60 năm trước, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta gặp muôn vàn khó khăn, chống thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, ngày 11-6-1948, tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm động viên mọi lực lượng làm cho kháng chiến mau thắng lợi và sự nghiệp kiến quốc thành công.
Trong lời kêu gọi có đoạn “Nhân dịp kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, tôi được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy báo cáo thành tích trong cuộc luyện quân lập công vừa rồi. Tôi rất vui lòng rằng các bộ đội đều cố gắng tiến bộ. Những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang...”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta từ Bắc chí Nam đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, hăng hái thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Chỉ sau 1 năm phát động, 4 tỉnh là Quảng Ngãi, Hưng Yên, Hà Tĩnh và Thái Bình diệt xong được giặc dốt, các tỉnh khác ra sức thi đua để theo kịp các tỉnh trên.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, tỉnh ta đã bán cho Chính phủ Cụ Hồ 160 tấn thóc để khao quân và 600 tấn lương thực để dự trữ. Diện tích gieo cấy của nhiều huyện tăng từ 3-5 lần. Toàn tỉnh với phong trào “Áo ấm mùa đông chiến sỹ” đã ủng hộ bộ đội hàng ngàn áo trấn thủ. Nhân dân các huyện Đại Từ, Phú Lương, T.X Sông Công đã nhận đỡ đầu nhiều đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn của Đại đoàn 308; các cấp Hội phụ nữ nhận đỡ đầu 162 tiểu đội. Đặc biệt, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, 9.400 thanh niên tình nguyện tòng quân giết giặc, hơn 3.000 người tham gia luyện tập quân sự và hơn 1.000 người tham gia dân công. Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Thái Nguyên cùng với cả nước vừa đấu tranh chống Mỹ vừa đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt với khí phách hào hùng:
“Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những năm 1980 trở lại đây, đất nước ta bước sang một trang sử mới đó là vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khôi phục phát triển kinh tế- xã hội. Thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cùng với khí thế chung của cả nước trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển, phong trào thi đua yêu nước của Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tiến bộ, thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng sôi nổi, rộng khắp, là động lực để thúc đẩy mọi ngành, mọi cấp, mọi giới, các tầng lớp nhân dân tích cực lao động, sản xuất, học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương mình.
Kết quả phong trào thi đua yêu nước đã góp phần đắc lực vào sự tiến bộ vượt bậc về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội. Với sự phát triển không ngừng, 5 năm gần đây (2003-2007), các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng của tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch, một số chỉ tiêu trọng tâm đạt ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt là năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12,46%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Công nghiệp- xây dựng chiếm 39,55%, dịch vụ chiếm 36,20%, nông- lâm nghiệp- thủy sản chiếm 24,25%. Các công trình trọng điểm như: Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, Nhà mãy kẽm điện phân Thái Nguyên, Nhà máy xi măng Thái Nguyên, tuyến đường tránh T.P Thái Nguyên tiếp tục được tập trung hoàn thành, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Lĩnh vực văn hóa- xã hội được quan tâm phát triển. Công tác giáo dục- đào tạo có những chuyển biến tích cực sau khi thực hiện Cuộc vận động “Hai không”; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được nâng cao. Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ. Trong năm đã giải quyết việc làm mới cho 15 nghìn lao động. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa” , một cửa liên thông được triển khai tích cực từ tỉnh đến cơ sở. Năm 2008 được tỉnh chọn là năm đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Bức tranh kinh tế- xã hội từ nông thôn đến thành thị có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một cải thiện và nâng cao.
Tuy nhiên trong điều kiện kinh tế thị trường, đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần cách mạng tiến công, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, những địa phương có các công trình, dự án đầu tư trọng điểm phát triển kinh tế- xã hội thì đòi hỏi nhân dân các địa phương đó phải có sự hy sinh, đóng góp càng nhiều hơn để các dự án được thực hiện đúng tiến độ, có hiệu quả. Việc làm đó là thể hiện lòng yêu nước thiết thực nhất để góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, xứng đáng với vị thế trung tâm vùng các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ.
60 năm thực hiện Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã góp phần xứng đáng vào những chiến công và thành tựu chung của đất nước. Tỉnh Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: 1 Huân chương Sao Vàng, 5 Huân chương Độc lập các hạng và được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 16 cá nhân, 80 đơn vị trong tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, 134 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hàng vạn gia đình và cá nhân được tặng Bằng có công với nước. Trên 100 nghìn lượt người được tặng thưởng các huân, huy chương. Trong thời kỳ xây dựng đất nước, tỉnh Thái Nguyên có 1 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Huân chương Quân công, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
5 tháng đầu năm 2008, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội của tỉnh đã thực hiện đạt khá. Tuy nhiên, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của năm, tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn 2006-2010, các cấp, các ngành cần tích cực tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Hướng công tác thi đua, khen thưởng về cơ sở và người lao động. Duy trì và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua: Học tập tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị. Tuyên dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và nêu gương học tập các điển hình tiên tiến trong mọi phong trào. Ngăn chặn kịp thời những biểu hiện hình thức, bệnh thành tích trong khen thưởng.
Với tinh thần đó, tôi kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh dấy lên phong trào hành động cách mạng mới, đẩy mạnh thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2008, tạo cơ sở vững chắc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2006-2010), phấn đấu đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, mạnh, bền vững, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.