Chùa Đán và cuộc hành quân của Đại tướng Võ Nguyên Nguyên Giáp về giải phóng thị xã Thái Nguyên.

15:27, 11/08/2008

Ngày 16-8-1945 một đơn vị chủ  lực của Việt Nam Giải phóng quân do  Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã hành quân từ Tân Trào về chùa Đán tập kết, sau đó tiến đánh quân Nhật và bè lũ phản cách mạng, giải phóng Thị xã Thái Nguyên, công bố thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Thái Nguyên.

Chùa Đán cách trung tâm T.P Thái Nguyên 5 km về phía Tây, ở địa phận xóm Chùa, phường Thịnh Đán (TP. Thái Nguyên), ẩn mình dưới những tán cây xanh mát, trước mặt là dòng kênh dẫn nước từ  hồ Núi Cốc về phía Nam của thành phố.

 

Tháng 5 và 6 năm 1945, sau khi bị thất bại trong những cuộc tấn công càn quét vào Khu giải phóng của ta ở vùng Việt Bắc, quân Nhật tập trung bố trí phòng thủ tại Thị xã Thái Nguyên, biến nơi đây thành một cứ điểm mạnh nhằm uy hiếp Khu giải phóng. Lực lượng chiếm đóng Thị xã Thái Nguyên của địch lúc đó có khoảng 120 quân Nhật, 400 bảo an binh, 200 cảnh sát vũ trang. Lúc này, việc giải phóng Thị xã Thái Nguyên là yêu cầu bức thiết, mở đường cho quân giải phóng của ta tiến về Hà Nội, đồng thời khích lệ công cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

 

Ngày 16-8-1945, một đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân đã từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về Thái Nguyên, trên đường đi nhiều đơn vị tự vệ, du kích của ta đã xung phong gia nhập quân Giải phóng nên quân số đã tăng lên đến 450 người. Chiều ngày 19-8-1945, đơn vị này đã về đến xóm Chùa, xã Thịnh Đán, chùa Đán được chọn làm nơi tập kết chính của quân Giải phóng. Ngay khi bộ đội về đến nơi, bà con làng Đán lúc bấy giờ đã dồn cả về xóm Chùa và khu vực chùa Đán, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nấu cơm, nước phục vụ, để bộ đội có thời gian chuẩn bị chiến đấu.

 

Rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1945, quân Giải phóng đã tiếp cận, bao vây các vị trí địch trong thị xã Thái Nguyên. 5 giờ 30 phút sáng, ta gửi tối hậu thư cho tỉnh trưởng Thái Nguyên và huyện trưởng Đồng Hỷ. Trước khí thế của cách mạng, lại bị bao vây chặt, tỉnh trưởng Thái Nguyên và huyện trưởng Đồng Hỷ buộc phải đầu hàng, đồng thời hạ lệnh cho lính bảo an và cảnh sát vũ trang đóng ở trại lính tây nộp vũ khí cho quân giải phóng. Tiếp đó ta nổ súng tấn công các vị trí quân Nhật chiếm đóng, diệt nhiều tên địch, bao vây và cô lập chúng trong trại lính khố xanh. Chiều ngày 20-8-1945, đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh đã tham gia cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động thị xã Thái Nguyên, trước cuộc mít tinh, Ủy ban khởi nghĩa đã tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Thái Nguyên. Trong thời gian chiến đấu giải phóng Thị xã Thái Nguyên và các vùng lân cận, quân giải phóng đã chọn đình Hàng Phố, khu chủ sự Nhà Đèn làm nơi đặt sở chỉ huy, trạm liên lạc và kho quân giới.

 

Chúng tôi tìm về chùa Đán trong những ngày tháng Tám lịch sử, cảnh vật bây giờ đã khác xưa nhiều, ông Hoàng Minh Tuấn, 73 tuổi, nguyên Bí thư Đảng bộ phường Thịnh Đán, người đã bỏ rất nhiều công sức sưu tầm các tư liệu liên quan đến chùa Đán cho biết: Ngôi chùa này đã có từ rất lâu rồi (trước năm 1917), ở khu vực làng Đán trước đây có một ngôi đình nằm trong khu vực trường THPT Ngô Quyền hiện nay, lui vào phía trong theo hướng Tây có một ngôi chùa đó là chùa Đán, từ ngôi đình đi theo hướng Nam khoảng 800 mét (sát cạnh Bệnh viên A cũ) còn có một ngôi đền tên là đền Hồ Sen. Trước đây chùa Đán được xây bằng gạch đỏ, cột kèo bằng gỗ, lợp ngói vẩy, nhà Tam bảo của chùa rộng 5 gian, bên trong có một số tượng Phật, xung quanh chùa có trồng rất nhiều cây thông, đây là nơi các phật tử của làng Đán và các vùng lân cận đến để sinh hoạt tâm linh. Năm 1917, Vua Khải Định đã ban 2 sắc phong cho xã Thịnh Đán là: Được tôn thờ các vị tướng lĩnh có công với nước; hàng năm người dân được mở hội mùa xuân; hiện 2 sắc phong này đang được lưu giữ tại đền Hồ Sen. Năm 1945, khi quân giải phóng của ta về đến đây thì chùa vẫn còn nguyên vẹn, năm 1947, nước ta thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, chùa đã bị phá hết chỉ còn lại nền đất trống. Năm 1993 một số cụ cao tuổi và người dân của làng Đán tự nguyện quyên góp dựng tạm lại chùa, do kinh phí hạn hẹp nên cũng chỉ làm được 3 gian nhà tre, lợp ngói trên nền chùa cũ.

 

Theo mạch kể của ông, chúng tôi được biết một câu chuyện hết sức cảm động diễn ra ngay tại sân chùa Đán. Ngày 13 tháng 8 năm 1998, trong chuyến lên thăm tỉnh Thái Nguyên và ATK Định Hóa, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm chùa (lúc này do việc sát nhập các địa giới hành chính trong tỉnh nên chùa Đán thuộc phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên), tiếp đón Đại tướng lúc đó có các đồng chí lãnh đạo và đông đảo bà con nhân dân Thái Nguyên, đứng tại sân chùa, Đại tướng nói “ lúc trước, khi bộ ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng, ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn kinh tế giỏi như lời mong muốn của Bác Hồ”. Sau đó Đại tướng đã trồng một cây đa lưu niệm tại góc trái của chùa.

 

Thực hiện lời của Đại tướng, nhiều phong trào thi đua làm kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của phường được đẩy mạnh, đời sống của bà con nhân dân được cải thiện đáng kể. Năm 2002, được sự nhất trí của UBND tỉnh, các tăng ni, phật tử trong phường Thịnh Đán và nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh đã góp công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi chùa. Đến nay, chùa Đán đã cơ bản hoàn thành, nhà Tam bảo của chùa được thiết kế rộng 12 m, phía trước có 8 cột đá, vì kèo làm bằng gỗ, mái uốn cong theo kiểu cổ, lợp bằng ngói vẩy, đầu các mái có trang trí hình rồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Đình Ấm, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán cho biết: Phường đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT thời kỳ chống Pháp, phát huy truyền thống của thế hệ cha anh, nhân dân trong phường đã đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Nhiều năm trở lại đây, Đảng bộ phường luôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, trung bình hàng năm toàn đảng bộ kết nạp được 12 Đảng viên mới. Đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt, người dân không còn phải ở nhà dột nát, đường bê tông cũng đã nối liền tất cả các xóm; năm 2006 toàn phường có 134 hộ nghèo thì nay giảm xuống còn 86 hộ, nhiều nông dân trong phường đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế trang trại tạo thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm.

 

 Hiện có khoảng trên 400 phật tử trên địa bàn phường thường đến sinh hoạt tâm linh tại chùa Đán, đây là nơi đáng trân trọng và giữ gìn, người dân nơi đây rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận chùa Đán là di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.