Đôi nét về con người và sự nghiệp của ông

14:02, 29/06/2008

Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, còn gọi là Mười Cúc, sinh ngày 1-7-1915 (19-5 Ất Mão) tại làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Thân phụ là nhà giáo Nguyễn Văn Lan.

Thời niên thiếu, ông phải chịu biết bao điều bất hạnh: 5 tuổi đã mồ côi mẹ, 11 tuổi, thân phụ qua đời. Từ đó, ông phải sống nhờ vào sự đùm bọc của người chú ruột là Nguyễn Văn Hùng, một người có học thức, làm ở Sở Dây thép Hải Phòng. Tuy đông con nhưng ông Hùng vẫn dành sự ưu ái chăm sóc với người cháu mồ côi cha mẹ nhưng giàu nghị lực của mình.

Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, ông đã sớm có tinh thần yêu nước và tham gia vào các tổ chức cách mạng của Đảng. Ông đã từng bị giặt Pháp bắt, kết án tử hình và 2 lần bị đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng một số đống chí khác, ông đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trung kiên và tổ chức quần chúng tin cậy, thành lập Đảng bộ lâm thời Hải Phòng, rồi được Đảng điều vào công tác ở thành phố Sài Gòn, tham gia Ban chấp hành Đảng bộ thành phố. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Nguyễn Văn Linh được trở về Nam Bộ, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ngay trong lòng thành phố Sài Gòn- Chợ Lớn với cương vị Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy. Từ năm 1949, ông Tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.

Từ năm 1957 đến năm 1960, ông phụ trách Quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, trên cương vị Phó Bí thư và Bí thư, ông đã cùng Trung ương Cục miền Nam lãnh đạo quân và dân miền Nam làm cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước từ những năm tháng đen tối đến mùa xuân lịch sử toàn thắng (năm 1975).

Tổ quốc Việt Nam được thống nhất, ông được phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy T.P Hồ Chí Minh. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam. Từ cuối năm 1981 đến giữa năm 1986, ông được phân công làm Bí thư Thành uỷ T.P Hồ Chí Minh. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V của Đảng (1982) ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Sau đó, ông được cử vào Bộ Chính trị tham gia Ban Bí thư, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) bầu ông làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo của Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển sang kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1987 đồng chí đã phát biểu và viết nhiều bài quan trọng làm sáng tỏ quan điểm đổi mới, đặc biệt là những vấn đề ông nêu ra dưới tiêu đề “Những việc cần làm ngay” có tác dụng thúc đẩy các cấp, các ngành, các tổ chức giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong thực tế cuộc sống hàng ngày, đấu tranh chống tiêu cực tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi người. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) ông thôi giữ chức Tổng Bí thư và làm Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 27 năm 4 năm 1998.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã từng trải biết bao gian khổ về vật chất và tinh thần nhưng ông luôn giữ được bình tĩnh trước mọi hiểm nguy và biến cố, có niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, có tầm nhìn chiếc lược và tình thương yêu đồng bào, đồng chí sâu sắc nên ở bất cứ cương vị nào, ông cũng vững tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trong sinh hoạt, trong giao tiếp, ông là một mẫu mực về sự giản dị, thẳng thắng và dân chủ.

Ông là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã góp phần làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Tên tuổi của ông mãi mãi gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng. Dù hoàn cảnh nào, cương vị nào cũng luôn giữ được bản chất liêm khiết, khiêm tốn, giản dị của người cách mạng, ông luôn có cuộc sống cá nhân mẫu mực theo gương Bác Hồ vĩ đại.