Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Ðảng và dân tộc Việt Nam, đồng thời là người thầy kiệt xuất của báo chí cách mạng Việt Nam.
Trước khi sáng lập Báo Thanh Niên, Người đã viết trên những tờ báo lớn của Paris và Moscow. Người viết nhiều thể loại báo chí, từ xã luận, bình luận đến điều tra, luận chiến, truyện ký và cả vẽ biếm họa... Các bài báo của Người chỉ nhằm chống chủ nghĩa thực dân và đòi độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các thuộc địa. Sau khi khai sinh nền báo chí cách mạng ngay trên Tổ quốc mình, với sự từng trải trong nghề báo, Người gửi đến những người làm báo Việt Nam biết bao lời căn dặn bình dị mà sâu lắng:
Phải xác định "Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Vì ai mà viết?"; "Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết chớ nói, chớ viết càn"; "Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Ðồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại". "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng".(1)
Từ một tờ Thanh Niên in trên giấy nến cách đây 83 năm, ngày nay báo chí cách mạng Việt Nam có 172 tờ báo, 448 tạp chí, 67 đài phát thanh, truyền hình, 88 tờ báo điện tử và gần 14.000 nhà báo có thẻ hành nghề. Một số tờ báo cho xuất bản cùng lúc nhiều loại sản phẩm khác nhau như nhật báo, tuần báo, nguyệt san, đặc san, chuyên san, báo điện tử... Có nhà báo khi hành nghề tay phải gõ máy vi tính xách tay, tay trái cầm điện thoại di động có định vị vệ tinh, cổ đeo máy ảnh, trán gắn máy quay phim, di chuyển bằng tự lái xe ô-tô. Công nghệ làm báo càng hiện đại, người làm báo càng vất vả.
Nhân dân ta tự hào, mừng vui được sống trong một nền báo chí phát triển rực rỡ như ngày nay. Chúng ta phấn khởi và sung sướng được thấy một đội ngũ nhà báo Việt Nam hùng hậu, thông minh, năng động, hoạt bát, có tư duy tươi mới. Người làm báo Việt Nam không bị huyễn hoặc bởi những lời tâng bốc từ đâu đó về vai trò của báo chí là "quyền lực thứ tư", là "Nhà nước thứ ba" sau Chính phủ và Quốc hội !
Nhưng công nghệ làm báo ngày nay, dù hiện đại đến mức nào, cũng phải dựa trên cái nền vững chắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
"Chính trị phải làm chủ. Ðường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng"(2); "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung"(3). Chính trị ở đây là đường lối của Ðảng, nhiệm vụ chính trị của mỗi thời kỳ cách mạng, tôn chỉ chính trị của tờ báo và nhận thức chính trị đúng đắn của người làm báo.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam vững mạnh nhờ ở những người làm báo hiểu rõ trách nhiệm chính trị - xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, thành thạo nghiệp vụ và trung thực với người đọc, người xem, người nghe. Nhân dân phân biệt rõ người làm báo chân chính với người dùng ngòi bút để thỏa mãn tư lợi và tham vọng cá nhân.
Báo chí mang tính văn hóa. Người làm báo là một chiến sĩ văn hóa, biết giữ gìn và phát triển văn hóa bản sắc dân tộc Việt Nam, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ðồng chí Trường-Chinh, cố Tổng Bí thư Ðảng ta và là cây bút chính luận bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam, từng căn dặn những người làm báo: "Chúng ta phải biết trau dồi văn phong cho tốt đẹp và đúng đắn. Nghề báo chính là nghề văn, một nghề gian khổ mà cao quý. Phải có văn phong mới tuyên truyền... Vì sự nghiệp của nhân dân mà nâng cao câu văn của chính mình. Văn hay gồm hai tố chất: tính khoa học cao độ kết hợp với nhiệt tình tràn đầy"(4). Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng luôn nhắc nhở những người làm báo: "Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".
Báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí của nhân dân, với truyền thống oanh liệt lại biết tiếp thu tinh hoa báo chí thế giới, có đầy đủ bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo và đạo đức nghề nghiệp để cùng đất nước tiến lên trong thời đại mới.