Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua góc nhìn báo quốc tế

14:51, 13/06/2008

Theo đánh giá của báo chí quốc tế, Võ Văn Kiệt làngười khi còn tại nhiệm đã góp phần giới thiệu một gương mặt Việt Nam mới trong mắt bạn bè quốc tế sau nhiều năm bị cô lập. Và ngay cả khi rời nhiệm sở, ông vẫn hết lòng vì sự nghiệp đổi mới đất nước Việt Nam.  

Đưa tin về việc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, hãng tin AFP đã dẫn lời của bà Marie-Louise Thaning, một nhà ngoại giao Thụy Điển cho rằng: Ông Kiệt là "một người đại diện đầy kinh nghiệm và cởi mở của giới lãnh đạo Việt Nam".

 

Bà Marie Louise nhấn mạnh: "Việt Nam tri ân ông Kiệt nhiều vì những gì Việt Nam có được hôm nay".

 

Tờ Time nhận định nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt là một lãnh đạo của sự thay đổi kinh tế theo định hướng thị trường của Việt Nam, được biết đến là Đổi mới, trong cuối những năm 1980, đầu 1990.

 

Rời nhiệm sở, ông vẫn tích cực thuyết giảng chính trị, trả lời phỏng vấn và đăng bài bình luận nhằm đẩy mạnh cải cách khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và tăng trưởng GDP bình quân đạt mức 7,5% kể từ năm 2000.

 

Ông cũng là người ủng hộ tăng vai trò và tầm quan trọng của báo chí tại Việt Nam.

 

Đưa tin về sự ra đi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau khi tóm lược cuộc đời hoạt động của ông, IHT dẫn lời chuyên gia phân tích lâu năm về Việt Nam, ông Carl Thayer nhận định "Việt Nam đã mất đi kiến trúc sư của đổi mới, một người liên tục thúc đẩy chính phủ hiện nay tiếp tục con đường cải cách mà ông đã vạch ra".

 

Tờ Los Angeles Times viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà cải cách kinh tế đã lãnh đạo đất nước thoát khỏi nghèo đói và cô lập, bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã mất.

 

Trên cương vị Thủ tướng, ông Kiệt đã giúp vạch ra các chính sách thu hút hàng tỉ USD đầu tư nước ngoài, mở rộng thương mại và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển trung bình mỗi năm trên 8%...

 

Dù người vợ đầu và hai đứa con của ông đã chết do chính quân đội Mỹ trong chiến tranh, nhưng ông Kiệt chính là người ủng hộ mạnh mẽ cho tiến trình bình thường hoá quan hệ với Mỹ.

 

Ông cũng là người ủng hộ sự phát triển của DN tư nhân, xây dựng những bộ luật rõ ràng hơn.

 

Rời nhiệm sở năm 1997 khi ở tuổi 74, ông nói đất nước này cần những nhà lãnh đạo trẻ hơn. Nhưng ông vẫn hoạt động tích cực đối với các vấn đề quốc gia.

 

Là một trong những tờ báo đưa tin sớm nhất về việc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, BBC đã có một loạt bài viết đánh giá về cuộc đời và con người ông Sáu Dân cũng như những đánh giá về ông.

 

Báo này dẫn lời ông Jean-Claude Pomonti, bình luận viên thời sự chính trị Đông Nam Á của tờ Le Monde của Pháp trong suốt 25 năm gần đây cho rằng, Võ Văn Kiệt là "một trong những chân dung nổi tiếng nhất của những nhà đổi mới chủ chốt trong lịch sử đương đại gần đây của Việt Nam, nhất là giai đoạn 1991 tới 1997, khi ông lên làm Thủ tướng Chính phủ. Ông đã thúc đẩy sự cải tổ các cơ chế, bộ máy của Việt Nam, khuyến khích đầu tư, mở của của Việt Nam ra quốc tế".

 

Khi làm Thủ tướng, ông Kiệt đã đi nhiều nước để thúc đẩy đầu tư và thiết lập những mối quan hệ ngoại giao và thương mại mới.

 

Tờ Telegraph cũng điểm lại quá trình tham gia cách mạng của ông Võ Văn Kiệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như một trong những nhà cách mạng kỳ cựu của Việt Nam

 

Dẫn lời chia buồn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long , theo đó, Thủ tướng Singapore mô tả ông Võ Văn Kiệt là một người bạn lâu năm của Singapore, đã giúp đặt nền tảng cho quan hệ 2 nước.

 

"Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam đã mở cửa với thế giới, từng bước tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo ra những tiến bộ vượt bậc".

 

Kênh tin của Singapore cũng dẫn thư riêng gửi cho bà quả phụ Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong đánh giá cao vai trò của ông Kiệt trong việc đưa Việt Nam gia nhập ASEAN, trong khi Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu coi ông Kiệt là một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng đã đưa đất nước Việt Nam đi qua một giai đoạn chuyển đổi lớn.

 

Ông Kiệt được xem là kiến trúc sư trưởng của Đổi mới, cải cách thị trường trong cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 thay thế cho nền kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô trước đây.

 

Ông giữ vai trò Thủ tướng Việt Nam từ 1991 đến 1997. Sau đó, ông vẫn tiếp tục là nhà bình luận mang tính cải cách của Việt Nam, thúc đẩy tự do báo chí và đối thoại với người bất đồng chính kiến.

 

Trên tư cách Thủ tướng, ông đã giới thiệu trước thế giới một khuôn mặt... của Việt Nam, công du khắp châu Á và châu Âu để thu hút đầu tư và thiết lập mối quan hệ mới các nước trên thế giới trên tư cách một quốc gia nổi lên sau những năm cô lập.

 

Với sự theo dõi của ông, năm 1994, Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam và tái thiết quan hệ ngoại giao vào một năm sau đó.

 

Ông cũng đã thành công trong thúc đẩy quan hệ tốt hơn với các nước châu Á khác, phát triển quan hệ gần gũi với người lãnh đạo của Singapore Lý Quang Diệu, người đã tới thăm Việt Nam nhiều lần và đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích.

 

Hăm hở và đầy nhiệt huyết, ông Kiệt đấu tranh chống lại sự trì trệ trong nền hành chính và là một thành tố mạnh mẽ trong thúc đẩy luật bảo vệ DN.

 

 

Điểm lại sự nghiệp hoạt động của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Guardian nhận định, ông Kiệt không chỉ là một nhà cải cách kinh tế, mà hơn thế, trong khả năng của mình với tư cách một cựu Thủ tướng và một nhà tư vấn có ảnh hưởng, ông thường có những phản biện thẳng thắn, tranh luận về tự do báo chí và đối thoại với người bất đồng chính kiến.

 

Ông Kiệt cũng là lãnh đạo Việt Nam đầu tiên công du rộng rãi kể từ chuyến thăm châu Âu trong những năm 1970 của cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại châu Âu cũng như châu Á, ông Kiệt đã mở rộng quan hệ ngoại giao và thương mại với nhiều quốc gia, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và viện trợ quốc tế cho Việt Nam.

 

Ông là nhà lãnh đạo hiếm hoi của Việt Nam dám nói những điều mà người khác e ngại nói công khai. 

 

 

Ông Kiệt là Thủ tướng của Việt Nam trong giai đoạn 1991-1997, giai đoạn chuyển đổi mạnh mẹ của đất nước Đông Nam Á này, mà trong đó, ông giữ trọng trách quan trọng. Trên tư cách Thủ tướng, ông là người đứng đằng sau hậu thuẫn cho rất nhiều chính sách thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài, mở rộng quan hệ thương mại và thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh.

 

Là nhân vật chủ chốt của Đổi mới, ông cho rằng Đảng chỉ có thể duy trì quyền lãnh đạo nếu Đảng nới lỏng sự kiểm soát đối với việc doanh thương, cho phép DN trở nên hiệu quả hơn. Independent dẫn lại câu trả lời phỏng vấn BBC của ông: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng cá nhân, tôn giáo, đảng phái nào".

 

Điểm lại cuộc đời và sự nghiệp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bloomberg dẫn lời Dominic Scriven, người đồng sáng lập Dragon Capital ở Tp. Hồ Chí Minh, "Ông Kiệt là một trong những nhân vật ấn tượng và đáng kính nhất trong giai đoạn sau chiến tranh. Trong thời gian dài sau khi ông rời nhiệm sở, ông vẫn tiếp tục là một nhân vật chủ chốt"

 

Báo này cũng dẫn lời nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: "Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều hành động quan trọng trong việc thúc đẩy những bước quan trọng trong tiến trình cải cách".