Chủ tịch xã phải được trao quyền rộng rãi

13:22, 07/09/2008

Việc bầu chủ tịch xã, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, chắc chắn sẽ có tác dụng rất tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội ở cơ sở.

Vận động tranh cử

 

Đơn giản, một khi hiểu rằng số phận của mình nằm trong tay cử tri, thì người giữ chức vụ dân cử sẽ phải tỏ ra mẫn cán và có hiệu quả trong mắt cử tri. Chủ tịch xã do dân cử, dưới sức ép của những lá phiếu bầu, phải thực sự quan tâm đến nguyện vọng của dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách quản lý, điều hành.

 

Không nên lo rằng do đặc điểm truyền thống về tổ chức làng, xã ở Việt Nam, chủ tịch xã được bầu cử dân chủ có khả năng chỉ đại diện cho dòng họ chứ không phải cho trăm họ.

 

Điều chắc chắn là nếu bầu bán trung thực thì chẳng bao giờ có ứng viên nào trứng cử với 100% số phiếu. Trong các cộng đồng địa phương, dù lớn hay nhỏ, luôn tồn tại các lợi ích khác biệt, nguồn gốc của những tiếng nói khác biệt.

 

Vả lại, nếu cử tri trong dòng họ chiếm đa số, thì việc chủ tịch xã là người của dòng họ, suy cho cùng, chỉ theo đúng logic của các cuộc bình bầu dân chủ. Nói khác đi, các nhóm người, gắn bó với nhau do có lợi ích chung, luôn tìm cách (và có quyền tìm cách trong khuôn khổ pháp luật) để người cam kết bảo vệ lợi ích của mình được trúng cử.

 

Cũng theo đúng logic của cơ chế bầu cử dân chủ mà người được đa số phiếu bầu và trúng cử phải trở thành người đại diện theo pháp luật, không chỉ cho đa số đó, mà cho tất cả, bao gồm những cử tri đã không bỏ phiếu cho mình.

 

Đã vào vai chủ tịch xã, thì ứng viên đắc cử, dù vốn là người của dòng họ hay của một nhóm nào đó, là chủ tịch của toàn xã chứ không phải của dòng họ hay nhóm đó. Còn chuyện chủ tịch xã, trong quá trình thực hiện chức năng của người đứng đầu chính quyền địa phương, có sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ lợi ích này chống lại lợi ích kia một cách thiên lệch, bất công là chuyện của Luật Công vụ chứ không phải của cơ chế bầu cử.

 

Việc tranh cử tự do, công khai sẽ giúp cho cử tri hiểu rõ lai lịch, năng lực của từng ứng viên, qua đó, có thể cân nhắc và lựa chọn một cách chính xác ứng viên tốt nhất. Tất nhiên, không loại trừ khả năng hoạt động tranh cử bị chi phối, khống chế bởi những thế lực, nhóm lợi ích nhằm tìm kiếm kết quả bầu cử có lợi cho mình. Phải chấp nhận điều đó, nhưng cần hoàn thiện khung pháp lý cho việc vận động tranh cử để hạn chế đến mức có thể được các vụ mua bán, gian lận liên quan đến lá phiếu cử tri.

 

Sửa Hiến pháp và luật

 

Được dân trực tiếp bầu ra, chủ tịch xã phải được trao những quyền hạn rộng rãi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chức vụ dân cử, đồng thời phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với cử tri về những quyết định của mình.

 

 

Việc tranh cử tự do, công khai sẽ giúp cho cử tri hiểu rõ lai lịch, năng lực của từng ứng viên, qua đó, có thể cân nhắc và lựa chọn một cách chính xác ứng viên tốt nhất. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

 

Để giám sát một cách có hiệu quả công việc của chủ tịch xã, nhằm ngăn ngừa sự lạm quyền, hội đồng nhân dân địa phương, cũng là một thiết chế dân cử, phải trở thành một cơ quan hoạt động thường xuyên.

 

Muốn vậy, phải làm gọn cơ cấu của hội đồng nhân dân: chỉ gồm một số ít đại biểu chuyên trách, có chức danh và được trao các quyền năng, trách nhiệm giám sát cụ thể tương ứng với chức danh đảm nhận.

 

Nhưng, để có được tất cả những điều này, việc cần làm trên hết và trước hết là đặt cơ sở pháp lý cho việc bầu cử trực tiếp chủ tịch xã. Theo Hiến pháp, chủ tịch ủy ban nhân dân, với tư cách là thành viên của ủy ban đó, phải do hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra.

 

Bởi vậy, muốn tiến hành bầu trực tiếp chủ tịch xã, dù chỉ ở một số nơi và mang ý nghĩa thí điểm, thì nhất thiết phải sửa đổi Hiến pháp. Không nên xây dựng nền tảng pháp lý cho một biện pháp cải cách thể chế quan trọng như thế bằng cách giải thích chính thức các quy tắc liên quan của Hiến pháp. Vấn đề giải thích Hiến pháp, luật chỉ được đặt ra trong những trường hợp câu chữ của quy tắc không rõ hoặc giữa các quy tắc có sự mâu thuẫn. Đó không phải là trường hợp của những quy tắc hiện hành trong Hiến pháp liên quan đến chức vụ chủ tịch xã.

 

Sau khi sửa đổi Hiến pháp, còn phải xây dựng luật bầu cử để việc bầu chủ tịch xã có thể diễn ra trong một khung pháp lý minh bạch, chặt chẽ, thống nhất. Chỉ những cuộc bầu chọn thực sự dân chủ, thiết thực và đúng luật mới cho phép tìm ra những xã trưởng có phẩm chất và năng lực cần thiết cho việc điều hành bộ máy chính quyền địa phương.