An toàn Khu II trong Cách mạng Tháng Tám

09:27, 18/08/2008

Cách đây 65 năm, giữa lúc phong trào cách mạng cả nước nói chung và phong trào cách mạng tỉnh Thái Nguyên có những chuyển biến tích cực, con đường quần chúng nối hai trung tâm căn cứ địa Cao Bằng với trung tâm căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai được “đánh thông”, căn cứ núi Hồng (bao gồm vùng đất Định Hoá, Đại Từ và Sơn Dương - Tuyên Quang) từng bước hình thành. Đường liên lạc của cách mạng cả nước đã thông suốt từ Việt Bắc về xuôi.

Xuất phát từ yêu cầu chủ quan, khách quan của cuộc cách mạng, Trung ương Đảng đã quyết định lấy các xã giáp ranh, chủ yếu là 3 xã: Hoàng Vân (Hiệp Hoà - Bắc Giang), Kha Sơn (Phú Bình), Tiên Phong (Phổ Yên) thuộc tỉnh Thái Nguyên để xây dựng chỗ đứng chân tương đối ổn định, gọi là An toàn khu II. Đây là “khu đệm” bên cạnh An toàn khu I, sát dinh luỹ kẻ thù, nối liền Khu giải phóng với trung du và đồng bằng, tiến có thể đánh, lùi có thể bảo toàn lực lượng. An toàn khu II thành lập, trở thành địa bàn đóng và hoạt động của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Bắc Kỳ trong những năm 1943-1945.

 

Trong suốt thời gian tồn tại, An toàn khu II đóng vai trò rất quan trọng, góp phần quyết định đối với sự tiến triển của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

An toàn khu II là nơi đặt các cơ sở ấn loát và phát hành tài liệu của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Cơ quan in ấn của Xứ uỷ Bắc Kỳ thời gian đầu đóng ở thôn Vân Xuyên (xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà), tháng 11-1942 bị lộ chuyển sang thôn Yên Trung (xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên), tháng 5-1943, bị địch phát hiện lại dời về chùa Mai Sơn (huyện Phú Bình). Được nhân dân 3 huyện Hiệp Hoà, Phú Bình, Phổ Yên đùm bọc, che chở, các cơ quan ấn loát đã bí mật phát hành báo chí, phổ biến chủ trương, đường lối cứu nước của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân tham gia các phong trào cứu quốc. Từ cơ sở in bí mật, hàng vạn trang tài liệu như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Báo Cờ giải phóng, Tạp chí Cộng sản, các sách về chiến tranh du kích... đã nhanh chóng chuyển đến tay cán bộ, đảng viên và quần chúng.

 

Trong điều kiện hoạt động bí mật, lại bị địch liên tục khủng bố đàn áp, bắt bớ, giam cầm, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ năng lực lãnh đạo phong trào trở thành một yêu cầu cấp bách. Quán triệt chủ trương của Đảng, từ sau các Hội nghị Trung ương 7, 8,... tại An toàn khu II đã tổ chức được nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho cán bộ, đảng viên các tỉnh Bắc Bộ. Cuối năm 1941, Ban Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ đã chọn Tiên Thù (nay thuộc xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên) làm địa điểm mở Hội nghị cán bộ học tập Nghị quyết Trung ương 8. Lớp học bị địch phát hiện, nhưng nhờ có quần chúng bảo vệ nên Tổng Bí thư Trường Chinh, cùng nhiều cán bộ cao cấp của Đảng đã vượt khỏi cuộc vây quét của địch an toàn. Năm 1943, tại rừng làng Mấn (Kha Sơn, Phú Bình), Trung ương lại mở một lớp đào tạo cho 13 cán bộ quân sự của các tỉnh Bắc Kỳ,… Tại một số lớp học, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đến chủ trì hoặc trực tiếp giảng bài. Những cán bộ, đảng viên được huấn luyện đã trở thành cán bộ cốt cán, giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt trong phong trào ở địa phương.

 

An toàn khu II còn là đầu mối giao thông quan trọng, nơi tổ chức đưa, đón cán bộ từ các tỉnh miền xuôi lên Căn cứ địa Việt Bắc hoạt động và ngược lại; nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ, chở che nhiều cán bộ của Đảng hoạt động trong vùng, cán bộ đi dự các hội nghị Trung ương ở Việt Bắc; đón tiếp các đồng chí bị đế quốc giam giữ trong các nhà lao trốn thoát về với Đảng, với nhân dân. Giữa lúc phong trào cách mạng cả nước rất thiếu cán bộ để tăng cường cho cơ sở, ngày 22-8-1944, Ban cán sự An toàn khu II đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục đưa 8 cán bộ (Hà Kế Tấn, Hoàng Bắc Dũng, Nguyễn Văn Mô, Phạm Bá Thoan, Bùi Văn Hánh, Trần Kiên, Nguyễn Danh Đỉnh, Nông Văn Đô) đang bị giam ở “Căng” Bá Vân về Kha Sơn (Phú Bình), toả đi các nơi hoạt động an toàn.

 

Trong 3 năm tồn tại, An toàn khu II đã đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, làm bàn đạp cho khởi nghĩa ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, đồng thời hỗ trợ, gây thanh thế và ảnh hưởng đến phong trào cách mạng các tỉnh, huyện xung quanh. Được Trung ương và Xứ uỷ trực tiếp lãnh đạo, từ giữa năm 1943, phong trào cách mạng tại An toàn khu II phát triển rộng khắp. Trình độ giác ngộ của quần chúng từng bước được nâng cao, nhân dân tích cực tham gia nhiều hoạt động chuẩn bị cho cao trào tổng khởi nghĩa. ở các xã, huyện, khi thời cơ đến, quần chúng nhân dân đã nhất tề đứng dậy giành chính quyền, thực hiện kịp thời, đúng đắn những chủ trương, đường lối của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Từ thực tiễn phong trào ở An toàn khu II đã giúp cho Đảng có thêm bài học kinh nghiệm quý để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước.

 

Từ khi thành lập đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, An toàn khu II là nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đó là các Hội nghị quân chính ở Hiệp Hoà, Bắc Giang (4-1944); Hội nghị quân sự của Xứ uỷ Bắc Kỳ ở Kha Sơn, Phú Bình (8-1944) quyết định phân định các chiến khu; Hội nghị thống nhất các lực lượng vũ trang Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân để xây dựng lực lượng vũ trang thống nhất; Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ tại Hiệp Hoà, Bắc Giang (4-1945) với việc xây dựng 7 chiến khu trên cả nước, gấp rút chuẩn bị lực lượng, tiến hành khởi nghĩa từng phần, mở đường cho Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.