Chủ tịch Tôn Đức Thắng - biểu tượng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

08:02, 17/08/2008

Hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, Bác Tôn luôn quan tâm và chăm lo việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, từ Côn Đảo trở về, với cương vị và trọng trách to lớn được Đảng giao phó, Bác Tôn đã góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tập hợp toàn dân tộc đoàn kết một lòng đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang; góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; đưa cách mạng Việt Nam hoà trong dòng thác cách mạng thế giới đấu tranh cho độc lập, tự do, hoà bình, hạnh phúc, tiến bộ và nhân văn.

 

Hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, Bác Tôn luôn quan tâm và chăm lo việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Góp phần quan trọng vào việc thu hút trí lực của toàn dân tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ Quốc.

 

Tình hình đất nước ta vào đầu năm 1946 cực kỳ khó khăn. Vận mệnh Tổ quốc đang “nghìn cân treo sợi tóc”. Đảng ta chủ trương một mặt hoà để tiến, mặt khác ra sức củng cố khối đoàn kết làm hậu thuẫn chính trị cho chính quyền nhân dân còn non trẻ và chuẩn bị điều kiện kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Bác Tôn nhiệm vụ quan trọng là vận động, xây dựng một tổ chức đoàn kết rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhằm tăng thêm lực lượng cho cách mạng. Sau gần nửa tháng nỗ lực chuẩn bị, ngày 2/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập. Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng. Bác đã làm rõ: nhận thức đại đoàn kết là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến, mẫu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp phải được điều hoà hợp lý, trong đó chú trọng quyền lợi của đông đảo quần chúng vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất. Trực tiếp bàn bạc, trao đổi với cán bộ Hội, đối thoại với người của các đảng phái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo khác nhau, làm cho họ nhận rõ ý nghĩa của việc thành lập Hội Liên Việt, vai trò của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Do thống nhất trong nhận thức, hoạt động của tổ chức này đã góp phần tăng sức mạnh cho chính quyền cách mạng non trẻ và đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến kiến quốc.

 

Cùng với sự ra đời của các Hội, tổ chức trong giai đoạn này, những hoạt động của Bác Tôn đã góp phần tích cực, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức trên hoạt động có hiệu quả.

 

Không chỉ có vậy, Tôn Đức Thắng còn đóng góp tích cực trong việc thống nhất Việt Minh – Liên Việt (3 – 7/3/1951). Thắng lợi của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh – Liên Việt đã làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được tăng cường và phát triển thêm một bước mới. Cuộc hợp nhất thành công đã tăng sức mạnh cho cuộc kháng chiến, khẳng định ý chí quật cường của toàn dân trước sự xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ và bọn tay sai.

 

Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (từ 5 – 10/9/1955) là sự kiện trọng đại đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Đại hội đã thảo luận thông qua dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới và quyết định tên là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Cương lĩnh của Mặt trận được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao. Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và giữ trọng trách này đến năm 1977. Trên cương vị lãnh đạo Mặt trận, Bác đem hết sức lực, nhiệt tình và trí tuệ của mình, cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mọi hoạt động cụ thể của mình, Bác đã làm sáng tỏ chủ trương đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, phá tan âm mưu của các thế lực thù địch chia rẽ đoàn kết lương giáo, nhắc nhở các thành viên trong Mặt trận phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đời sống mới, bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo vệ người già yếu, tàn tật, phụ nữ trẻ em, gìn giữ văn hoá truyền thống và tiếp thu văn hoá nhân loại làm phong phú và phát triển nền văn hoá dân tộc, mọi mặt công tác của Mặt trận đều nhằm phục vụ cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Mặt trận đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Nhờ đoàn kết trong nước, chúng ta đã mở rộng và phát triển đoàn kết quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ và hợp tác của bạn bè trên thế giới. Có thể nói Mặt trận đã trở thành một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Phẩm chất đạo đức của người chiến sĩ cộng sản gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Bác Tôn  là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất cách mạng của người cộng sản với phong cách giai cấp công nhân Việt Nam.

 

Giữ nhiều cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng Bác Tôn, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tuỵ phục vụ nhân dân. Mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị.

 

Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng để lại bài học về việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân thực hiện những mục tiêu cách mạng vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại cuộc đời cách mạng của những người cộng sản tiền bối như Chủ tịch Tôn Đức Thắng để hiểu hơn giá trị thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đã đạt được, tiếp nối truyền thống ông cha bằng những thắng lợi của cách mạng hôm nay; học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của lớp người đi trước, tự tu rèn đạo đức cách  mạng để phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân tốt hơn.