Vai trò của báo chí đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên

09:08, 20/06/2008

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp và sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chủ quản, báo chí trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, hoạt động đúng định hướng, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, vừa là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Đội ngũ những người làm báo của tỉnh đã không ngừng rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo, thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng- văn hoá.

Thực hiện Thông báo số 162-TB/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) và Thông báo số 41-TB/TW của Bộ Chính trị (khoá X), cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tốt hoạt động báo chí. Tỉnh uỷ đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo số 162-TB/TW và tổ chức phổ biến, quán triệt Thông báo số 41-TB/TW; đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện. Giao ban báo chí bước đầu đi vào nền nếp, có những đổi mới về nội dung, hình thức tổ chức để đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả.

Cơ quan quản lý báo chí trên địa bàn đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí; đề xuất những chủ trương, biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí. Công tác xây dựng Đảng và nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các cơ quan báo chí được tăng cường; công tác phát triển Đảng trong đội ngũ những người làm báo được quan tâm nhiều hơn.

Báo chí của tỉnh đã hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần quan trọng vào định hướng dư luận xã hội.

Báo Thái Nguyên tiếp tục phát triển về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, cùng với sự hình thành và phát triển, Báo điện tử ngày càng khẳng định rõ vị trí của mình trong hệ thống báo chí của tỉnh và cả nước. Báo Thái Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và cả nước để đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của địa phương; chia sẻ thông tin để người dân Thái Nguyên nắm bắt kịp thời những sự kiện trong nước và quốc tế. Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, hiện nay tờ báo đã trở thành một tài liệu sinh hoạt quan trọng của mỗi chi bộ, đảng bộ ở cơ sở.

Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh đã có nhiều đổi mới trong sản xuất chương trình; thời lượng phát sóng ngày càng tăng; các chuyên mục được mở rộng, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ tuyên truyền phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Các chương trình tiếng dân tộc Tày- Nùng, tiếng Dao từng bước được nâng cao chất lượng, đã góp phần quan trọng chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh; một số chương trình cầu truyền hình trực tiếp đã được Đài thực hiện thành công, đáp ứng lòng mong mỏi của khán, thính giả.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có nhiều cố gắng để đổi mới cơ cấu, chuyên trang, chuyên mục và nâng cao chất lượng tác phẩm. Báo thực sự là diễn đàn của những người yêu văn học nghệ thuật tỉnh nhà, đồng thời góp phần tích cực trong việc tuyên truyền và thực hiện đường lối, chủ trương về công tác tư tưởng văn hoá của Đảng.

Ngoài các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí của Trung ương, ngành có văn phòng đại diện tại Thái Nguyên như: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Sài Gòn giải phóng, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có sự cộng tác, phối hợp nhịp nhàng trong công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn cách mạng mới, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh cần nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X); bám sát chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về lãnh đạo và quản lý báo chí để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đó chính là những hành động thiết thực nhất của báo chí góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.