiều bài báo và sách in nói kỹ về các điểm này. Tôi chỉ xin ghi ở đây những điều tôi hiểu biết về anh chắc là rất sơ lược, thay nén hương vĩnh biệt Anh.
Anh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 15 tuổi, đi ở đợ, sớm được giác ngộ cách mạng, anh có dịp quan hệ rộng rãi, hoạt động theo yêu cầu của tổ chức như giao liên, chuyển tài liệu mật. Anh được ông Hà Văn Út, bà Nguyễn Thị Hồng và ông Lê Quang Phòng, Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm giới thiệu, đồng chí Tạ Uyên đứng ra kết nạp anh vào Ðảng. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm, Anh được tổ chức chuyển sang tỉnh Rạch Giá hoạt động. Anh tích cực góp phần xây dựng cơ sở đảng, lập Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá và cướp chính quyền thắng lợi ở tỉnh Rạch Giá trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tôi biết anh Sáu Dân từ năm 1947 khi Anh là Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay), còn tôi là Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Tây Nam Bộ, phụ trách Trường Ðảng. Gặp nhau trong những cuộc hội nghị, tôi thấy anh Sáu rất trẻ và hăng hái. Tôi rất quý mến ảnh.
Ít lâu sau, tôi được điều đi theo đồng chí Phạm Hùng lên miền Ðông công tác, anh Sáu Dân được cấp trên quyết định đưa ra Trung ương học tập. Tôi nhớ mãi đến năm 1953 tôi mới gặp lại anh Sáu Dân, khi anh làm Trưởng đoàn cán bộ miền nam ra bắc học tập trở về đến chỗ anh Phạm Hùng để báo cáo tình hình ngoài Trung ương với anh Phạm Hùng. Tôi cũng được cùng nghe. Anh Sáu nói về chuyện An toàn khu, chuyện miền bắc, đặc biệt anh cảm động và sung sướng được gặp Bác Hồ tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ II (1951), về sự thương yêu lo lắng của Bác Hồ đối với miền nam...
Rồi theo sự phân công của Ðảng, anh Sáu về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ðây là tỉnh lớn, là tỉnh căn cứ do anh Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Cục làm Bí thư. Từ đó tôi không gặp anh, cho đến khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954. Anh Phạm Hùng về làm Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến ở Nam Bộ đóng tại Phụng Hiệp. Tôi cũng ở đó để giúp việc cho anh Phạm Hùng. Lúc này, trách nhiệm công việc của chúng tôi khác nhau. Bên Liên hiệp đình chiến thì lo chuyển quân tập kết, chuẩn bị cơ sở cho các đồng chí ở lại miền nam công tác.
Anh Sáu thuộc diện được ở lại miền nam chiến đấu cho nên phải giữ bí mật không được gặp nhau. Tôi tập kết ra miền bắc, tới khi trở về năm 1964, tôi mới gặp lại Anh tại nơi ở của anh Mười Cúc, tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục miền nam. Anh Sáu lúc đó là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa III, được phân công phụ trách Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (T4) với vai trò là Bí thư Khu ủy. Công việc, hoạt động của anh Sáu rất vất vả, phải phụ trách một địa bàn trọng yếu của miền nam lúc bấy giờ, phải ở ngoài căn cứ Hố Bò (Củ Chi) để chỉ đạo vào bên trong nội thành. Khi anh Phạm Hùng trở về nam năm 1967 đã phân công anh Sáu về Khu Tây Nam Bộ (T3), là chiến trường đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi về T3, anh và đồng chí Lê Ðức Anh, đã góp nhiều công sức làm cho phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh mẽ. Tôi còn nhớ trên đường về căn cứ Khu ủy, Anh đi một vòng các tỉnh thuộc khu nắm sát tình hình rồi mới về Khu triển khai hội nghị. Nhiều việc anh Sáu nắm được mà Khu ủy chưa biết vì còn chờ báo cáo từ chiến trường các tỉnh lên. Từ đó, Anh có những chỉ đạo sáng suốt làm phong trào cách mạng ở miền Tây Nam Bộ lên thấy rõ.
Sau Hiệp định Paris năm 1973, yêu cầu bức xúc đặt ra là cầm chắc vũ khí tấn công, nếu không thì sẽ tổn thất lớn, mất cán bộ, mất dân, mất đất. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, đồng chí Lê Ðức Anh cùng tập thể Khu ủy Tây Nam Bộ đã tổ chức chiến đấu phản công địch đánh tan 75 tiểu đoàn ngụy ở Chương Thiện góp phần tạo cơ sở thực tiễn để Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị xác định tiếp tục con đường tiến lên của cách mạng miền nam sau Hiệp định Paris 1973.
Những ai từng chiến đấu, làm việc bên anh Sáu đều thường có chung nhận xét. Anh là người năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm như một bản năng vốn có,. Anh gần gũi sâu sát với dân, với cán bộ, với đồng đội, đoàn kết, chân tình, lại là người nhạy cảm, phong phú về thực tiễn. Cả cuộc đời gắn bó với dân, tin yêu dân. Tên Bí danh Sáu Dân và tên người con gái yêu quý của anh - Võ Hiếu Dân - cũng nhằm để anh nhớ mãi lòng dân, nhớ mãi công ơn sâu nặng của dân.
Anh đã đóng góp nhiều về chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và những giải pháp tổ chức thực tiễn thắng lợi. Anh Sáu Dân là người thông minh. Anh có tinh thần cầu tiến, tự học, biết lắng nghe, dựa vào những người có trình độ học vấn cao, theo dõi các ý kiến để tập hợp ý kiến.
Nhớ có lần tôi về làm việc giúp anh Nguyễn Văn Linh, thì anh Sáu Dân mới nói với tôi: "Mình còn có khả năng, có sức hoạt động dữ lắm nhưng trình độ mình hạn chế. Ông ở ngoài bắc, đi học Liên Xô rồi gặp nhiều anh em, ông xem có anh em nào giới thiệu cho tôi xin về làm thư ký cho tôi, để giúp cho tôi những mặt còn yếu". Và anh Sáu cũng thường có những ý kiến mạnh bạo nhưng khi được anh em giải thích, cung cấp đầy đủ thông tin, anh Sáu cũng rất chịu khó lắng nghe và điều chỉnh ý kiến của mình.
Mỗi khi anh Sáu được phân công giữ cương vị mới nhiều anh em cũng lo. Nhưng rõ ràng anh biết làm việc, biết dùng người, biết sử dụng nhân tài nên anh Sáu đã làm tốt nhiệm vụ. Rồi chức vụ càng nâng lên thì anh Sáu lại biết sử dụng những người giúp việc có trình độ cao, vừa học anh em, tổng hợp ý kiến, phát huy sức làm việc của anh em. Có nhiều công trình mang dấu ấn của anh Sáu như Thủy điện Trị An, công trình thoát lũ, sống chung với lũ ở đồng bằng sông Cửu Long, ngọt hóa một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, giải quyết vấn đề giao thông đồng bằng sông Cửu Long, đường dây 500 KV,...
Ngày 25-7-1996 trong chuyến thăm và làm việc với các tỉnh biên giới Tây-Nam, anh lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị cho lập kế hoạch cải tạo, mở rộng kênh Vĩnh Tế, xây dựng hệ thống công trình kiểm soát lũ tràn và sử dụng nước lũ vào việc cải tạo vùng đất bắc Hà Tiên. Khi thực hiện xong, qua mùa lũ lịch sử năm 2000, công trình kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên đã đứng vững. Cả một vùng đất phẳng rộng lớn của Tứ giác Hà Tiên trước đây chỉ có cây tràm gió hoặc hoang hóa nay chuyển sang trồng cây lương thực. Cả đời Anh luôn lo lắng trăn trở lo cho đời sống nhân dân, lo cho vấn đề lương thực của thành phố Hồ Chí Minh, cho cả nước.
Anh Sáu là một trong những người đi sâu vào thực tiễn, tìm tòi thí điểm nhằm tháo gỡ những lực cản của cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, có công phát động phong trào đổi mới ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh Sáu tổ chức thí điểm cho những công ty, nhà máy làm ăn theo cơ chế mới. Khi thí điểm thành công rồi, những thí điểm này đã trở thành tiền đề gợi hướng cho mô hình đổi mới trên cả nước sau này.
Anh Sáu Dân đã đột ngột ra đi khi bao công việc, ước vọng của Anh vẫn dang dở, công trình lớn "Tổng kết cuộc chiến tranh chống xâm lược ở Nam Bộ 1945 - 1975" mà anh là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo vẫn chưa kịp hoàn thành. Ở Anh, chúng ta học tập được một dũng khí của người cộng sản, biết chấp nhận gian khổ, thách thức, vượt qua khó khăn để thực hiện mục tiêu lý tưởng của Ðảng, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.