Trở lại nơi ra đời lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

09:50, 18/08/2008

Nơi ấy là mảnh đất Tràng Xá (Võ Nhai) Anh hùng, từng một thời là căn cứ địa cách mạng của quân dân ta. Năm 1941, tại khu rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, Đội Cứu Quốc quân II-một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay đã ra đời trong sự đùm bọc, chở che của đồng bào địa phương nhằm tiến hành trừ gian, diệt phản, bảo vệ cách mạng.

Chính những đóng góp này đã tạo ra một sức mạnh tổng hợp, góp phần làm nên thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, khai sinh nước Việt Nam độc lập. Với truyền thống vẻ vang đó, suốt hơn nửa thế kỷ qua, Tràng Xá cùng với cả nước không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, từng bước cải thiện đời sống.

 

Sự đổi thay của Tràng Xá hôm nay hiện rõ trên từng nếp nhà, con đường, thửa ruộng và ngay cả trong nếp nghĩ của mỗi người dân. Con đường đất gập ghềnh hàng chục kilômét từ thị trấn Đình Cả vào trung tâm xã vài năm trước đây giờ đã được thay thế bằng đường nhựa 135 phẳng lì. Những cây cầu bê tông, đường tràn liên hợp dần thay thế những chiếc cầu tre, cầu tạm. Những ngôi nhà xây kiên cố nằm dọc hai bên đường đã phần nào làm mờ đi hình ảnh bản làng lúp xúp khi xưa. Đất Tràng Xá đang từng ngày mầu mỡ hơn lên. Những nương chè hình bát úp được bao bọc bởi những cánh rừng trồng xanh ngút ngát đang là thế mạnh làm thay đổi bộ mặt kinh tế của xã.

 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã tự hào: "Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cộng với những nỗ lực của địa phương, những năm gần đây đời sống của người dân được cải thiện nhiều. Nếu năm 2000 xã còn 37% dân số thuộc diện nghèo thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 8%. Thu nhập bình quân đầu người trong xã đã ở mức 3 triệu đồng/năm". Là một xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh, Tràng Xá được hưởng chương trình 135 của Chính phủ. Bằng nguồn vốn này, xã đã tập trung xây dựng khu trung tâm cụm với những công trình đường, chợ, trạm điện, phòng khám đa khoa, trụ sở UBND... Ngoài ra, với chương trình này xã cũng đã và đang đầu tư xóa đường đất, cầu tạm, phòng học tạm phục vụ dân sinh. Hiện nay, cả xã đã có trên 10km đường liên thôn được trải nhựa, cấp phối; 24 phòng học cao tầng được xây mới, tạo điều kiện cho trên 2 nghìn học sinh các bậc học không phải học 3 ca như trước.

 

Tràng xá có bản Chòi Hồng, một bản người Mông nằm tách biệt hẳn về phía Tây của xã. Nhiều năm qua, nơi đây được xem là vùng đất "khó" với mức sống thấp nhất xã. Nhưng hôm nay, mảnh đất này đã và đang thay đổi diện mạo từng ngày. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền, sự quan tâm, động viên của các đoàn thể địa phương, nhận thức của đồng bào đã được nâng lên, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bà con cùng nhau đoàn kết, sinh hoạt theo nếp sống mới và tập trung cải thiện cuộc sống gia đình. Cả bản hiện có khoảng 100 ha rừng trồng, trên 30 ha cây ăn quả các loại, hàng chục ha ngô, đỗ tương... Cùng với Chòi Hồng, các bản làng khác trong xã cũng có cuộc sống ổn định hơn trước.

Để nhanh chóng tạo bộ mặt mới cho địa phương, Ban xoá đói, giảm nghèo của xã đã được thành lập, từng thành viên được phân công phụ trách các cụm xóm, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ nghèo để chọn hướng đầu tư thích hợp. Cùng cán bộ chuyên môn cấp huyện, những thành viên Ban xoá đói, giảm nghèo của xã thường xuyên xuống xóm bản chuyển giao KHKT, chỉ đạo nông dân đưa các giống lúa lai, ngô lai năng suất cao vào thâm canh. Đến nay, 98% diện tích gieo trồng của xã đã sử dụng các giống lai cao sản. Việc chăn nuôi cũng chuyển hướng theo từng điều kiện thích hợp. Những gia đình thiếu lao động không thể chăn nuôi lợn theo quy mô lớn sẽ chuyển sang chăn thả gà, ngan, vịt. Sau khi tính toán và thử nghiệm canh tác, xã đã chỉ đạo bà con phát triển mạnh cây chè ở các vùng Tân Thành, Thành Tiến, lấy đây làm mô hình thử nghiệm xoá nghèo. Sau khoảng 7 năm triển khai, không ít gia đình đã trở nên khá giả, điển hình có gia đình ông Hoàng Văn Thế, xóm Thành Tiến. Cách đây mấy năm, gia đình ông Thế là một hộ nghèo nhất nhì xã. Nhưng với bàn tay lao động cần mẫn và một khối óc nhanh nhạy, từ chỗ không có một mét đất canh tác giờ ông đã sở hữu trên 2ha chè. Giá trị sản xuất chè của gia đình ông hiện đã ở mức từ 30-70 triệu đồng/năm và chính thức thoát khỏi diện nghèo. Khoa học kỹ thuật phát triển, kinh tế hộ khá giả, người nông dân không ngần ngại đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Cả xã đã có hàng trăm máy cầy, bừa mini, hàng chục xe vận tải nhỏ, máy xao, vò chè, máy sấy ngô, máy bơm nước...

Trong kháng chiến, Tràng Xá kiên trung bảo vệ Tổ quốc, trong thời bình, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này đang cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn.