Thái Nguyên: Quyết liệt phòng, chống tham nhũng

14:48, 25/08/2008

Công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thái Nguyên thời gian gần đây đã trở nên quyết liệt và thực chất hơn, nhất là từ khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh ra đời (tháng 1-2008). Nhiều vụ việc sai phạm, tham nhũng, lãng phí, biển thủ của công đã được ngăn chặn, làm rõ và đưa ra ánh sáng.

Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, chỉ chưa đầy 8 tháng qua, ngành Thanh tra đã tiến hành trên 70 cuộc thanh tra về các lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền gần 1,7 tỷ đồng, trong đó có 919,1 triệu đồng tiền lãng phí, 617 triệu đồng quyết toán không đúng thực tế thi công và 138,1 triệu đồng sai về thực hiện chế độ chính sách. Ngành đã kiến nghị thu hồi gần 700 triệu đồng và xử lý hành chính một số cán bộ liên quan.

 

Cơ quan Thanh tra cũng đã tiến hành thanh tra về tham nhũng ở 12 cơ quan, đơn vị và đã có kết luận của 4 cuộc thanh tra. Cụ thể, thanh tra tại UBND xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đã phát hiện các sai phạm về kinh tế với giá trị trên 454 triệu đồng. Đồng thời tại đây còn phát hiện việc kê khai sai nguồn gốc để hợp thức cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.800m2. Thanh tra tại Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên, phát hiện việc quyết toán không đúng đối tượng và tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn với số tiền gần 318 triệu đồng; quyết toán khống các buổi chiếu bóng vùng cao trên 368 triệu đồng. Thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại UBND hai huyện Đại Từ và Đồng Hỷ, đã phát hiện sai phạm trong tổ chức thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán với giá trị trên 500 triệu đồng... Ngoài ra, Ngành Thanh tra cũng đã tiếp tục điều tra, làm rõ 4 vụ có dấu hiệu tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã tiến hành xử lý 7 vụ với 9 đối tượng có hành vi tham nhũng, giá trị thiệt hại khoảng 160 triệu đồng. Tiến hành truy tố 4 vụ với 6 bị can, trong đó chuyển Toà án Nhân dân tỉnh xét xử 3 vụ...Theo ông Phạm Bình Định, Chánh Thanh tra tỉnh thì những kết quả trên thể hiện sự vào cuộc thực sự của Ngành Thanh tra, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. Tính chất quyết liệt của “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh đã thực sự tạo ra sức mạnh nhất định, có tác dụng ngăn chặn kịp thời những trường hợp sai phạm. Ông Định cũng cho biết, vấn đề phòng, chống tham nhũng của tỉnh sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

 

Cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Trước tiên là việc thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức. Hiện nay, cơ bản các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tiến hành kê khai tài sản, thu nhập; các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện việc trả lương qua tài khoản. Đồng thời, Ban cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác rà soát các thủ tục hành chính nhằm bổ sung, sửa đổi và bãi bỏ những quy định không phù hợp. Trong tổng số 10 cơ quan được phê duyệt thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính thì hầu hết đã tiến hành rà soát và xây dựng quy trình giải quyết đầy đủ các thủ tục hành chính. Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo theo đúng quy định. Sở Nội vụ đã tiến hành thẩm định danh sách trên 400 người trong diện tinh giản biên chế...

 

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh cũng đã chỉ đạo Ngành Thanh tra tập trung thanh tra một số lĩnh vực nhạy cảm như: Quản lý và sử dụng đất, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách, xét duyệt dự án, cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản... và thanh tra đột xuất theo đơn thư tố cáo của công dân đối với các cá nhân, đơn vị có dấu hiệu tham nhũng.

 

“Cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng đã trở nên quyết liệt với những kết quả khả quan hơn, nhưng cũng phải thấy rằng công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong tỉnh còn nhiều hạn chế. Mặc dù cấp huyện đã được kiện toàn bộ máy phòng, chống tham nhũng nhưng hoạt động còn chưa đi vào nền nếp, triển khai công việc còn lúng túng. Các ngành chủ chốt như: Công an, Thanh tra, Viện Kiểm sát... cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, ăn khớp với nhau. Đặc biệt là sự phối hợp của các ngành này với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh.

 

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và xử lý nghiêm đối với cá nhân tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong phạm vi quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức. Cần thiết sẽ tiến hành luân chuyển cán bộ ở một số vị trí nhạy cảm, có dấu hiệu sai phạm...