Đổi mới công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo

16:05, 29/07/2008

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới, những năm gần đây Thái Nguyên đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Thái Nguyên hiện có trên 7 vạn đồng bào có đạo, với hai tôn giáo chính là Phật giáo và Công giáo.

 

Về Phật giáo, trên địa bàn tỉnh có 147 ngôi chùa do 9 nhà sư trụ trì. Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thái Nguyên được thành lập năm 2004, hiện đang ở nhiệm kỳ 2 do  Đại đức Thích Nguyên Thành làm Trưởng ban. Ở cấp huyện chưa thành lập Ban Đại diện Phật giáo nên Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo đã có thông bạch phân công các nhà sư phụ trách công tác phật sự và công tác xã hội cấp huyện.

 

Về công giáo, toàn tỉnh có trên 3 vạn tín đồ, 4 linh mục sinh hoạt theo 4 giáo xứ, 45 giáo họ, 38 cơ sở thờ tự. Đạo Tin lành hiện nay có 12/18 điểm nhóm thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt theo điểm nhóm. Các điểm nhóm sinh hoạt cơ bản tuân thủ nội dung đã đăng ký.

 

Theo đồng chí Nguyễn Kim Huỳnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: "Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong tình hình mới, những năm gần đây Thái Nguyên đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Ban Tôn giáo đã tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ làm công tác này ở các huyện, thành, thị; tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; nghị định 22/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành...

 

 Thông qua hội nghị cán bộ, mở các lớp tập huấn kiến thức tôn giáo tại một số huyện. Bên cạnh đó phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo tại 140 xã của 9 huyện, thành, thị có tín đồ theo các tôn giáo, với sự tham gia của 138 học viên.

 

Cùng với đó, Ban Tôn giáo tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các chức sắc, chức việc trong đạo Phật. Phối hợp với các tổ chức tôn giáo tuyên truyền các văn bản pháp luật về tôn giáo đến các chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo, Phật giáo. Ban hướng dẫn Phòng Dân tộc-Tôn giáo cấp huyện phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về tôn giáo cho cán bộ cấp thôn, xóm thuộc các xã, phường, thị trấn".

 

Đối với các chức sắc, chức việc tôn giáo tỉnh, tập trung tuyên truyền, phổ biến, khẳng định, chứng minh các quan điểm chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các tôn giáo, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo nhằm mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời tổ chức các đoàn đại biểu gồm lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Tôn giáo, ủy ban MTTQ, các ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng động viên các chức sắc, tín đồ tôn giáo nhân các sự kiện quan trọng như: Nhân dịp Tết nguyên đán, nhân lễ bổ nhiệm trụ trì, các chức sắc tôn giáo, Đại lễ Phật đản...Từ đó, giới chức sắc, tu hành và bà con có đạo trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, phấn khởi phụng đạo yêu nước, “sống tốt đời, đẹp đạo” gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực, đưa hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh vào nền nếp, theo quy định của pháp luật và luật định của giáo hội với phương châm "tốt đời đẹo đạo".

 

Thực hiện Nghị định số 13, 14 của Chính phủ, từ ngày 1-5-2008, Ban Tôn giáo tỉnh chuyển về Sở Nội vụ. Cấp huyện, sau khi giải thể Phòng Dân tộc-Tôn giáo, lĩnh vực này chuyển về Phòng Nội vụ. Tuy có những thay đổi về công tác tổ chức, cán bộ, nhưng công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo được thực hiện khá tốt. 6 tháng cuối năm nay, tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ theo Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo đã được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với tổ chức giáo hội mở các hội nghị tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho các chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo…

 

Với những kết quả đáng ghi nhận trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trong những năm qua, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo được quan tâm đúng mức. Mối liên hệ tốt đẹp giữa chính quyền các cấp với tổ chức giáo hội và đội ngũ chức sắc trên địa bàn được thiết lập. Vì thế, hoạt động tôn giáo trên địa bàn cơ bản ổn định, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.