Bản Ngoại-nơi Bác Hồ đã ở và làm việc

10:10, 20/08/2008

Chúng tôi về Xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại (Đại Từ) - nơi Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng, Chính phủ đã ở và làm việc từ đầu tháng 8 đến ngày 12-10-1954 để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị tiếp quản Thủ đô.

Từ nơi đây, Bác đã đi dự Hội nghị tổng kết thi đua điểm cải cách ruộng đất ở T.P Thái Nguyên; thăm xã Hùng Sơn, xã Phục Linh (Đại Từ); dự lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba; nói chuyện với cán bộ, bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong trước khi về tiếp quản Thủ đôNăm 2006, Bộ Văn hoá Thông tin đã ra Quyết định số 72 công nhận xếp hạng địa điểm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1954) tại đồi Thành Trúc, thôn Vai Cầy, xã Bản Ngoại là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Địa danh Khu đồi Thành Trúc thời kỳ năm 1954 là nơi rừng rậm hoang vắng. Cả xóm có khoảng 20 nóc nhà nằm thưa thớt ven các sườn đồi. Đỉnh đồi Thanh Trúc là nơi giáp ranh 3 xã La Bằng-Bản Ngoại-Hoàng Nông. Tại nơi đây, Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã có những quyết định quan trọng trong việc lãnh đạo ổn định đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá-xã hội và hoạt động đối ngoại với các nước  XHCN như Liên Xô, Trung Quốc, đặc biệt là tập trung chỉ đạo giải phóng tiếp quản Thủ đô. Nay chúng tôi có dịp trở về thăm lại nơi Bác ở và làm việc năm xưa, tất cả đã đổi thay hoàn toàn, trên nền nhà Bác ở cũ, Nhà bia ghi lại dấu tích đã được đầu tư xây dựng khang trang, to đẹp. Dân cư quần tụ đông đúc, an bình, sống chủ yếu dựa vào cây lúa và cây chè, đoàn kết xây dựng xóm Đầm Mua trở thành xóm văn hoá.

 

Ông Phùng Văn Thào, đã gần trọn cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, ngày ông về đây sinh cơ lập nghiệp thì khu nhà Bác ở chỉ còn lại cái nền đất, nhưng ông vẫn như cảm nhận được hơi ấm của Bác ở quanh đây. Ngày mùng một, hôm rằm ông vẫn thắp nén hương thơm ở Khu di tích để tưởng nhớ Người. Nhà ông gần kề Khu di tích, không ai nhắc nhưng ông luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp và nhắc nhở mọi người cùng làm như vậy. Đồng chí Vũ Quang Thông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với truyền thống và bề dày lịch sử cách mạng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Bản Ngoại luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất; năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, từng bước củng cố, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, để xứng đáng với danh hiệu là xã Anh hùng và xã ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

 

Hiện, 100% số hộ trong xã đã được sử dụng điện lưới Quốc gia. Cơ bản các tuyến đường liên xã, liên thôn đã được đảm bảo đi lại thuận tiện, xe tải cỡ nhỏ đã đến được trung tâm các xóm. 100% các lớp học khu lẻ, các trường mầm non, tiểu học và THCS đều được xây dựng cấp 4 và xây dựng kiên cố. Trạm y tế khang trang, sạch đẹp, có y, bác sĩ chuyên khoa, thường xuyên đảm bảo việc khám chữa bệnh cho nhân dân, đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 19/19 xóm có nhân viên y tế thôn bản. 100% các đập đầu nguồn, kênh mương nội đồng đang từng bước được xây dựng kiên cố, đảm bảo tối tiêu cho đồng ruộng, nên năng suất lúa không ngừng tăng qua các năm, đến nay năng suất bình quân đạt trên 50 tạ/ha. Nông dân Bản Ngoại tích cực đi đầu trong việc đưa các giống cây, con mới sản xuất như: Gieo trồng dưa hấu, củ đậu, bí siêu quả… xây dựng những cánh đồng cho giá trị thu nhập 50 triệu đồng/ha.

 

Từ năm 1998 đến năm 2007, Đảng bộ liên tục là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh,  trong đó có 2 năm (2004 và 2006) được công nhận trong sạch vững mạnh xuất sắc.