Quá trình vận động cách mạng và khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Thái Nguyên là một bộ phận của cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Đó là kết quả của cuộc đấu tranh cách mạng đòi quyền dân sinh, dân chủ trong những năm 1936-1939, cuộc vận động trực tiếp giải phóng dân tộc thời kì 1939-1945, kết quả quá trình vận động cách mạng từ năm 1932-1933, khi những đảng viên Cộng sản đầu tiên từ các tỉnh miền xuôi lên Thái Nguyên hoạt động.
Trải qua quá trình chiến đấu đầy hi sinh, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, bất chấp sự tàn sát, khủng bố của kẻ thù, những người cộng sản và các chiến sĩ cách mạng ở Thái Nguyên đã kiên trì vận động, lãnh đạo quần chúng (công nhân, nông dân, trí thức và đồng bào các dân tộc ít người) nổi dậy đấu tranh. Những hoạt động chi viện khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940), 8 tháng hoạt động du kích (7-1941 – 3-1942), đấu tranh chống địch khủng bố tháng 11-1944… thực sự là những cuộc diễn tập của quân và dân tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị bước vào khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945 ở Thái Nguyên là một thực tế sinh động phản ánh đường lối cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng, nghệ thuật vận động cách mạng và tổ chức lãnh đạo chớp thời cơ mau lẹ của các tổ chức cơ sở Đảng và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Là tỉnh giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Thái Nguyên luôn cần cù sáng tạo trong lao động xây dựng cuộc sống; đoàn kết anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trên mảnh này đã ghi danh nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân lịch sử như: Dương Tự Minh, Lưu Trung, Lưu Nhân Chú, Phạm Cuống, Đỗ Cận, Nguyễn Cầu, Phạm Nhĩ, Đàm Sâm…
Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Thái Nguyên, nhưng chúng đã vấp phải tinh thần yêu nước sôi nổi, mạnh mẽ, liên tục của nhân dân Thái Nguyên kéo dài từ cuối thế kỉ XIX sang đầu thế kỉ XX; tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Thái nguyên năm 1917, do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo. Tiếp nối truyền thống đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các tổ chức cơ sở Đảng, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã phát huy cao độ lòng yêu nước của các thế hệ đi trước.
Trải qua 10 năm đấu tranh cách mạng (1936-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thái Nguyên đã biểu lộ khí phách anh hùng của một dân tộc anh hùng. Nhiều cán bộ, đảng viên không ngại khó khăn, gian khổ, bất chấp mọi hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng, tiêu biểu như Nông Văn Cún, Nhật Sơn... Đồng bào các dân tộc trong tỉnh từ miền núi đến vùng hạ du, từ nông thôn đến thành thị mặc dù liên tục bị kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man, bị o ép, khống chế trong các trại tập trung, nhưng vẫn một lòng đi theo bảo vệ cách mạng, chống lại kẻ thù, san sẻ cho Cứu quốc quân từng ngọn rau, bát cháo, đồ dùng sinh hoạt… Tinh thần yêu nước của nhân dân đã hun đúc vào truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương Thái Nguyên.
Mặc dù chưa thành lập được Đảng bộ, chỉ có trên 40 đảng viên, bị kẻ thù kìm kẹp, khống chế, nhưng không vì thể mà phong trào cách mạng bị dập tắt. Trái lại, các tổ chức cách mạng vẫn được nhen nhóm và phát triển, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng lan rộng và khi thời cơ đến đã trở thành làn sóng quật khởi, đập tan bộ máy thống trị của đế quốc, phong kiến.
Tại Thái Nguyên, ngay từ những năm 30 của thế kỉ XX đã có một số cán bộ, đảng viên của Đảng lên hoạt động, lấy vùng nông thôn, miền núi để gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng, giác ngộ quần chúng đấu tranh. Cơ sở Đảng lần lượt ra đời tại vùng nông thôn, miền núi thuộc các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên… Cơ sở cách mạng cũng được xây dựng và nhanh chóng phát triển ở hầu khắp các vùng nông thôn, từ miền núi xuống vùng trung du. Tuy chọn nơi đứng chân ở địa bàn nông thôn, miền núi, nhưng Đảng cũng rất chú trọng phát triển cơ sở cách mạng tại khu vực thị xã Thái Nguyên.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, nhiều xã thôn và một số huyện trong tỉnh (Võ Nhai, Định Hoá, Đại Từ) đã chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền bộ phận. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4-1945, toàn bộ vùng nông thôn Thái Nguyên đã được giải phóng, có chính quyền cách mạng ở hầu hết các làng, xã; bộ máy chính quyền địch chỉ còn ở cấp huyện và tỉnh. Từ tháng 4 đến tháng 8-1945, nhân dân Thái Nguyên bước vào quá trình giành chính quyền trong toàn tỉnh mà điểm cuối cùng là giải phóng thị xã ngày 20-8-1945.
Từ sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5-1941), các tổ chức Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh như: Nông dân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc… đã nhen nhóm hình thành ở một số xã, thôn thuộc các huyện Võ Nhai, Phú Bình, Phổ Yên. Đến đầu năm 1943, uy tín và ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh đã lan rộng ra toàn tỉnh. Hầu hết các cơ sở trong tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng được Ban chấp hành Việt Minh tổng, Việt Minh làng, xã. Nhiều gia đình tất cả mọi người đều được thu hút vào các “Hội Cứu quốc”. Mặt trận Việt Minh ở Thái Nguyên thực sự là trung tâm đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp, giai cấp, không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai… tạo thành lực lượng chính trị to lớn.
Trên cơ sở lực lượng chính trị của quần chúng, Đảng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, có tinh thần dũng cảm chiến đấu với quân thù. Thực hiện chủ trương của Đảng về vấn đề chuẩn bị lực lượng tiến tới khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, làng Ngọc Mỹ, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), Trung đội Cứu quốc quân II - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập. Cứu quốc quân ra đời, phối hợp với tự vệ địa phương đẩy mạnh hoạt động, trở thành lực lượng nòng cốt trong khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thái Nguyên cho thấy, bằng sức mạnh tổng hợp của hai lực lượng và hai hình thức bạo lực cách mạng, chính quyền toàn tỉnh đã thuộc về tay nhân dân. Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Thái Nguyên là kết quả của sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối chiến lược, sách lược của Đảng vào thực tiễn ở địa phương.