Không ít người vốn quanh năm vất vả chỉ biết cày sâu, cuốc bẫm, đầu tắt mặt tối, nay bỗng dưng có trong tay dăm, bảy trăm triệu, một vài tỷ đồng, thế là dễ sinh ra tiêu sài. Khốn nỗi, dáng vẻ bên ngoài thì dễ thay đổi, còn cách nghĩ, cách làm đâu có dễ thay đổi một sớm, một chiều.
Nay, nhiều nơi ruộng vườn không còn nữa, trở thành đất thổ cư, đất công nghiệp. Ruộng vườn không còn, nhưng đất đai bỗng dưng cao giá ghê gớm. Mỗi mét vuông đất giá vài chỉ vàng, vài cây vàng.
Không ít người vốn quanh năm vất vả chỉ biết cày sâu, cuốc bẫm, đầu tắt mặt tối, nay bỗng dưng có trong tay dăm, bảy trăm triệu, một vài tỷ đồng, thế là dễ sinh ra tiêu sài. Căn nhà cũ ba gian hai chái còn chắc chắn vội phá đi xây nhà mới ba, bốn tầng. Mua liền mấy "con" xe máy cho cả bố lẫn con để "dân phố" lác mắt! Khốn nỗi, dáng vẻ bên ngoài thì dễ thay đổi, còn cách nghĩ, cách làm đâu có dễ thay đổi một sớm, một chiều.
Ruộng vườn không còn, người biết lo xa, người tỉnh táo hiểu rằng "miệng ăn núi lở", nên tập trung tiền bạc cho con cái học hành, phải có một nghề giỏi giang trong tay thì mới tồn tại được, mới duy trì được nền nếp, gia phong. Không ít người sau khi có tiền lại nhiễm thói chây lười. Các cụ đã dạy "nhàn cư vi bất thiện", học cái chăm chỉ, cái siêng năng thì khó chứ học ăn, học chơi thì nhanh lắm, chả ai phải bày cách. Bố mẹ thì đã luống tuổi, sức khỏe đã bay vèo vèo theo năm tháng, văn hóa lại thấp làm sao trở thành công nhân được? Còn bọn trẻ thì sao? Muốn có nghề, mà phải là tay nghề cao, thì phải học cật lực. Trước kia, chưa có tiền, nên con cái phải bỏ học sớm, nay tuy có tiền, nhưng đã tiêu pha tốn kém vào nhà, vào xe...
Nhiều làng quê bỗng chốc thành phường, thành phố, nhưng dân làng nghề nghiệp không có, liệu cái giàu xổi có bền được không?