Nói đến công tác dân vận là nói đến nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, bài học dân là gốc theo Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được đề cao và hoàn thiện hơn.
Đối với Thái Nguyên, công tác dân vận luôn được các cấp uỷ, chính quyền quan tâm và coi trọng. Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng hoàn thiện Đề án "Tiếp tục đổi mới, tăng cường công tác dân vận, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân giai đoạn 2006- 2010". Đây chính là sự thể hiện quyết tâm của toàn Đảng bộ trong việc chăm lo, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của công tác dân vận và hệ thống chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH.
Xác định rõ việc đổi mới công tác dân vận chính là tập trung rèn luyện và xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng ngày càng vững mạnh, vì vậy bằng nhiều hình thức, các cấp uỷ Đảng đã trú trọng quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tư tưởng dân vận của Bác Hồ. Một số địa phương đã cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án cho phù hợp với thực tế từng địa phương bằng các chương trình hành động cụ thể, như xây dựng các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác vận động quần chúng, công tác Mặt trận, công tác phụ nữ, thanh niên…tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 lần hai khoá IX, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Điển hình như các Đảng bộ: Phú Lương, Đồng Hỷ, Định Hoá, Đại Từ, T.P Thái Nguyên. Đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã xây dựng được Quy chế hoạt động của cấp uỷ với khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; duy trì giao ban hàng tháng, hàng quý với khối dân vận. Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND với khối dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã có nhiều chuyển biến, góp phần nâng cao hiệu quả chức năng giám sát, tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng xây dựng chính quyền.
Nếu như năm 2005, toàn tỉnh mới có trên 30% xã, phường, thị trấn xây dựng được quy chế phố hợp này, thì đến nay đã tăng lên 60%, riêng T.P Thái Nguyên 100% xã, phường đều có quy chế phối hợp hoạt động, huyện Đồng Hỷ cũng đạt gần 80% xã, thị trấn có quy chế phối hợp. Năm 2008, thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh uỷ về khảo sát, đánh giá hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2004- 2009, thông qua quy chế phối hợp quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị với Thường trực HĐND, UBND, toàn tỉnh đã tổ chức được 96 hội nghị ở cơ sở để tham gia đóng góp ý kiến cho đại biểu HĐND cấp huyện, 10 hội nghị ở các huyện, thành phố, thị xã tham gia đóng góp ý kiến cho đại biểu HĐND tỉnh với trên 8.000 lượt cử tri tham dự, thu được hơn 1.000 lượt ý kiến tham gia đóng góp. Nhờ những hội nghị này, năng lực, chất lượng đại biểu HĐND được đánh giá, nhận xét đúng, khách quan. Kết quả qua các đợt tiếp xúc cử tri, các hội nghị đã có 98,3% đại biểu HĐND tỉnh được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, 1,6% chưa hoàn thành nhiệm vụ; 98,7% đại biểu HĐND huyện được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, 1,2% là chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã dần đi vào nền nếp, nhân dân tích cực phát huy quyền làm chủ của mình trong tham gia xây dựng chính quyền. Thông qua quy chế phối hợp của Mặt trận Tổ quốc với chính quyền các cấp, đến nay toàn tỉnh đã có 3.015 trên tổng số 3.024 xóm, bản, tổ dân phố có quy ước, hương ước, trong đó có gần 84% quy ước, hương ước được phê duyệt. Từ khi thực hiện Đề án của tỉnh, đến nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn đã có Ban Thanh tra nhân dân, với 2.234 uỷ viên, thành lập được 2.129 tổ an ninh, 2.690 tổ hoà giải với trên 8.000 tổ viên. Hoạt động của các ban thanh tra nhân dân, tổ hoà giải đã góp phần hạn chế những tiêu cực trong xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Qua hơn hai năm thực hiện Đề án của tỉnh, bên cạnh việc triển khai các kế hoạch, chương trình hành động của cấp uỷ, công tác dân vận các cấp đã chú trọng việc nâng cao kỹ năng công tác, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ. Hai năm 2006- 2007, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ được trên 14 nghìn lớp, trong đó các tổ chức như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trân Tổ quốc… tổ chức nhiều lớp theo chuyên đề công tác, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cùng với đó, vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Trước yêu cầu đổi mới, công tác dân vận phải thực sự là nền tảng tinh thần và vật chất to lớn trong xã hội, tạo động lực đẩy mạnh công cuộc CNH- HĐH đất nước. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp