Công tác giáo dục LLCT góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực hoạt động cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở

17:12, 30/07/2008

Công tác giáo dục lý luận chính trị (LLCT) là một bộ phận cơ bản trong công tác tư tưởng của Đảng, thực hiện việc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thế giới quan, phương pháp luận khoa học; có nhận thức tư tưởng đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ phát triển đất nước. Bởi vậy, công tác giáo dục LLCT có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Cùng với sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện trong tỉnh được hình thành, đi vào hoàn thiện mô hình và hoạt động từng bước có hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho địa phương, cơ sở. Nhiều chương trình giáo dục LLCT được tổ chức thực hiện tại TTBDCT đã góp phần giải quyết kịp thời những vướng mắc ở cơ sở trong công tác xây dựng Đảng. Đa số cán bộ, đảng viên ở cơ sở được bồi dưỡng LLCT, chuyên môn, nghiệp vụ thông qua hệ thống TTBDCT cấp huyện. Số cán bộ, đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng tại các trung tâm ngày một tăng. Các chương trình bồi dưỡng thường xuyên được cập nhật bổ sung, điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Tại thời điểm năm 2000, toàn Đảng bộ mới mở được 135 lớp với 12.242 lượt học viên; tập trung chủ yếu vào các chương trình học tập chính trị cho học viên lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng LLCT dành cho đảng viên mới, bồi dưỡng cán bộ đoàn thể. Đến giai đoạn năm 2005-2007, quân bình mỗi năm mở được trên 300 lớp với gần 30.000 lượt học viên. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng phong phú, đa dạng, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đổi mới như: Chương trình bồi dưỡng trưởng thôn, trưởng bản; chương trình bồi dưỡng bí thư chi bộ, cấp uỷ viên cơ sở; chương trình sơ cấp LLCT và một số chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề (công tác tuyên giáo ở cơ sở; công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo; công tác dân tộc và chính sách dân tộc; chương trình giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; chương trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế…).

Những năm gần đây, TTBDCT đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc phát huy vai trò là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Hoạt động giáo dục LLCT cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở đã được tổ chức kết hợp với các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống dân tộc, về Đảng, Bác Hồ, về đường lối, chính sách, pháp luật; thi bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản giỏi; thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi… Và đặc biệt trong thời gian gần đây là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Về phương pháp giáo dục LLCT cũng đã được các TTBDCT quan tâm đổi mới. Các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã được đưa vào sử dụng trong giảng dạy làm phong phú, sinh động thêm nội dung các bài giảng. Hoạt động tham quan thực tiễn, trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm xử lý tình huống tại cơ sở được các trung tâm chú trọng nhiều hơn. Đội ngũ giảng viên của các trung tâm dần được nâng cao về cả chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận và phương pháp giảng dạy.

Qua khảo sát ở một số địa phương, hầu hết cấp uỷ các cơ sở đều nhận xét: Cán bộ, đảng viên sau khi được học tập, bồi dưỡng tại các TTBDCT trở về địa phương đều phát huy tác dụng tích cực, nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo; vững vàng, tự tin, chủ động hơn khi giải quyết công việc tại cơ sở; góp phần củng cố, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong thời kỳ đất nước đổi mới mạnh mẽ, yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ từ Trung ương đến địa phương, trong đó đội ngũ cán bộ cơ sở có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở; triển khai tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận trước yêu cầu mới, công tác giáo dục LLCT tại các TTBDCT cấp huyện trong tỉnh cần tích cực, chủ động hơn nữa trong đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, gắn chặt lý luận với thực tiễn, coi trọng các hoạt động trao đổi kinh nghiệm công tác, đặc biệt là việc xử lý tình huống diễn ra hàng ngày hàng giờ ở cơ sở.

Đó chính là những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân ngay từ cơ sở, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng ta đi đến thắng lợi.